Ông Hoàng Đức Thảo - tác giả cụm công trình vừa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN - tâm sự: "Nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi thấy mình như được trao sứ mệnh mới để bắt đầu một hành trình mới, nghiên cứu ứng dụng ở lĩnh vực mới, tạo ra sản phẩm mới".


Với cụm công trình "Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu", ông Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) - được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 5. Ông chia sẻ: "Kiến tạo bờ, chống xói lở để phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực lớn và là vấn đề đang bức xúc. Các nghiên cứu của tôi mới chỉ bắt đầu nên rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các nhà khoa học, các tổ chức Đảng và Nhà nước để phát triển công nghệ này".

Ông Hoàng Đức Thảo (bên trái) vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Ông Hoàng Đức Thảo (bên trái) được Chủ tịch Nước Trần Đại Quang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Khoa học và Phát triển cũng ghi lại cảm xúc, ý kiến, chia sẻ của nhiều nhà khoa học đoạt giải khác bên lề lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được tổ chức tại Hà Nội tối 15/1:

GS-TS Nguyễn Anh Trí – cụm công trình Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị:

GS - TS Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Loan Lê

"Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là phần thưởng cao quý có tác dụng thôi thúc, động viên không chỉ những người nhận giải thưởng này mà với tất cả những người làm công tác khoa học trên toàn quốc, trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh công trình đoạt giải thưởng lần này, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương còn nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là tế bào gốc. Viện đã triển khai đồng bộ tất cả các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh về máu. Chúng tôi đã xây dựng được ngân hàng tế bào gốc với các chỉ số về chất lượng rất cao, áp dụng những công nghệ hiện đại nhất, những phác đồ tiên tiến nhất sử dụng tế bào gốc để điều trị các bệnh ác tính liên quan đến máu".


GS-TS Nguyễn Gia Bình – cụm công trình Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó với một số dịch bệnh nguy hiểm:

GS-TS Nguyễn Gia Bình. Ảnh: Loan Lê

"Hồi sức cấp cứu là lĩnh vực đối phó với các tình huống nguy hiểm, các bệnh dịch nặng nề để cứu sống được người bệnh. Trong 10 năm trở lại đây, thế giới đã phát triển nhiều kỹ thuật hiện đại nhưng với điều kiện Việt Nam, chúng tôi đã lựa chọn những công nghệ hiệu quả, thiết thực nhất đưa vào ứng dụng. Ngoài nguyên lý của thế giới, chúng tôi đã có nhiều sáng tạo để cứu sống bệnh nhân với tỷ lệ tương đương nước ngoài với giá thành chỉ bằng 1/5 - 1/10. Từ năm 2005 đến nay, chúng tôi ước tính có khoảng 10.000 bệnh nhân nặng đã được áp dụng các kỹ thuật này, tùy từng loại bệnh khác nhau mà có tỷ lệ cứu sống khác nhau (tăng từ 20%-50% so với trước đây). Đây là cuộc cách mạng trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu.

Cá nhân tôi và các cộng sư luôn trăn trở làm thế nào ứng dụng các công nghệ hiện đại vào hoàn cảnh Việt Nam để cứu sống nhiều người bệnh hơn nữa, nhất là trong tình trạng Việt Nam còn nhiều khó khăn".

KS Phan Tử Giang - công trình Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam:

KS Phan Tử Giang (bên trái) nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh do
Chủ tịch Nước Trần Đại Quang trao. Ảnh: Loan Lê


"Chúng tôi rất tự hào khi công trình được Nhà nước đánh giá cao và trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. Đây là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và được ghi nhận là một bước ngoặt của nền khoa học công nghệ nước nhà. Điều này sẽ tạo tiền đề tốt cho sự phối hợp giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà sản xuất. Với đà đi lên này cùng với chính sách mở hơn, tôi tin rằng chúng ta sẽ có một tương lai rất sáng về KH&CN".

GS-TSKH Thân Đức Hiền – công trình Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp:

GS-TSKH Thân Đức Hiền. Ảnh: Loan Lê

"Việc công trình này được xét duyệt trao giải thưởng đã khẳng định ý nghĩa to lớn của nó, đồng thời cho thấy các nghiên cứu có ý nghĩa đối với nền khoa học Việt Nam từ những công bố quốc tế và đưa vào ứng dụng. Tập thể 14 tác giả của công trình có 3 người nước ngoài. Họ cảm thấy rất vui mừng khi nghiên cứu của mình được Chính phủ Việt Nam công nhận. Với các cán bộ, giải thưởng là nguồn động viên lớn để chúng tôi tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, cống hiến cho nền khoa học nước nhà".