Có vẻ như “chiến thắng lịch sử này” là dấu hiệu cho thấy thực trạng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Trung Quốc đang thay đổi.
Công ty “hầu như không tồn tại” kiện Apple
Năm 2014, làng báo công nghệ thế giới được một phen ầm ỹ khi một công ty “dường như không tồn tại” có tên Shenzhen Baili Markerting Services Co. - thuộc tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh Digione, Trung Quốc - kiện Apple vì “hình thức của iPhone 6 và iPhone 6 Plus quá giống với chiếc điện thoại 100C” của họ, dễ dẫn tới hiểu lầm cho người mua.
Trao đổi với tờ IAM, luật sư Andy Yang của Digione cho biết khách hàng của ông đã gặp Apple với hy vọng có thể thương thảo về giấy phép vào tháng 9/2014, nhưng đã thất bại. Công ty Baili khởi kiện sau đó 3 tháng.
Theo điều tra của tờ Wall Street Journal (Mỹ) sau khi Baili thưa kiện, website của công ty biến mất, 3 trụ sở đăng ký hoạt động cũng không còn tồn tại, điện thoại đường dây nóng không ai nhấc máy. Tờ báo này cho rằng cả Baili và Digione đều bị phá sản bởi số nợ phải trả cao hơn rất nhiều so với số tài sản đang có.
Kiểu dáng iPhone 6 của Apple (ngoài cùng bên trái) và sản phẩm 100C của Baili.
Ảnh: Todayonline
Về phần Apple, luật sư Yang Pu chỉ ra 13 điểm khác biệt về kỹ thuật rất dễ nhận ra giữa 2 điện thoại iPhone 6 và 100C. Chẳng hạn, độ cong hai bên của iPhone hoàn toàn đối xứng - điều khác xa sản phẩm của Baili. “Chúng tôi không hề vi phạm bất cứ quyền SHTT nào của Baili” - Apple khẳng định.
Trong tuyên bố mới nhất được đưa ra hôm 25/3, tòa án chuyên về SHTT ở Bắc Kinh cho rằng iPhone 6 và iPhone 6 Plus không hề xâm phạm kiểu dáng công nghiệp của điện thoại mà Shanzhen Baili Marketing Services Co. sở hữu.
Phải nhanh chân đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc
Đây không phải là lần đầu tiên Apple dính vào các vụ kiện với nhãn hàng Trung Quốc. Năm 2012, hãng đã phải ký kết một thỏa thuận trả 60 triệu USD cho Proview - một công ty Trung Quốc - để được quyền sử dụng thương hiệu iPad tại quốc gia này. Mùa xuân năm 2016, một tòa án Trung Quốc cho phép nhà sản xuất đồ da bản địa có tên XintongTiandi tiếp tục sử dụng nhãn hiệu IPHONE và iphone tại Trung Quốc bởi họ đã đăng ký năm 2007, trong khi điện thoại Apple chỉ được bán ở Trung Quốc từ năm 2009.
Điểm chung ở các vụ kiện này là Apple đều bị các công ty không tên tuổi của Trung Quốc kiện thay vì những đối thủ xứng tầm như Samsung, Motorola, HTC... và kết quả là Apple thường chọn giải pháp nhượng bộ; nếu kéo nhau ra tòa thì “Quả táo” cũng là bên thua thiệt. Vì sao lại có nghịch lý này? Theo một cựu nhân viên của Baili, một phần do đây là chiêu thu hút sự chú ý tới nhãn hiệu chưa hề nổi tiếng của công ty điện thoại Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal lý giải rõ hơn kế sách mà các doanh nghiệp Trung Quốc hay áp dụng để đánh bại các công ty nước ngoài tại cơ quan bảo hộ SHTT: Họ nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Trung Quốc ngay khi những hình ảnh đầu tiên về sản phẩm rò rỉ trên mạng. Baili đăng ký sáng chế cho điện thoại 100C ngay khi hình ảnh đầu tiên của iPhone 6 rò rỉ. Những sự vụ tương tự đã xảy ra với Tesla, New Balance và Apple vào năm ngoái.
Nhà phân tích Tim Long - Công ty BMO Capital Markets, Mỹ - cho biết: “Trong các vụ kiện về SHTT tại Trung Quốc, các công ty Mỹ thường bị xử thua ở tòa án cấp thấp và thắng ở tòa cấp cao hơn. Chúng tôi đã chứng kiến hàng tá quyết định cấm smartphone trong nhiều năm qua, nhưng chưa quyết định nào trở thành lệnh cấm thực sự”.
Việc tòa án SHTT Bắc Kinh phán xử có lợi cho Apple - một thương hiệu nước ngoài nổi tiếng - được nhiều công ty đang kinh doanh ở Trung Quốc xem là dấu hiệu tích cực về bảo vệ quyền SHTT tại nước này.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây là kết quả chuyến thăm Trung Quốc và gặp mặt Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin nước này vào tháng 5/2016 của Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook. Sau chuyến thăm, Apple quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào Công ty gọi xe Didi Chuxing - công ty sáng tạo ra phần mềm gọi xe lớn nhất Trung Quốc. Ông Cook nói rằng Apple đầu tư vào đây vì “những lý do chiến lược”, bao gồm cả nỗ lực giành sự ưu ái của chính quyền Bắc Kinh khi công việc kinh doanh của họ ở Trung Quốc không khả quan (lợi nhuận liên tục giảm 11% ở đại lục).
Sau vụ thắng kiện của Apple, nhiều chuyên gia khuyên các công ty nước ngoài đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Trung Quốc càng sớm càng tốt trước khi hình ảnh sản phẩm bị phát tán rộng rãi.