Phương pháp mới do các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) nghiên cứu nhằm theo dõi độ sâu trong quá trình gây mê, từ đó giải quyết những tình trạng thay đổi khác nhau của bệnh nhân.

Xác định mức độ mê của người bệnh là một yêu cầu cần thiết và quan trọng trong gây mê hồi sức. Quá trình này đòi hỏi phải có những điểm mốc hướng dẫn, đi từ mê nông (độ mê quá nhẹ), đến độ mê sâu (độ mê quá nhiều), hay ngược lại. Gây mê phải phù hợp với từng loại và từng giai đoạn của phẫu thuật, từng người bệnh. Bên cạnh đó, khi đã xác định được độ mê chính xác thì người gây mê có thể dùng lượng thuốc mê ít nhất, tránh dùng thuốc gây mê quá nhiều, mà vẫn đảm bảo cho cuộc phẫu thuật tiến hành thuận lợi. Hầu hết thuốc mê đều độc hại, gây ra những tai biến, biến chứng rất nguy hại cho người bệnh.

Bệnh nhân được gây mê không đủ liều thuốc sẽ bị thức tỉnh trong khi đang phẫu thuật. Để giảm nguy cơ dùng thuốc mê không đúng tỷ lệ, bệnh nhân phải được theo dõi và đánh giá một cách chính xác trong suốt quá trình phẫu thuật. Có một vài phương pháp được áp dụng để theo dõi độ sâu trong gây mê (DoA) như theo dõi dấu hiệu lâm sàng (đổ mồ hôi, chảy nước mắt, kích cỡ đồng tử, độ ẩm của da và cử động chi) và những thiết bị hỗ trợ (điện tim, huyết áp, máy đo độ bão hòa oxy). Tuy nhiên, không có phương pháp nào đánh giá tình trạng của não trong suốt quá trình gây mê.

v
Sóng PDoA trong suốt quá trình phẫu thuật 5 giai đoạn (mất ý thức, mê nhẹ, mê vừa, mê sâu và tỉnh mê). Ảnh: NNC

Hiện tại, các nhà gây mê hồi sức có thể đo được tác dụng của thuốc mê lên sóng não bằng cách dùng điện não đồ (EEG). Nhưng các máy đo theo dõi trạng thái gây mê dùng tín hiệu EEG hiện nay không phản ánh sự thay đổi các giai đoạn của bệnh nhân trong gây mê nhẹ, trung bình, sâu. Máy chỉ cho thấy ba trạng thái: tỉnh táo, trạng thái gây mê nói chung, và tình trạng phục hồi. Do vậy, các chuyên gia gây mê khó xác định chính xác tình trạng gây mê và quyết định khi nào nên phẫu thuật. Phương pháp mới của nhóm tác giả ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) hướng tới giải quyết vấn đề này.

Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên 171 bệnh nhân ở độ tuổi từ 17 đến 80, được phẫu thuật vùng bụng với dẫn mê bằng propofol và duy trì mê bằng sevoflurane. Nghiên cứu thu thập dữ liệu thuốc mê, nhân khẩu học bệnh nhân (tên, tuổi, tình trạng bệnh,…), tín hiệu EEG; và nhận dạng, dự báo, phân loại các trạng thái thay đổi độ mê bằng thang điểm lâm sàng, tín hiệu lâm sàng, mô hình mạng trí tuệ nhân tạo và mô hình máy học.

Từ đó, nhóm tác giả đề xuất chỉ số mới PDoA (chỉ số độ mê của mỗi bệnh nhân) và dựa trên chỉ số này để dự báo theo 5 cấp độ gây mê (mất ý thức, mê nhẹ, mê vừa, mê sâu và tỉnh mê); đồng thời, kiểm soát tốt hơn quá trình gây mê, tránh gây mê nông hoặc quá sâu, ngăn ngừa tỉnh mê trong khi phẫu thuật và rút ngắn thời gian tỉnh mê.

Theo PGS.TS. BS Nguyễn Văn Chinh, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, kết quả này có thể áp dụng để tối ưu hóa liều lượng thuốc gây mê, nhằm đem lại sự an toàn cho bệnh nhân trong gây mê và phẫu thuật. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu có thể áp dụng để phát triển thiết bị mới trong theo dõi độ mê sâu bằng cách kết hợp tín hiệu EEG và dữ liệu sinh học của bệnh nhân, tiến tới cá nhân hóa chỉ số độ sâu gây mê cho từng bệnh nhân, giúp giảm sự đánh giá chủ quan bằng kinh nghiệm của người gây mê.

Đề tài nghiên cứu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua.