Các vaccine SARS-CoV-2 đang được phát triển nhanh chóng và bước đầu cho kết quả thử nghiệm khả quan trên động vật và người. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ ra, vẫn còn nhiều điểm phải thận trọng.

Cách đây vài ngày, công ty công nghệ sinh học Moderna (Cambridge, Massachusetts) đã tiết lộ dữ liệu đầu tiên từ một thử nghiệm ở người: vaccine COVID-19 của họ đã kích hoạt phản ứng miễn dịch ở người và bảo vệ chuột khỏi nhiễm trùng phổi do SARS-CoV-2. Kết quả - như thông cáo báo chí của công ty công bố - được coi là tích cực và đẩy giá chứng khoán tăng vọt.

Một vaccine khác do Đại học Oxford, Vương quốc Anh, phát triển, đã được chứng minh hiệu quả trong thử nghiệm trên khỉ và đang trong giai đoạn thử nghiệm ở người. Một nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc cũng báo cáo những kết quả thử nghiệm tương tự với vaccine của họ trong tháng này.

Các nhà khoa học nói rằng dữ liệu thử nghiệm ở động vật là rất quan trọng để hiểu cách thức hoạt động của vaccine, từ đó có thể tập trung cải thiện các vaccine ứng cử viên triển vọng nhất. "Chúng ta có thể có vaccinetrong vòng 12 hoặc 18 tháng," theo Dave O'Conner, nhà virus học tại Đại học Wisconsin-Madison. "Tuy nhiên sẽ cần phải cải thiện chúng để phát triển vaccine thế hệ thứ hai và thứ ba."

Vaccine chống virus corona đang được thử nghiệm trên người và động vật.

Phản ứng miễn dịch

Vaccine của Moderna đã bắt đầu thử nghiệm mức độ an toàn ở người từ tháng 3. Vaccine này gồm các RNA thông tin (mRNA), sau khi được tiêm vào cơ thể, sẽ tạo ra protein gai của virus corona. Các tế bào miễn dịch nhận biết protein này và tạo kháng thể chống lại nó, giúp ngăn ngừa lây nhiễm trong tương lai. Mặc dù an toàn và dễ phát triển, các loại vaccine dựa trên RNA như thế này vẫn chưa được cấp phép ở bất cứ đâu trên thế giới.

Theo thông cáo báo chí của Moderna, 45 người tham gia nghiên cứu được tiêm hai liều vaccine đã phát triển một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ đối với virus. Họ đã đo các kháng thể nhận diện virus ở 25 người tham gia. Các mức kháng thể này tương đương hoặc cao hơn so với nồng độ trong máu của những người đã hồi phục từ COVID-19.

Tal Zaks, giám đốc y tế của Moderna, cho biết trong bài trình bày trước các nhà đầu tư rằng các mức kháng thể này là tín hiệu tốt cho khả năng phòng bệnh của vaccine. "Đạt đến mức kháng thể của những người đã từng mắc bệnh là đủ," Zaks nói.

Tuy nhiên thực tế thì vẫn chưa rõ các phản ứng và mức kháng thể đó có đủ để bảo vệ mọi người khỏi virus hay không, bởi vì dữ liệu đầy đủ chưa được công bố, theo Peter Hotez, nhà khoa học vaccine tại Đại học Y Baylor ở Dallas. "Tôi không tin rằng đây thực sự là một kết quả tích cực," Hotez nói. Ông chỉ ra một bài đăng trên bioRxiv ngày 15/5 đã phát hiện hầu hết những người mắc COVID-19 tự hồi phục mà không cần nhập viện đều không tạo ra được nhiều kháng thể trung hòa - kháng thể ngăn chặn virus lây nhiễm tế bào. Moderna đo các kháng thể này ở tám người tham gia và thấy mức độ kháng thể tương đương với các bệnh nhân đã hồi phục.

Hotez cũng nghi ngờ về kết quả ban đầu của nhóm Oxford, trong đó phát hiện ra rằng khỉ tạo ra kháng thể trung hòa ở mức độ khiêm tốn sau khi nhận được một liều vaccine (cùng liều đang được thử nghiệm ở người). "Có vẻ như những con số đó cần phải cao hơn đáng kể để đủ đảm bảo khả năng bảo vệ," Hotez nói. Vaccine của Oxford được chế tạo từ một loại virus ở tinh tinh đã được biến đổi gen để tạo ra protein của SARS-CoV-2.

Hotez cho rằng vaccine đang được Sinovac Biotech phát triển ở Bắc Kinh dường như mang lại một phản ứng kháng thể hứa hẹn hơn ở những con khỉ nhận được ba liều, trong dữ liệu được trình bày trong bài báo trên Science ngày 5/5. Vaccine đó bao gồm các hạt SARS-CoV-2 bất hoạt hóa học.

Không ai biết bản chất chính xác của phản ứng miễn dịch bảo vệ con người khỏi COVID-19 và mức độ kháng thể trung hòa do khỉ tạo ra có đủ để bảo vệ con người khỏi nhiễm virus hay không, Michael Diamond, nhà miễn dịch virus tại Đại học Washington, thành viên ban cố vấn khoa học của Moderna, bình luận.

Thử nghiệm ở động vật: Vẫn còn nhiều câu hỏi

Vẫn còn nhiều câu hỏi về tác dụng của vaccine trên động vật. Moderna cho biết vaccine của họ có tác dụng làm ngừng sự nhân lên của virus ở phổi chuột. Những con vật thí nghiệm được cho nhiễm phiên bản biến đổi gen của virus để có thể tấn công vào các tế bào chuột, vốn không nhạy cảm với SARS-CoV-2, như Zaks nói trong bài thuyết trình. Nhưng các virus dùng trong thử nghiệm ở động vật được biến đổi ở chính protein mà hầu hết các loại vaccine (bao gồm vaccine của Moderna) sử dụng để kích thích hệ thống miễn dịch, và điều này có thể làm thay đổi phản ứng của cơ thể động vật.

Trong thử nghiệm của Đại học Oxford, sáu con khỉ tiếp xúc với SARS-CoV-2 đã không phát triển bất kỳ dấu hiệu viêm phổi nào. Nhưng mũi của chúng vẫn chứa nhiều virus SARS-CoV-2 như động vật chưa được tiêm chủng. Nghiên cứu không đo lường được liệu những virus này có còn khả năng lây nhiễm hay không, Diamond nói. Như vậy cần tính đến khả năng những người được tiêm vaccine vẫn truyền virus, theo Douglas Reed, nhà sinh vật học tại Đại học Pittsburgh, Pennsylvania, nói. Theo ông, lý tưởng nhất là tạo ra một loại vaccine vừa phòng bệnh vừa ngăn lây truyền, để có thể phá vỡ chuỗi lây nhiễm.

Một cách để tìm hiểu xem vaccine có thể ngăn ngừa lây truyền hay không là nghiên cứu chúng ở những động vật dễ bị nhiễm virus và có khả năng lây lan, như chồn sương và chuột đồng, Reed cho biết. Ông và các nhà nghiên cứu khác cũng tự hỏi liệu vaccine có nên được thử nghiệm ở các động vật phát triển bệnh nặng hơn khỉ, loài vốn chỉ có triệu chứng nhẹ.

Dấu hiệu an toàn

Mặc dù việc đánh giá hiệu quả vaccine còn nhiều vấn đề, nhưng các dữ liệu mới tỏ ra rõ ràng hơn về tính an toàn, các nhà nghiên cứu cho biết. Vaccine Moderna gây ra ít vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và không gây ra các vấn đề lâu dài ở các tình nguyện viên. Khỉ trong thử nghiệm của Đại học Oxford và Sinovac không bị nhiễm trùng nặng hơn sau khi được tiêm - đây là một mối lo ngại vì vaccine bất hoạt cho SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) gây bệnh nặng hơn ở động vật.

Stanley Perlman, nhà nghiên cứu virus corona tại Đại học Iowa ở TP Iowa, bình luận, dù các nghiên cứu trên động vật được thực hiện cho đến nay chỉ cung cấp một số thông tin nhất định nhưng "họ đang làm tốt nhất có thể" và không có dữ liệu nào chống lại việc thử nghiệm tính hiệu quả trên người.

Moderna sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm giai đoạn II với 600 người tham gia và hy vọng thử nghiệm hiệu quả giai đoạn III sẽ được tiến hành vào tháng 7 để kiểm tra xem vaccine có thể ngăn ngừa bệnh ở các nhóm nguy cơ cao, chẳng hạn như nhân viên y tế và những người có bệnh nền.

Nhóm Đại học Oxford đã nhận hơn 1.000 người trong thử nghiệm tại Vương quốc Anh, cho phép các nhà nghiên cứu xác định liệu vaccine có hiệu quả ở người trong những tháng tới hay không. Thử nghiệm ở khỉ của nhóm này cho kết quả rất yên tâm vì không tìm thấy bất kỳ vấn đề an toàn nào. "Chúng ta không cần thêm dữ liệu từ các thử nghiệm trên động vật," Sarah Gilbert, người đồng chủ trì nghiên cứu vaccine của Đại học Oxford, nhấn mạnh. "Nếu chúng ta đạt được hiệu quả miễn dịch ở người, thì chúng ta đã thành công, và đó là điều quan trọng."

Nguồn: