Nhờ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhiều sáng chế “nhỏ nhưng có võ” không chỉ đem lại cho tác giả món tiền kếch xù mà còn góp phần tạo ra bước ngoặt cho các ngành sản xuất và giúp cuộc sống, công việc của hàng triệu người trên thế giới trở nên dễ dàng hơn.

Khóa kéo (phécmơtuya)


Khóa kéo được ông Whitcomb L. Judson - một người Mỹ sống ở Chicago - sáng chế vào năm 1890 và được cấp bằng sáng chế vào tháng 5/1893 với số đăng ký sáng chế là 504038. Khóa kéo khi mới ra đời được mô tả là “phiên bản móc khóa” phức tạp với một bên là móc, một bên là chốt, chạy dọc theo một “đường dẫn”, giúp mở và đóng mảnh vải.

Khóa kéo được ứng dụng đầu tiên trong giày dép. Bản đăng ký sáng chế còn gợi ý ứng dụng trong một số lĩnh vực khác như áo lót, găng tay, túi đựng thư... Sau hơn một thế kỷ, khóa kéo vẫn là chi tiết phụ tùng không thể thay thế trong ngành thời trang và sản xuất hàng tiêu dùng.

Bàn đạp côn Selden


Đây có thể coi là một phát minh làm thay đổi cả ngành công nghiệp ôtô. Bàn đạp côn Selden cho phép tài xế khởi động cũng như dừng động cơ mà không phải chạy ra ngoài và quay nổ máy. Lấy ý tưởng từ động cơ đốt trong do George Brayton nghĩ ra, Selden đã tìm cách tạo một phiên bản nhỏ gọn hơn và thành công vào năm 1828. Ông nộp đơn năm 1879 và được cấp bằng sáng chế vào năm 1895.

Sau khi bán quyền sử dụng bằng sáng chế này cho William C. Whitney - chủ công ty xe điện - Selden kiếm được mỗi năm khoảng 5.000USD. Sau đó, cả Whitney và Selden cùng tham gia vào việc thu lợi nhuận từ bán quyền sử dụng sáng chế cho các công ty sản xuất xe ôtô, với khoảng 0,75% lợi nhuận từ tất cả các xe do Hiệp hội Sản xuất ôtô theo giấy phép bán ra.

Ghế tựa đầu trên xe ôtô


Đây là phần được gắn trên đỉnh lưng ghế ôtô, phía sau người ngồi. Hầu hết các ghế tựa đầu đều được thiết kế sao cho có thể điều chỉnh được, tạo cảm giác dễ chịu cho người dùng, có khả năng tháo lắp và sử dụng cùng một loại vật liệu của ghế. Đây là sáng chế của Benjamin Katz - một người sống ở Oakland, California, Mỹ năm 1921. Ông được cấp bằng độc quyền sáng chế số 1471168 vào 2 năm sau đó.

Kẹp lông mi


Sự ra đời của chiếc kẹp lông mi - dụng cụ làm cong hàng mi trên trước khi chải mascara - đã tạo ra một cuộc cách mạng về trang điểm, giúp mọi phụ nữ đều có thể sở hữu hàng mi cong vút quyến rũ chỉ sau vài giây. Tác giả của nó là Charles Stickel và William McDonell tới từ Rochester, New York, Mỹ. Họ được cấp bằng sáng chế số là 83872 vào ngày 7/4/1931.

Kẹp giấy


Dụng cụ đơn giản dùng để đính các tờ giấy lại với nhau và có thể dễ dàng tháo rời này được Louis E. Baltzley - công dân Washington D.C, Mỹ - sáng chế vào năm 1910. Baltzley được cấp bằng độc quyền sáng chế 5 năm sau đó với số bằng là 1139627.

Từ mục đích giúp cha mình - nhà văn Edwin Baltzley - nhằm quản lý bản thảo một cách thuận tiện, Louis E. Baltzley đã làm cho công việc của hàng triệu nhân viên văn phòng trên khắp thế giới trở nên dễ dàng hơn. Sản phẩm được giới thiệu tới công chúng lần đầu tiên qua Công ty L.E.B. Về sau, quyền sản xuất đã được chuyển nhượng cho nhiều công ty khác.

Bỉm


Chiếc tã giấy chống thấm được sáng chế vào năm 1946 khi Marion Donavan sử dụng rèm nhà tắm để tạo ra “Boater” - chiếc bỉm chống rò rỉ và có thể tái sử dụng đầu tiên trên thế giới. Sản phẩm bỉm được bán ra từ năm 1949 tại một cửa hàng ở New York và sau đó 2 năm, Marion Donavan nhận được bằng độc quyền sáng chế. Sau này, tác giả đã bán sáng chế của mình lấy 1 triệu USD.