Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, giới thiệu tầm quan trọng của khoa học dữ liệu trong xã hội hiện đại. Theo ông, hiện nay mọi vấn đề cuộc sống đều được số hóa và dữ liệu số đang vượt quá khả năng của con người. Những khối dữ liệu khổng lồ và phức tạp được gọi là “Big data”. Quốc gia nào sở hữu làm chủ được những dữ liệu đó là người chiến thắng.TS Nghĩa cho biết, trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua lần đầu tiên số học sinh chọn bài thi khối KHXH nhiều hơn khối KHTN, nhưng ít ai thống kê phân tích được học sinh nông thôn, học sinh thi để tốt nghiệp mới chọn thi khối KHXH. Các thí sinh xét tuyển đại học thì mới thi khối KHTN. Và cũng ít ai thống kê có bao nhiêu thí sinh chọn thi khối KHTN (lý, hóa, sinh) chỉ cần 1,25 để không bị điểm liệt. Những ví dụ đó để thấy khoa học dữ liệu quan trọng như thế nào trong việc làm cơ sở xây dựng các quyết sách về giáo dục cũng như các mảng khác.
Với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới (đặc biệt là Nhật Bản) về ứng dụng Khoa học dữ liệu (Data Science) trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4) GS.TS. Hồ Tú Bảo đã chia sẻ và thảo luận về nhận thức và định hướng nghiên cứu cho Việt Nam về lĩnh vực Khoa học dữ liệu nhằm phát huy thế mạnh này ở Việt Nam những năm tiếp theo.
GS.TS. Hồ Tú Bảo hiện đang công tác tại Viện nghiên cứu cao cấp về khoa học và công nghệ Nhật Bản (JAIST). Phó Chủ tịch Hội đồng Viện – Viện nghiên cứu cao cấp về Toán Việt Nam (VIASM); thành viên Hội đồng Viện JVN, Chủ nhiệm Chương trình cao học về ICT hướng Khoa học dữ liệu của Viện JVN; chuyên gia về lĩnh vực Khoa học dữ liệu, có nhiều bài báo nghiên cứu về lĩnh vực này và là thành viên tham gia tổ chức nhiều hội thảo quốc tế cùng lĩnh vực.
Theo GS. Bảo, khoa học dữ liệu là khoa học dựa trên nền tảng toán học. Người thắng cuộc là người làm chủ được các nguồn dữ liệu lớn, làm cho sản xuất và cuộc sống thông minh, hiệu quả hơn qua trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác.Tất cả các nước trên thế giới dù muốn hay không đều phải đối đầu với CMCN 4.0 nhưng không phải nước nào cũng chọn công nghiệp. Tùy vào từng nước sẽ chọn hướng đi riêng và phát triển thế mạnh của mình. Ví dụ Nhật Bản chọn phát triển xã hội thông minh, Hàn Quốc đầu tư dẫn dắt sự dịch chuyển quốc gia về giáo dục và nghiên cứu với khoa học dữ liệu. Khi CMCN 4.0 bùng nổ, mọi quốc gia đều phải dựa nhiều hơn vào KHCN, vào dữ liệu.
Việt Nam có thể chọn nông nghiệp và du lịch thông minh. Việt Nam nên nhận thức về thời chuyển đổi số và tìm cách vươn lên, không bỏ lỡ cơ hội dù nhiều thách thức. Ở ĐHQG-HCM, các Trường ĐH Bách Khoa, KHTN, CNTT, Quốc Tế nên đào tạo về khoa học dữ liệu, thống kê toán học; huấn luyện lớp sinh viên có kỹ năng lao động mới, có kiến thức và khát vọng thay đổi. Có thể thí điểm thi đầu vào cao học về khoa học dữ liệu dành cho sinh viên tốt nghiệp mọi ngành nghề.