Các dòng hải lưu thủy triều này cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu và oxy cho gần một nửa các vùng biển sâu trên thế giới, song các tảng băng tan chảy đang làm chậm lại vận tốc của chúng.
Các dòng hải lưu sâu chảy vòng quanh Nam cực đóng vai trò thiết yếu cho sự sống của biển, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy chúng đã chảy chậm lại 30% so với những năm 1990 và có khả năng ngừng chảy trong tương lai không xa.
Những dòng hải lưu này, được gọi là nước đáy Nam cực, hình thành khi khối nước lạnh, đặc từ thềm lục địa Nam cực chìm xuống độ sâu dưới 3.000 mét. Khối nước lạnh sau đó lan ra phía Bắc vào Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương, cung cấp ô xy và dinh dưỡng cho một mạng lưới các dòng hải lưu được gọi là hệ thống tuần hoàn kinh tuyến đảo chiều toàn cầu. Các dòng hải lưu Nam cực có vai trò như một trong những lá phổi của đại dương khi cung cấp dinh dưỡng và oxy mới cho 40% vùng biển sâu của thế giới.
Tuy nhiên, nhiệt độ ấm lên trên toàn cầu đang giải phóng một lượng nước ngọt lớn, loãng hơn từ các thềm băng của Nam cực và làm chậm dòng tuần hoàn này. Nghiên cứu trước đây đã từng dự đoán rằng tới năm 2050, các dòng hải lưu Nam cực sẽ chảy chậm đi 40% và có thể ngừng chảy trong tương lai.
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh và Úc đã xác nhận dự đoán trên khi quan sát thực tế vùng lưu vực Nam cực của Úc, bao gồm các vùng biển vùng cực giữa châu Úc và Nam cực.
Họ đã tìm hiểu các thay đổi về lượng nước đáy chảy vào lưu vực đó từ năm 1994 đến 2017, và ghi nhận vận tốc của các dòng hải lưu Nam cực đã giảm 30%.
Sự ngưng trệ của dòng hải lưu Nam cực có thể làm chậm lại hệ thống các dòng hải lưu sâu toàn cầu, khiến dinh dưỡng và oxy bị mắc kẹt dưới đáy đại dương, gây ra tác động dây chuyền đến sự sống của sinh vật và sự phong phú của biển. Đó là vì các sinh vật biển sống trên bề mặt khi chết sẽ chìm xuống đáy đại dương và làm giàu chất dinh dưỡng cho vùng nước đáy. Nếu làm chậm quá trình tuần hoàn đảo ngược mang nước vùng đáy đó lên lại bề mặt, thì chúng ta đã cắt mất một con đường đưa chất dinh dưỡng quay lại tái tạo sự sống của biển.
Theo nghiên cứu, mỗi năm có khoảng 250 nghìn tỷ tấn nước mặn, lạnh và giàu oxy chìm xuống quanh Nam cực. Với khí hậu ấm lên, nước ngọt từ băng tan làm giảm tỷ trọng của khối nước này, khiến phần lớn lượng nước vốn dĩ phải chìm xuống sẽ ở lại các lớp phía trên của đại dương.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng nước ngọt sẽ tiếp tục chảy nhiều hơn vào các vùng biển Nam cực trong những thập niên tới đây, có nghĩa là các dòng hải lưu quan trọng này sẽ càng nhanh chóng yếu đi. Những thay đổi to lớn như vậy đối với sự luân chuyển nhiệt, nước ngọt, oxy, cacbon và dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các đại dương trong hàng thế kỷ tới.
Anh Thơ