Danny và Rebecca - hai du khách Anh lần đầu đến Việt Nam - ngồi nhâm nhi cốc bia với vài cây nem chua đặt trên chiếc bàn nhựa hướng ra “ngã tư quốc tế” trên phố Tạ Hiện, giữa không khí dịu mát của thu Hà Nội.

“Chính nó đã đưa chúng tôi đến đây vì chúng tôi muốn trải nghiệm một thứ gì đó kiểu Hà Nội” - Danny chỉ vào chiếc điện thoại nói, trong khi chủ cửa hàng liên tục ra vào để phục vụ nhiều khách nước ngoài khác cũng đang thưởng thức bia hơi vỉa hè.

Những vị khách lẻ tự săn vé trực tuyến, lên lịch trình trải nghiệm điểm đến theo cách riêng của mình nhờ điện thoại như Danny và Rebecca đã trở nên quá phổ biến. Việc họ đến Hà Nội bằng cách nào không quan trọng đối với những người bán hàng trên phố Tạ Hiện, bởi công nghệ thông tin (CNTT) qua chiếc điện thoại đã giúp việc uống bia hơi trở thành trải nghiệm mang tính “must have” (phải có) khi đến Hà Nội và các quán này lại có thêm khách mới từ khắp thế giới.

Hai du khách người Anh đang thưởng thức
Hai du khách người Anh đang thưởng thức "bia hơi vỉa hè" trên phố Tạ Hiện, Hà Nội.
Ảnh: Loan Lê

Kinh doanh du lịch công nghệ thắng thế

Tương tự việc taxi truyền thống đang dần bị các ứng dụng gọi xe như Uber, Grab gạt khỏi cuộc chơi họ từng thống trị, hoạt động của các công ty lữ hành cũng thay đổi mạnh mẽ nhờ công nghệ.

Hoàng Thu Giang - điều phối khách đoàn cho một công ty lữ hành trên phố cổ Hà Nội - cho biết: “Công ty em hiện gần như không có khách lẻ nữa mà chủ yếu là khách đoàn gồm các cụ hưu trí từ châu Âu sang, vì khách lẻ giờ toàn tự đến Việt Nam qua các dịch vụ trực tuyến ở nước ngoài”.

Khách lẻ mà Giang nhắc đến chính là những người như Danny và Rebecca. Họ đã sử dụng đại lý du lịch trực tuyến (OTA) và các ứng dụng công nghệ để tự lập kế hoạch chuyến đi. Trên thế giới, số du khách loại này đang tăng không ngừng.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Nielsen, doanh số du lịch trực tuyến thế giới năm 2016 tăng 13,8%, đạt giá trị khoảng 565 tỷ USD. Châu Á - Thái Bình Dương đóng vai trò chủ đạo và kể từ năm 2017 sẽ thay Bắc Mỹ chiếm ngôi đầu. Tại Việt Nam, theo Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, hiện có 88% số du khách tra cứu qua mạng, 35% thường xuyên dùng Internet để tìm thông tin cho chuyến đi của mình.

Hai nữ du khách New Zealand tự mình rong ruổi trên các miền đất ở Việt Nam trong suốt hai tuần và khám phá khu phố cổ Hà Nội nhờ thông tin chỉ dẫn trên điện thoại. Ảnh: Loan Lê
Hai nữ du khách New Zealand tự mình rong ruổi trên các miền đất ở Việt Nam trong suốt hai tuần và khám phá khu phố cổ Hà Nội nhờ thông tin chỉ dẫn trên điện thoại. Ảnh: Loan Lê

Đại diện Google nhận định, tác động của cách mạng 4.0 với sự gia tăng khách lẻ sử dụng dịch vụ của các OTA đang làm thay đổi thị trường du lịch Việt Nam; và quy mô du lịch trực tuyến tại Đông Nam Á sẽ tăng từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng cho rằng cách mạng 4.0 là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và làm thay đổi thị trường du lịch toàn cầu. Các doanh nghiệp du lịch có nguy cơ đối mặt với thách thức như các hãng taxi truyền thống, nếu không sẵn sàng cho cuộc “chuyển đổi số” và tăng cường ứng dụng CNTT để hướng tới một nền du lịch thông minh (DLTM).

Bệ phóng chính sách

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, Việt Nam đón 10 triệu du khách quốc tế (tăng 26% so với năm 2015), phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa (tăng 8,8% ). Tuy mức tăng trưởng chung thuộc hàng cao trên thế giới - theo UNWTO, nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ năm ASEAN về số khách quốc tế và chỉ bằng 1/3 Thái Lan.

Các cơ quan quản lý của Việt Nam đã sớm nhận ra tầm quan trọng của CNTT trong việc xây dựng nền DLTM, kết hợp tiềm năng của Việt Nam với ưu thế công nghệ để tạo động lực tăng trưởng mới, thu hẹp khoảng cách với khu vực.


Đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn, đặt mục tiêu tới năm 2020 thu hút từ 17-20 triệu lượt khách quốc tế (gấp đôi năm 2016), phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa và tạo 4 triệu việc làm mới. Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, du lịch là một ngành được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng CNTT để trở nên “thông minh” trong cả cách thức quản trị lẫn phục vụ.

Sau đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề xuất các giải pháp để đạt mức tăng trưởng 30% trong năm 2017, bao gồm đẩy mạnh quảng bá du lịch cùng nhiều giải pháp gắn liền với ứng dụng CNTT và truyền thông. Hàng loạt sự kiện về DLTM được tổ chức nhằm nâng cao sự sẵn sàng của các doanh nghiệp du lịch trong việc chuyển đổi số. Qua các kênh này, những giải pháp về công nghệ số, thanh toán điện tử, bảo hiểm trực tuyến, bảo mật thông tin cho DLTM đã được kết nối với doanh nghiệp.

Tại diễn đàn “Ngày du lịch trực tuyến” vừa qua tại TPHCM, ông Vũ Quốc Trí - Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch - cho biết: “Du lịch Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh cách mạng 4.0 với ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống. Vì vậy, hầu hết các ngành đang chủ động đưa ra giải pháp thích nghi. Ngành du lịch không phải ngoại lệ, lại có xu hướng tăng trưởng tốt và trong bối cảnh đó, ngành sẽ đón nhận cơ hội phát triển mạnh hơn”. Tổng cục Du lịch đã xác định việc ứng dụng CNTT là giải pháp đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Cách mạng 4.0 sẽ tạo thêm việc làm

Mục tiêu tạo thêm 4 triệu việc làm trong ngành du lịch trên thực tế không mâu thuẫn với cách mạng 4.0 với nguy cơ robot lấy đi việc làm của con người.

Theo các chuyên gia, lý do là ngành này có những yếu tố mang tính “non-tradeable” (không thể giao dịch mua bán giữa các quốc gia), ví dụ như trải nghiệm của du kháh. Danny và Recbecca từng đi khắp Đông Nam Á nhưng vẫn đến Việt Nam vì những trải nghiệm riêng kiểu “uống bia hơi trên vỉa hè Hà Nội” - vốn được chấm điểm cao trên nhiều ứng dụng về du lịch.

Hai cha con du khách người Canada đang tra cứu thông tin trên điện thoại di động khi đến thăm hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Loan Lê
Hai cha con du khách người Canada đang tra cứu thông tin trên điện thoại di động khi đến thăm hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Loan Lê

Chính đặc thù “non-tradeable” khiến ngành du lịch có ít nguy cơ chịu tác động tiêu cực của cách mạng 4.0 hơn một số ngành khác. Yếu tố này cũng khiến xu thế “the winner take it all” (kẻ chiến thắng sẽ lấy đi tất cả) trong kinh doanh - như trường hợp Uber hay Grab trong ngành vận chuyển - khó xảy ra với ngành du lịch. Thực tế, sẽ khó có một robot hay công nghệ nào tạo ra được trải nghiệm cho du khách nếu họ không tới điểm đến.

Theo ông Nguyễn Thế Trung - CEO Công ty cổ phần công nghệ DTT, để những trải nghiệm riêng của du khách trở thành giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ du lịch, cần có một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu DLTM tại Việt Nam.

“Trên cơ sở ứng dụng các công nghệ 4.0 như AI, Big Data hay IoT và sự kết hợp hai môi trường số - thực trong các hoạt động xoay quanh 4 trụ cột của du lịch, gồm du khách, điểm đến, nhà quản lý và nhà cung cấp dịch vụ, sản phẩm, một hệ sinh thái DLTM sẽ được hình thành”. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp phân tích dữ liệu về khách để các doanh nghiệp tạo lập chuỗi giá trị, cung cấp các loại hình du lịch theo đúng sở thích của từng khách hàng.

Công nghệ số cũng có thể tính toán xu hướng về nhu cầu đối với loại hình du lịch, địa điểm, hình thức mua sắm hay loại cơ sở lưu trú... Từ đó, các đơn vị cung ứng sẽ có sự chuẩn bị để cá thể hóa sản phẩm, dịch vụ dành cho từng đối tượng du khách.

Tuy nhiên, sẽ không một robot hay công nghệ nào đủ sức tự động tạo ra hệ thống thông tin du lịch chung nếu không có sự chủ động của chính các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, các đơn vị quản lý về du lịch. Những cơ chế, chính sách thúc đẩy chủ động chia sẻ và khai thác dữ liệu du lịch sẽ mở đường cho hệ thống này hình thành. Chỉ khi những điều này trở thành hiện thực, trải nghiệm mà Danny và Rebecca có được ở Hà Nội mới thực sự trở thành giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm trong ngành du lịch vì không robot nào có thể tạo ra không khí uống bia hơi trên vỉa hè Hà Nội như cả hai đã trải nghiệm.