Phương pháp nhân giống dừa sáp bằng nuôi cấy phôi do các nhà khoa học của trường ĐH Trà Vinh nghiên cứu đã tạo ra nguồn cây giống dừa sáp có tỉ lệ trái sáp cao, giảm bớt sự “bấp bênh” cho người trồng dừa sáp.

Giữa vùng sông nước ngập tràn các loại dừa ĐBSCL nổi lên cái tên Trà Vinh, nơi duy nhất có giống dừa sáp (hay còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem,...). Điều làm nên “thương hiệu” của nó chính phần cơm dừa bên trong: mềm dẻo như sáp, quánh đặc mịn màng như thạch và vị ngậy béo thơm mát hơn dừa thường. Cái tên dừa sáp bắt nguồn từ chính đặc trưng trên. Với hương vị thu hút, lại ít nơi trồng được nên dừa sáp Trà Vinh thường có giá bán khoảng 200 ngàn đồng, cao gấp hàng chục lần dừa thường.

ThS. Nguyễn Ngọc Trai đang kiểm tra cây giống dừa sáp được phát triển từ phương pháp nuôi cấy phôi. Nguồn: ĐH Trà Vinh
ThS. Nguyễn Ngọc Trai đang kiểm tra cây giống dừa sáp được phát triển từ phương pháp nuôi cấy phôi. Nguồn: ĐH Trà Vinh

Mặc dù là loài cây có giá trị kinh tế cao song lâu nay, người dân ở huyện Cầu Kè vẫn thường coi trồng dừa sáp là một nghề “hên xui” bởi, trung bình, một cây dừa sáp chỉ cho khoảng 25% quả có sáp, còn lại là quả giống dừa thường, nên người dân không thể an tâm mở rộng diện tích trồng dừa sáp nơi đây.

Nỗi niềm quanh gốc dừa sáp của những người trồng dù không “thấu trời xanh” nhưng cũng đủ để những nhà nghiên cứu trong trường Đại học Trà Vinh lưu tâm. Dưới góc nhìn của họ, điều quyết định cây dừa sáp ra được trái sáp là nằm ở quá trình nhân giống. Với những cây dừa thường, người ta có thể dùng quả để ươm giống, phôi dừa (còn gọi là mầm dừa, mộng dừa - phần lõi bên trong quả dừa) sẽ lấy chất dinh dưỡng ở trong khối nội nhũ (phần nước dừa và cơm dừa) để phát triển thành cây hoàn chỉnh. Còn với trái dừa sáp, khối nội nhũ đặc quánh, không như trái dừa thường nên phôi dừa không thể phát triển thành cây hoàn chỉnh trong điều kiện thông thường. “Sở dĩ giống dừa này có sáp là do di truyền đồng hợp tử về gene đột biến lặn. Trong điều kiện tự nhiên, do enzyme a-D-galactosidase phân hủy đường trong cơm dừa không hoạt động dẫn đến thiếu năng lượng và vật chất cần thiết để phôi dừa nảy mầm. Trong khi đó, phần lớn người dân hiện nay thường tự để giống bằng cách lấy trái dừa không có sáp ở trên cây dừa sáp mang đi ươm tạo thành cây con, dẫn đến tính chất sáp không ổn định”, ThS. Nguyễn Ngọc Trai, khoa Nông nghiệp - Thủy sản, trường ĐH Trà Vinh, chỉ ra nguyên nhân vì sao việc trồng dừa sáp lại mang tính “hên xui”.

Việc tìm ra quy trình nhân giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi hiệu quả hơn là bài toán mà ThS. Nguyễn Ngọc Trai luôn suy nghĩ kể từ khi đến công tác ở trường ĐH Trà Vinh năm 2011. “Về bản chất, quy trình nhân giống dừa sáp bằng nuôi cấy phôi cũng tương tự các loại cây trồng khác, gồm 4 giai đoạn chính: tạo chồi, tạo rễ, tạo cây hoàn chỉnh và thuần dưỡng cây ngoài nhà lưới. Tuy nhiên, để từ phôi tạo ra cây giống dừa sáp thành công khá phức tạp do bản thân mỗi phôi có sức sống không như nhau nên cây giống không đồng đều, tỉ lệ nảy mầm của phôi rất thấp. Có khi nảy mầm rồi vẫn chết, hoặc không ra rễ, đến khi đủ rễ, lá để đem ra ngoài nhà lưới thì lại bị sốc môi trường, tỉ lệ chết cao”, ThS. Nguyễn Ngọc Trai giải thích về cái khó của người thực hiện quy trình.

Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu với điểm xuất phát là một đề tài cấp trường “Nghiên cứu quy trình nhân giống dừa sáp bằng nuôi cấy phôi” (năm 2011), đến nay, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình nhân giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi đạt gồm 4 bước: (1) lấy phôi dừa sáp và cấy vào môi trường dinh dưỡng Y3 (dung dịch lỏng để nuôi cấy dừa, cau và cọ, có sẵn trên thị trường), nuôi dưỡng trong thời gian hơn một tháng; (2) tách màng bao chồi mầm, cấy chuyển vào môi trường tạo rễ; (3) đưa cây hoàn chỉnh ra nhà lưới, trồng trong bầu đất với cơ chất đã được hấp tiệt trùng gồm: trấu, mùn dừa, phân bò… trong thời gian hơn 1 tháng; (4) thay chậu mới với một lượng cơ chất phối hợp. “Tỉ lệ nhân giống thành công đạt 63%, tức là 100 phôi thì cho ra khoảng 63 cây. Cây giống đưa ra trồng khảo nghiệm cho trái sáp/buồng dừa đạt tỉ lệ trên 70%, có vườn trồng đạt tỉ lệ trên 90%”, ThS. Nguyễn Ngọc Trai cho biết. Nhóm nghiên cứu đã đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích cho quy trình này tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) năm 2019 và hiện nay đang trong quá trình công bố đơn.

Với hiệu quả nhân giống cao, quy trình nuôi cấy phôi dừa sáp do các nhà khoa học ở trường ĐH Trà Vinh phát triển đã được chuyển giao cho Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Trà Vinh qua dự án “Xây dựng mô hình trồng dừa sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi tại Trà Vinh”. Ngoài ra, một số người trồng dừa biết tin về giống dừa sáp nuôi cấy phôi tại trường ĐH Trà Vinh cũng đã tìm đến mua về trồng thử.

Mặc dù mang lại hiệu quả cao song chi phí đầu tư cây giống ban đầu đắt nên giống dừa sáp nuôi cấy phôi vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Do vậy, ThS. Nguyễn Ngọc Trai và các cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu để cải tiến quy trình nuôi cấy dừa sáp của mình theo hướng giảm giá thành. “Chúng tôi không chỉ dừng lại ở nuôi cấy phôi, 1 phôi tạo ra 1 cây mà còn hướng đến nghiên cứu nuôi cấy mô, từ 1 phôi có thể tạo ra nhiều cây, góp phần nâng cao chất lượng cây giống và hạ giá thành hiện nay”, anh nói.