Ngay bây giờ, vào website chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo và gõ cụm từ “STEM” vào ô tìm kiếm, người ta sẽ có… 0 kết quả trả về. Trong khi đó, tầm nhìn về STEM đã được thủ tướng đưa ra từ năm 2017 trong chỉ thị số 16 ngày 4.6.2017: “cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM)”…

Nhà nhà cố gắng, người người cố gắng

Ngày 17.7 vừa qua, Viện nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (VNUK), Đại học Đà Nẵng đã chủ trì hội thảo chuyên đề mang tên “Phát triển giáo dục STEM và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh trung học phổ thông” tại thành phố Đà Nẵng. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia từ nước ngoài lẫn trong nước, những người được xem là hàng đầu về giáo dục STEM và khởi nghiệp sáng tạo để cùng tìm kiếm các phương án hỗ trợ việc đào tạo STEM trong nhà trường, cụ thể trong bối cảnh giáo dục Việt Nam.

Hội thảo đã trao đổi nhiều điều thú vị, nhưng thú vị nhất, là cách mà câu chuyện đang được vận hành: mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi trường đều đang tự tìm giải pháp cho riêng mình. Còn ngành giáo dục ở Đà Nẵng thì… không có ý kiến. Nhiều người ngơ ngác hỏi: “Ủa sao chuyên gia từ Mỹ, từ Anh, từ Hà Nội, Sài Gòn đều có mặt, mà không thấy đại diện ban giám hiệu các trường, đại diện sở giáo dục và đào tạo cũng không ?”. Khó quá, thôi bỏ qua.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hương, trưởng ban tổ chức hội thảo này, bắt đầu bằng câu chuyện về những nỗ lực mang tính tự thân của mình: “Ai cũng rõ, đào tạo STEM trang bị cho học sinh những kỹ năng phù hợp để phát triển vào năm 2020 theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, như tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, kỹ năng trao đổi và hợp tác, khả năng sáng tạo…

Điểm nổi bậc của định hướng STEM là thúc đẩy tính liên ngành và khả năng ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào thực tiễn. Là một cơ sở giáo dục đại học tiếp cận theo tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi luôn mong muốn được tiếp nhận các học sinh có tinh thần sáng tạo, chủ động học hỏi để tiếp tục đào tạo nên những sinh viên tốt nghiệp với kiến thức và kỹ năng toàn diện. Vì vậy, VNUK đang phối hợp với nhiều tổ chức uy tín trong lĩnh vực này để đưa STEM về các trường phổ thông, nhằm tìm cách chuẩn bị cho các đầu vào của các chương trình đào tạo của mình”.

Khách tham dự hội thảo thích thú với STEM BOX – Bộ công cụ đào tạo STEM. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Đặng Văn Sơn, học viện Sáng tạo S3 trở lại hội thảo với thông điệp từng gây sóng gió dư luận của mình: “Giáo dục STEM bùng nổ trên thị trường nhưng chưa bùng nổ ở học đường”. Ông cũng đưa ra bốn vấn đề nổi cộm của thực trạng dạy và học STEM ở Việt Nam: chưa có chính sách cụ thể để phát triển giáo dục STEM từ Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa trên các nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam; nhận thức về việc “học” của phần lớn phụ huynh vẫn theo cách truyền thống (học là để… thi); chưa hình thành được hệ sinh thái giáo dục STEM, và nhận thức của cán bộ trong ngành giáo dục ở địa phương (cấp sở, phòng, trường) về giáo dục STEM một cách nào đó vẫn còn hạn chế.

Bởi vậy, không khó để tìm ra những trung tâm dạy STEM, những website nhan nhản giới thiệu chương trình, công cụ và thậm chí nhượng quyền thương hiệu của các chương trình đào tạo này từ nước ngoài về. Tuy nhiên, chuyện chính thức hóa trong trường học vẫn còn rất mơ hồ.

Đi tìm hệ sinh thái giáo dục STEM

Ông Phan Quốc Hải, Giám đốc Trung tâm Saigon Scientist bắt đầu bằng việc chia sẻ định hướng chung về một người lao động tiêu chuẩn mới của Liên Hiệp Quốc: sự kết hợp giữa ba đỉnh tam giác của kiến thức, kỹ năng và thái độ. Khi tiếp cận ở góc độ này, sẽ thấy một bức tranh khác về thực trạng nguồn lao động và nền kinh tế Việt Nam khi… không có STEM: hơn 600.000 doanh nghiệp tại Việt Nam có 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra 51% công ăn việc làm trên cả nước, đóng góp 45% GDP quốc gia.

Nhưng có đến 43% lãnh đạo các doanh nghiệp này chưa kịp tốt nghiệp đại học, dẫn đến tình trạng hơn 75% lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp không được đào tạo về kỹ năng mà cứ tự học theo thói quen. Quan trọng hơn hết, là tỷ lệ các kỹ sư, nhà khoa học tham gia vào doanh nghiệp chỉ có 0,025%.

Ông Hải cho rằng, với cách tiếp cận này, sẽ thấy để phát triển việc dạy và học STEM trong nhà trường, cần có sự tham gia nhiều hơn của các thành tố khác nhau trong hệ sinh thái này. Đó là vai trò của phụ huynh và doanh nghiệp – vốn đang khá thờ ơ với xu hướng chủ đạo trong giáo dục mới.

Phụ huynh cần hiểu rằng, việc phát triển kỹ năng, cả cho người lao động trực tiếp và gián tiếp, trong tương lai, là một quá trình dài, cần được rèn giũa, đào tạo sớm và liên tục. Doanh nghiệp cần hiểu rằng, STEM không phải là một phép màu mà chỉ cần “thả” vào một khóa học thì người học tự nhiên nâng cao được kỹ năng của mình, mà đó là một giai đoạn đầu tư dài hạn, liên tục nếu muốn trong tương lai mình sở hữu lực lượng lao động có sức cạnh tranh cao.

Hoa hậu Mỹ đi làm… STEM

Hoa hậu Erika đi hỗ trợ STEM. Ảnh: PSB.org

Một trong những điểm nhấn thú vị trong hội thảo STEM B này, là khi vào xem website của Saigon Scientist, sẽ thấy tổ chức này được cố vấn bởi một nhân vật đặc biệt: cựu hoa hậu, tiến sĩ sinh hóa và nhà khởi nghiệp Erica Ebbel.

Tiến sĩ Erika-cựu hoa hậu Massachusetts, MIT alumna và Tiến sĩhóa sinh củaĐại học Boston. Cô đã giúp học sinh vượt qua những thách thức khoa học trong “Tiến sĩ Erika Show.” Cô điều hànhmột công ty mới khởi nghiệp bằng cácứng dụng thông minh liên quan đếncông nghệ hóa sinhtrong dược phẩm. Sởthích của cô là tạo ra các nghiên cứu sáng tạo và các chương trình khoa học liên quan.