Một số các chính sách cũng như phát biểu của Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump đang khiến hàng chục nghìn nhà sinh học, vật lý học, thực vật học và bác sỹ “phát điên”.
Chính sách hạn chế người nhập cư, những tuyên bố về sự thay đổi khí hậu, đề nghị đàm phán với một nhà hoạt động chống vắcxin, và lời hứa bãi bỏ Đạo luật chăm sóc y tế với mức giá phải chăng của chính quyền đương nhiệm tại Mỹ đang khiến cộng đồng khoa học và y tế phải đứng lên đấu tranh.
Theo tờ NBCNews (Mỹ), các nhà khoa học và y bác sĩ sẽ tiến hành tuần hành tại Washington và nhiều thành phố khác vào đúng ngày Trái đất 22/4 đồng thời nhóm họp lại để giúp đỡ các nhà nghiên cứu đang phải chịu hậu quả từ lệnh hạn chế nhập khẩu bằng cách tìm cho họ không gian làm việc và thậm chí là để họ ở nhà mình.
Không dừng ở đó, họ còn đang dùng mạng xã hội để đấu tranh: lập tài khoản Twitter giả mạo, ký bản kể gọi, giữ dữ liệu mà họ lo sợ có thể bị xóa mất trong tương lại. Nhiều nhà nghiên cứu còn đang bàn tính tới việc tẩy chay các hội nghị và những tạp chí nghiên cứu khoa học của Mỹ để phản đối.
Trường hợp của nhà nghiên cứu Azadeh Paksa - một người sinh ra ở Iran, hiện làm việc trong lĩnh vực thuốc tái chế để phát triển tế bào gốc và các phương pháp điều trị khác cho bệnh hen xuyễn, xơ nang và ung thư tại Trường Y Harvard và bệnh viện đa khoa Massachusetts - là một ví dụ về việc các nhà khoa học có thể gặp rắc rối từ lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump.
“Tôi là người mang 2 quốc tịch Đức và Iran. Tôi hiện có thị thực không di cư. Nó sẽ hết hạn vào tháng 6/2017. Nếu như luật hạn chế người nhập cư không thay đổi, tôi sẽ quay lại châu Âu hoặc bất kỳ đâu tôn trọng tôi để giúp đỡ họ phát triển nền khoa học. Đó sẽ là đất nước là tôi thực sự có tự do, chứ không phải sống trong tù như tại Mỹ”.
Bên cạnh những nhà khoa học kém may mắn luôn có những nhà khoa học như Tobias Warnecke - hiện công tác tại Đại học Hoàng gia London, Anh. Ông này đề nghị cung cấp “phòng thí nghiệm và không gian làm việc, chỗ ở ổn định, càphê miễn phí cũng như cơn thịnh nộ” với các nhà khoa học chịu ảnh hưởng.
Hay Wolfgang Hammerschmidt thuộc Trung tâm Helmholtz, Munich - người đề nghị cung cấp “chỗ làm việc ổn định, với chuyên ngành về sinh học tế bào và virus học cũng như chỗ ăn ở ở nhà khách”.
Thậm chí, nhiều nhà khoa học còn đề nghị cung cấp chỗ ở cho những người không thể rời Mỹ và cần chỗ làm việc.
“Tôi không thể cung cấp tài chính cho họ, nhưng tôi có thể cho họ một môi trường thân thiện, cởi mở” - John Quackenbush thuộc Viện nghiên cứu ung thư Dana-Farber ở Boston, Mỹ nói.
Nhiều công ty, tổ chức khoa học, thậm chí là cả các thượng nghị sĩ cũng tham gia vào cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho những nhà khoa học có gốc gác từ những nước bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump.
“Lệnh hạn chế nhập cư ngày 27/1 sẽ khiến rất nhiều sinh viên, du học sinh và các nhà khoa học xuất sắc nhất nản lòng về việc học và làm việc ở Mỹ cũng như tham gia vào các hội thảo khoa học. Việc thực thi đạo luật sẽ gây khó khan cho Mỹ trong việc thu hút các tài năng khoa học quốc tế cũng như việc duy trì vị thế dẫn đầu về khoa học và kinh tế của mình” - Rush Holt - cựu dân biểu, nay là CEO của Hiệp Hội phát triển Khoa học Mỹ - cho hay.
Trên mạng, ngoài hashtag #ScienceShelters liên quan tới việc cung cấp chỗ ở và làm việc cho các nhà khoa học, các nhà khoa học đang tiến hành chiến dịch #ActuallivingScientist để mọi người hiểu thêm về cuộc sống của các nhà khoa học.
Một bản yêu cầu chấm dứt lệnh cấm đã được 27.000 tham gia ký tên, trong đó có 51 nhà khoa học được giải Nobel.
“Lệnh cấm đã tác động một cách bất công tới nhóm người di cư và không di cư dựa trên quốc tịch gốc của họ, và là những quốc gia có số đông dân số là người Hồi giáo. Đây là một bước đi lớn trong việc thực thi sự phân biệt chủng tộc và tôn giáo - vấn đề được nhắc đến trong chiến dịch tranh cử. Lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của nước Mỹ, gây nguy hại cho vị thế dẫn đầu thế giới của Mỹ trong giáo dục và nghiên cứu chuyên sâu” - bản yêu cầu có viết.
Một cuộc diễu hành có tên Diễu hành vì khoa học đang được tổ chức trên mạng với sự khởi xướng của cây bút chuyên về khoa học Carolyn Weinberg và nghiên cứu sinh sau tiến sỹ tại Trung tâm chăm sóc Sức khỏe tại San Antonio thuộc đại học Texas Jonathan Berman. Tuy vậy, không phải nhà khoa học nào cũng hưởng ứng hoạt động này do lo ngại nó bị biến tướng sang màu sắc chính trị.