Một nghiên cứu đa quốc gia dẫn đầu bởi Đại học Vrije Amsterdam (Hà Lan) đã xác định được 52 gen tác động đến trí thông minh của con người, trong đó có 40 gen mới được biết đến. Để đi đến kết quả này, họ đã nghiên cứu dữ liệu di truyền của 78.000 người trên khắp thế giới.
Nhiều gen trong số 52 gen này quyết định cả một số đặc tính thể chất khác của người đó: cao, gầy, ghét thuốc lá… Đồng thời, các gen này cũng giúp chủ nhân ít có nguy cơ mắc sa sút trí tuệ, trầm cảm, tâm thần phân liệt, béo phì.
50% trí thông minh được quyết định bởi gen, 50% còn lại do các yếu tố môi trường như dinh dưỡng và giáo dục.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác mới được công bố trên tạp chí Molecular Psychiatry của Đại học Edinburgh (Scotland - Anh) thì phát hiện ra rằng những "gen thông minh" sẽ đóng góp 50% vào trí thông minh của mỗi người.
Để thực hiện, họ đã sử dụng dữ liệu di truyền trong DNA của 20.000 người, xác định các biến thể di truyền hiếm gặp và phổ biến liên quan đến IQ. Công trình đã cho thấy yếu tố di truyền thực sự có giá trị lớn đối với trí thông minh của một người. Các công trình trước đó cho rằng di truyền chỉ quyết định 30%.
Tiến sĩ David Hill, thành viên nhóm nghiên cứu của Đại học Edinburgh, cho biết nếu như một nửa trí thông minh được quyết định bởi gen thì một nửa còn lại phụ thuộc vào các yếu tố môi trường. Đó là dinh dưỡng và sự giáo dục họ nhận được.
Theo các nhà khoa học, xác định được ảnh hưởng lớn của di truyền lên trí thông minh không đồng nghĩa với việc yêu cầu một đứa trẻ thôi cố gắng, bởi một nửa IQ vẫn phụ thuộc môi trường, trong đó có các nỗ lực học tập. Tuy nhiên, nó có giá trị giúp người học định vị bản thân, đặt ra các mục tiêu và hướng học tập phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng.