Trong y học, stent là một chiếc ống hoặc giá đỡ bằng kim loại hay plastic được đưa vào trong lòng mạch máu hay ống dẫn, giúp cho việc lưu thông bên trong được trôi chảy.

Stent xuất phát từ tên của nha sĩ, Charles Thomas Stent, sinh năm 1807 tại Brighton, Anh, hành nghề tại London, nổi tiếng trong những cải tiến điều trị nha khoa.

Có nhiều loại stent được sử dụng vào những mục đích khác nhau, nhưng stent dùng phổ biến nhất trong tim mạch với một chuyên ngành phát triển như vũ bão là tim mạch can thiệp (TMCT). Lịch sử ngành bắt đầu vào năm 1711, khi Stephen Hales đưa ống thông (catheter) vào tĩnh mạch trái và phải của một con ngựa sống.

Tuy nhiên, TMCT chỉ phát triển nhờ sự có mặt của phương pháp chụp X-quang mạch máu (angiography), thực hiện bởi bác sĩ người Bồ Đào Nha Egas Moniz vào năm 1927, để chụp mạch máu não, nhờ sự giúp đỡ của một chất cản quang đưa vào cơ thể qua ống thông. Năm 1929, Werner Forssmann ứng dụng nó để chụp tim.

Một ca can thiệp mạch vành tại Viện Tim TPHCM.

Năm 1958, BS Charles Dotter, chuyên gia X-quang can thiệp, áp dụng kỹ thuật chụp X-quang mạch máu để khảo sát hoạt động mạch vành tim. Cùng năm đó, sau một sự cố nghiêm trọng khi áp dụng phương pháp này trên bệnh nhân, Mason Sones, chuyên gia tim mạch nhi của bệnh viện Cleveland, đã cải tiến thành chụp mạch vành có chọn lọc. Năm 1964, hai chuyên gia X-quang can thiệp Charles Dotter và Melvin Judkins lần đầu dùng ống thông co giãn bằng Teflon để điều trị một bệnh nhân tắc mạch máu nông chân trái.

Tuy nhiên, kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da (PCI) như ngày nay chỉ xuất hiện khi BS Andreas Gruentzig áp dụng lần đầu thành công trên người tại bệnh viện đại học Zurich (Thuỵ Sĩ) vào ngày 16.9.1977. Kết quả này được báo cáo tại hội nghị của hội Tim Hoa Kỳ hai tháng sau đó, khiến các chuyên gia tim mạch thế giới sửng sốt.

Theo ghi chép, trong ba năm tiếp theo, bác sĩ Gruentzig đã can thiệp cho 169 bệnh nhân và dạy thực hành PCI cho các bác sĩ mà từ đó họ có một cái tên mới, chuyên gia TMCT. Trong mười năm sau, gần 90% bệnh nhân được can thiệp vẫn sống khoẻ. Đến giữa những năm 1980, hơn 300.000 ca PCI được thực hiện mỗi năm trên thế giới, bằng với số ca phẫu thuật bắc cầu, vốn được áp dụng trong bệnh mạch vành.


Khi kỹ thuật đã định hình, sự phát triển của TMCT phụ thuộc vào công nghệ sản xuất các thiết bị và dụng cụ trị liệu như stent, bóng. Thực tế PCI dẫn đến một tỷ lệ không nhỏ tắc mạch máu cấp và tái hẹp do sự co thắt thành mạch sau khi nong mạch vành, cũng như hiện tượng tăng sản lớp trong mạch máu và tái cấu trúc thành mạch.

Việc sử dụng stent kim loại trần (BMS) hoặc stent phủ thuốc (DES), đã giải quyết được phần nào sự cố, nhưng sự tái hẹp sau đặt stent vẫn khá thường gặp. Một số giải pháp đặt ra như nong lại bằng bóng thường, sử dụng bóng cắt mảng xơ vữa, khoan phá mảng xơ vữa hay dùng laser, tuy nhiên tất cả vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

TMCT vẫn còn nhiều thách thức, nhưng dù gì đi nữa, chỉ 40 năm sau khi bác sĩ Andreas Gruentzig thực hiện ca PCI lần đầu, nó đã phát triển không ngờ. Đâu chỉ giải quyết bệnh mạch vành, TMCT còn điều trị bệnh van tim (sửa và thay van), bệnh mạch máu ngoại biên, những bệnh mà trước đó phải giải quyết bằng phẫu thuật.

Vì thế, có ý kiến cho rằng thời lụi tàn của ngành phẫu thuật tim đang đến gần, và bác sĩ mổ tim cũng đứng trước nguy cơ… thất nghiệp.