Giải thưởng Alexandre Yersin cho những công trình nổi bật trong lĩnh vực y tế năm 2019-2020 được trao cho 3 nhà nghiên cứu ở Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng; Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội; và Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức, TP.HCM.

Đại diện Hội Y khoa Thuỵ Sĩ – Việt Nam (HELVIETMED) vừa thông báo kết quả Giải thưởng "Alexandre Yersin Prize for outstanding medical publications" (tạm dịch: Giải thưởng Alexandre Yersin cho những công trình xuất bản nổi bật trong lĩnh vực y tế) năm 2019 – 2020, cho 3 nhóm tác giả (theo thứ tự ABC):

Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu của việc sử dụng kháng sinh và nhập viện tại Việt Nam. Các tác giả thấy rằng cần tìm cách dự đoán tốt hơn về các ca bệnh không chắc là viêm phổi và hậu quả bất lợi của nó để có hướng dẫn nhập viện và cải thiện tình hình sử dụng kháng sinh một cách hợp lý.

Thông qua đánh giá dữ liệu của 3.817 trẻ em tuổi từ 2 – 59 tháng được các bác sĩ lâm sàng chẩn đoán 'viêm phổi' và nhập viện ở Đà Nẵng, với thời gian nằm viện trung bình tầm 7 ngày và chi phí trung bình 253 USD, các tác giả đã sử dụng phương pháp trung bình hóa mô hình kiểu Bayes để xác định những yếu tố dự báo cho các ca bệnh, từ đó xây dựng được 1 thuật toán sàng lọc viêm phổi.

Điều đáng chú ý là kết quả sàng lọc cho thấy, nếu dùng tiêu chuẩn của WHO thì gần 41,7% bệnh nhi không được xem là 'viêm phổi', và chỉ có 3,4% đáp ứng tiêu chuẩn 'viêm phổi nặng'. Kết quả này cho thấy đa số ca nhập viện có lẽ là không cần thiết, và do đó việc sử dụng kháng sinh cho nhiều ca nhập viện cũng không cần thiết. Tuy nhiên, bài báo khoa học cho biết cần phải có nghiên cứu sâu hơn trước khi có thể áp dụng lâm sàng với phương pháp sàng lọc này.
Nhiễm trùng huyết (Sepsis) là một hội chứng cấp tính, thường gây tử vong, cần chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách. Hiện nay, Cấy máu (Blood culture) đang được cho là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán mầm bệnh trong nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, việc lấy một lượng máu lớn - đặc biệt ở các bệnh nhi sơ sinh - là điều khó khăn và quy trình thực hiện xét nghiệm này thường kéo dài từ 48-72 giờ mới có kết quả sơ bộ. Điều này có thể làm trì hoãn quá trình điều trị. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ 14-30% bệnh nhân được xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết bằng phương pháp cấy máu,vì vậy việc chẩn đoán ở bệnh viện chủ yếu là dựa vào các triệu chứng lâm sàng.

Dựa trên 114 mẫu máu của bệnh nhân tại Bệnh viện 108, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật khác dựa trên phản ứng chuỗi polymerase (PCR) để phát hiện DNA của vi khuẩn trong mẫu máu của bệnh nhân, nhằm giúp xét nghiệm nhiễm khuẩn huyết với độ nhạy cao và thời gian thực hiện nhanh hơn. Họ đã tạo ra bộ chẩn đoán xét nghiệm nhanh Sepsis@Quick cho kết quả trong 4 giờ. Theo so sánh thực nghiệm, phương pháp này cho kết quả vượt trội hơn so với nuôi cấy máu,có thể xác định nhiều mầm bệnh và thậm chí nhiễm trùng đa bào, tốc độ nhanh hơn và đặc biệt - ít bị ảnh hưởng bởi việc điều trị bằng kháng sinh phổ rộng.

Tuy nhiên, bài báo khoa học cho biết vẫn còn 1 số loại nấm và mầm bệnh vi khuẩn mà Sepsis@Quick chưa phát hiện được, do vậy trong tương lai họ sẽ tiếp tục cải thiện phổ phát hiện mầm bệnh của hệ thống này.
Cổ tử cung ngắn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sinh non, sảy thai, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai đôi. Nghiên cứu này nhằm so sánh hiệu quả của 2 phương pháp: đặt vòng pessary nâng cổ tử cung và dùng thuốc chứa progesterone (400mg/ngày) đặt tại âm đạo đối với việc dự phòng sinh non ở phụ nữ mang thai đôi và có cổ tử cung dưới 38mm.

Dựa trên thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có kiểm soát trên 300 phụ nữ ở Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức (TP.HCM), họ thấy rằng cả 2 phương pháp đều tác dụng tương tự nhau với tỷ lệ sinh non dưới 34 tuần tuổi thai ở những phụ nữ mang thai đôi và chiều dài cổ tử cung dưới 38 mm. Tuy nhiên, ở những phụ nữ có chiều dài cổ tử cung ngắn hơn (từ 28 mm trở xuống) thì đặt vòng pessary làm giảm đáng kể tỷ lệ sinh non dưới 34 tuần tuổi hơn so với dùng thuốc chứa progesterone.

Giải thưởng do HELVIETMED đặt ra để vinh danh các nhà nghiên cứu y học có những công trình công bố trên các tập san hàng đầu thế giới. Các công trình được đánh giá qua 5 tiêu chí: (a) Chất lượng khoa học của nghiên cứu; (b) Tầm quan trọng của nghiên cứu; (c) Tính đổi mới sáng tạo; (d) Tầm ảnh hưởng của nghiên cứu trong khoa học; và (e) Uy tín của tập san đăng bài. Mỗi giải thưởng trị giá 30.000.000 đồng.

Hội đồng đánh giá bao gồm 7 người do HELVIETMED tiến cử, bao gồm cả người Việt Nam và nước ngoài, đến từ các đại học và tổ chức lớn ở Thụy Sĩ, Úc, Pháp.

Giải thưởng mang tên TS Alexandre Émile-John Yersin (1863 - 1943), người tiên phong trong nghiên cứu y học tại Việt Nam và đã phát hiện ra trực khuẩn dịch hạch và vi khuẩn Yersinia pestis, góp phần về kiến thức căn nguyên của bệnh dịch hạch và giúp loại bỏ căn bệnh dịch đã cướp đi hàng triệu người trong thế kỷ.

Trong lần xét chọn đầu tiên năm 2017-2018, Giải thưởng được trao cho BS. Vương Ngọc Lan và cộng sự (Trường Đại học Y dược TPHCM); BS. Hà Tấn Đức (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ); BS. Hồ Phạm Thục Lan và cộng sự ĐH Tôn Đức Thắng); và BS. Ngô Tất Trung và cộng sự (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội).

Khoa học và Phát triển xin cảm ơn GS.TS Nguyễn Văn Tuấn - ĐH New South Wales (Sydney, Australia), đồng thời là thành viên Hội đồng đánh giá giải thưởng - đã cung cấp thông tin cho bài viết.