Theo bài viết đăng trên US News ngày 27/3, ba nước/vùng lãnh thổ bao gồm Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan dù đều có vị trí rất gần với Trung Quốc - nơi khởi phát đại dịch COVID-19 - có một điểm chung là đang kiểm soát được sự lây nhiễm virus corona.
Các chuyên gia y tế công cộng coi thành tựu đó là kết quả củaphản ứng sớm: ngay từ đầu nhìn nhận virus corona mới như một mối đe dọa nguy hiểm, do đó tích cực xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, đồng thời theo dõi những nguồn có khả năng lây nhiễm mới.
Bác sỹ Amesh Adalja, học giả cấp cao ở Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, Baltimore đánh giá: “Việc tìm kiếm các ca bệnh và cách ly nhằm tránh sự lây nhiễm ra cộng đồng là một cách làm đúng đắn để kiểm soát sự bùng phát bệnh lây truyền. Khi phân tích những gì đã thực hiện ở các quốc gia châu Á, ta sẽ thấy điều cốt lõi đó.”
Khi ca mắc loại virus mà nay được gọi là SARS-COV-2 đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào khoảng đầu đến giữa tháng 12/2019, hầu như cả thế giới chỉ “theo dõi và chờ đợi”, trong khi Việt Nam thì không như vậy, bà Ravina Kullar, nhà dịch tễ học và nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm ở Expert Stewardship, Newport Beach, California, nhận định. “Họ [Việt Nam] thực sự chuẩn bị cho điều này từ ngày 31/12. Họ đã bắt đầu xét nghiệm từ ngày đó. Họ đã chủ động, và tôi nghĩ rằng đó chính là chìa khóa trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Sự thận trọng của họ thực sự đã đem lại lợi ích cho đất nước”.
Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu tổ chức các cuộc họp báo ít nhất 1 lần/ngày để cung cấp những thông tin trung thực và thẳng thắn về tình trạng của virus corona. Tính đến ngày 27/3, mới có 153 ca được xác định mắc COVID-19 ở Việt Nam, nơi có dân số hơn 96 triệu người.
Còn ở Hàn Quốc, đất nước này đã cho xây dựng một hệ thống giống như “bốt điện thoại” dành cho bệnh nhân để giúp người dân có thể xét nghiệm COVID-19 một cách an toàn và nhanh chóng.
“Một người sẽ đi vào một bên có vách ngăn bằng kính, sau đó họ cầm điện thoại và kết nối với nhân viên bệnh viện đang đứng ở phía bên kia của vách ngăn”, bà Kullar mô tả. Nhờ sử dụng đôi găng tay cao su gắn vào vách ngăn, nhân viên y tế có thể lấy mẫu xét nghiệm của người nghi nhiễm mà không lo nguy cơ bị tiếp xúc với virus.
Bà Kullar cũng cho biết thêm, “các bệnh viện có khả năng đưa ra kết quả cho bệnh nhân chỉ trong vòng 7 phút. Họ đã nhanh chóng lắp đặt loại bốt này ở hầu hết các bệnh viện để nhân viên y tế có thể lấy mẫu thử của bệnh nhân mà không phải tiếp xúc trực tiếp.”
Hàn Quốc với dân số cả nước là 51 triệu dân, hiện có khoảng hơn 9.200 ca nhiễm COVID-19 đã được xác nhận. Mặc dù số ca mắc ở Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục tăng, tuy nhiên sau khi có sự tăng vọt vào tháng 2, tốc độ tăng đã giảm dần vào tháng 3.
Đài Loan, vùng lãnh thổ cách Trung Quốc đại lục chỉ 81 dặm và có dòng người di chuyển thường xuyên giữa hai nơi, hội đủ các điều kiện để trở thành điểm nóng trong đại dịch COVID-19. Thế nhưng, theo thống kê ngày 27/3, hòn đảo này mới chỉ ghi nhận 252 ca trong tổng số 23 triệu dân cư.
Theo tờ Asia Times, cũng giống như Việt Nam, Đài Loan đã bắt đầu sàng lọc hành khách trong các chuyến bay từ Vũ Hán kể từ ngày 31/12. Vùng lãnh thổ này cũng đã mở rộng biện pháp sàng lọc trong vòng 1 tuần với tất cả những ai đã đến Vũ Hàn hoặc tỉnh Hồ Bắc - nơi thành phố này tọa lạc.
Đài Loan cũng thiết lập các biện pháp kiểm soát biên giới, cách ly và đóng cửa trường học, đồng thời xây dựng một trung tâm chỉ huy để đảm bảo sự liên lạc nhanh chóng giữa người dân và chính quyền địa phương.
Các chuyên gia nhận định, cả Hàn Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều xây dựng được cơ sở hạ tầng y tế công cộng đủ năng lực ứng phó ngay lập tức với những cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Ông Adalja và bà Kullar cho rằng, mặc dù Mỹ đã lỡ mất cơ hội dập dịch COVID-19 ngay từ đầu, đồng thời đang trên đà trở thành một trung tâm mới của đại dịch, nhưng vẫn có thể áp dụng những bài học được rút ra từ những quốc gia khác để kiểm soát sự lây nhiễm trong những tháng và năm sắp tới.
“Chúng ta cần triển khai xét nghiệm chẩn đoán tại chỗ để có thể xác định được những người mắc bệnh. Dù đã bỏ lỡ mất cơ hội đầu, nhưng chúng ta có khả năng thực hiện điều đó bây giờ khi chúng ta đang bước vào một giai đoạn ứng phó khác,” ông Adalja nói.
Một ví dụ khác ở châu Âu là Đức. Mặc dù quốc gia này có số ca nhiễm bệnh cao thứ 5 trên thế giới với 43.646 ca, số người tử vong chỉ là 239 (theo ghi nhận vào ngày 27/3). Bà Kullar đánh giá cao hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Đức, đặc biệt là Quân đoàn Y tá.
“Họ có 13 y tá trên mỗi 1.000 người dân, đây là tỉ lệ cao nhất so với tất cả những nước bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19”, bà Kullar nhận định. “Số lượng y tá cao hơn cho thấy các y tá là trụ cột của các bệnh viện, đặc biệt trong công tác chăm sóc điều trị tích cực ICU.”
Theo một bài báo trên Natuređăng ngày 17/3, các nhà dịch tễ học nhận xét rằng phản ứng của người khổng lồ Trung Quốc có một lỗ hổng: đó là bắt đầu quá muộn. Một mô hình mô phỏng của Lai Shengjie và Andrew Tatem ở Đại học Southampton (Anh) cho thấy nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát ở Vũ Hán sớm một tuần, thì đã có thể ngăn chặn 67% tất cả các trường hợp lây nhiễm ở đó. Nếu thực hiện các biện pháp 3 tuần trước đó, tức là ngay từ đầu tháng 1, sẽ giúp giảm số lượng người bị lây nhiễm xuống chỉ còn 5%. |