Ingmar Hoerr, nhà sáng lập Curevac và Elon Musk đã thúc đẩy một dự án mới - in thuốc chữa bệnh - được dự báo sẽ làm khuynh đảo nền y học.

Nguyên mẫu đầu tiên của máy in mRNA với lệnh "Ctrl + P = thuốc chữa bệnh" của Curevac.

Người ta chú ý nhiều tới Biontech khi hãng dược phẩm này đưa ra vaccine Covid nhưng không mấy người nhắc đến Curevac, doanh nghiệp công nghệ sinh học thứ hai ở Đức đang nghiên cứu về một công nghệ có khả năng cải thiện đáng kể vấn đề hậu cần (logistic) đối với tiêm chủng và từ đó góp phần hạn chế lây lan của virus. Hơn nữa, qua đó có thể điều trị nhiều loại bệnh khác, thí dụ như bệnh ung thư.

Ingmar Hoerr, người sáng lập Curevac – cùng với Elon Musk, ông chủ nhà máy ô tô điện Tesla đang hợp tác để nghiên cứu một loại máy in thuốc chữa bệnh để ngay tại các cơ sở y tế.Trao đổi với tạp chí Tuần kinh tế của Đức, ông Hoerr cho rằng diều này có thể tạo ra “một cuộc cách mạng” trong sản xuất dược phẩm. Công nghệ này sẽ làm được những gì mà cho đến nay chưa hề được biết đến".

Phòng thí nghiệm mini

Máy in của Curevac dạng nguyên mẫu hiện đã có mặt tại trụ sở của hãng ở Tübingen, kích cỡ nhỏ, dễ dàng vận chuyển và lắp đặt nhanh chóng.Theo Hoerr, "đại để nó như một cái tủ lạnh, một phòng thí nghiệm mini, có thể in mRNA".

mRNA là chất truyền tin trong cơ thể con người nó có chức năng hướng dẫn “xây dựng” các phân tử protein, các phân tử này chịu trách nhiệm về những hoạt động của tế bào. Hiện nay các vaccine mRNA như của Biontech và Moderna được tạo ra trong các nhà máy lớn và cần có chi phí rất lớn, rất nhiều thùng lạnh và phương tiện vận chuyển chuyên dụng để vận chuyển đi các nơi. Máy in mRNA mà Curevac đang nghiên cứu được kỳ vọng là có thể giúp đơn giản hóa những phiền phức này.“Máy in có thể lắp đặt tại ngay các cơ sở bào chế dược phẩm và các cơ sở y tế như phòng khám bệnh và bệnh viện”, Hoerr giải thích. Các loại thuốc cần thiết sẽ được in ra tại chỗ.

"Ý tưởng thì có vẻ thật tuyệt vời, tuy nhiên đưa vào ứng dụng thực tế thì còn vướng ở một số điểm", Hoerr nhấn mạnh, "tủ thuốc tự động phải cực kỳ tinh khiết, và trong quá trình bào chế thuốc tuyệt đối không được để vật lạ thâm nhập vào máy. Hơn nữa cỗ máy còn là một tủ lạnh, để tránh không để các chuỗi mRNA rất nhạy cảm bị phân hủy khi gặp nhiệt".

Đội ngũ nghiên cứu của Curevac đã có ý tưởng về vấn đề này từ vài năm nay, chỉ có bí quyết về nguyên liệu sản xuất là chưa có. Vì vậy năm 2015 doanh nghiệp Curevac đã liên doanh với chuyên gia tự động hóa Grohmann ở Eifel. Đến 2017 thì Tesla tiếp quản Grohmann, nhằm tăng cường tự động hóa và hiệu quả của nhà máy sản xuất ô tô và nhà máy pin cho ô tô của mình. Hoerr đã đích thân gặp Elon Musk để cùng thảo luận về tương lai của máy in dược phẩm và Musk đồng ý để các kỹ sư của Grohmann tiếp tục theo đuổi dự án.

Kỳ vọng thuốc chống ung thư riêng biệt cho từng người

Curevac không chỉ nghiên cứu về một loại vaccine chống virus corona mà còn nghiên cứu để sử dụng công nghệ mRNA để chống các bệnh khác như ung thư. Nên nếu máy in mRNA thành công thì trong tương lai các chuyên gia có thể thiết kế các loại thuốc mRNA trên máy tính để chữa nhiều loại bệnh, phù hợp cho từng người bệnh.

Máy in văn phòng thì đổ mực còn máy của Curevacthì được nạp các loại hóa chất khác nhau. Máy in sẽ nhận đơn thuốc kỹ thuật số và đưa ra thành phẩm là một loại thuốc mRNA phù hợp với từng người bệnh. Các bác sĩ gọi cách tiếp cận này là thuốc cá nhân hóa.

Sẽ còn một thời gian nữa thì công nghệ này mới trở thành hiện thực và sẽ còn mất nhiều năm nữa máy in mới được sản xuất hàng loạt..Đến mùa hè này các chuỗi mRNA đầu tiên ở Tübingen mới được in ra để phục vụ thử nghiệm. Ông Hoerr giải thích “vẫn còn nhiều điều để tối ưu hóa”.

Nếu dự án này thành công thì sẽ đem lại lợi ích rất lớn: ngay cả những vùng hẻo lánh nhất ở các nước đang phát triển cũng có thể tự sản xuất các thuốc hay vaccine chống lại những căn bệnh nhiệt đới mà các chuyên gia ở tận đầu bên kia thế giới vừa mới thiết kế. Và các liệu pháp gene mới cho nhiều loại bệnh có thể được sản xuất ngay tại nơi bệnh nhân đang điều tri, tức trong bệnh viện, bằng máy in.