Khoa học dù muốn tách ra khỏi tôn giáo như thời Hy Lạp, để tự do phát triển cũng không thể được. Số phận của nó gắn bó với số phận của Kitô giáo, và phải lớn lên trong đó. Các vị cha nhà thờ, những người có quyền lực nhất, ngay từ đầu chỉ muốn khoa học phụng sự đức tin, là người hầu gái của thần học.
Khoa học không được theo đuổi cho mục đích riêng của nó, nhưng là để giúp ích cho sự diễn giải Kinh Thánh. Thánh Bonaventure (1221 – 1274) viết cả một luận thuyết cho rằng tất cả các nghệ thuật (art), tất cả các ngành của tri thức, đều là những người hầu gái của thần học, nhằm củng cố đức tin và vinh danh Chúa.
Platon (trái), Aristote (phải), từ bức tranh tường trường học Athens của Raphael.
Hai thế kỷ trước ông, thánh Peter Damian cũng cho rằng việc nghiên cứu thế giới thấy được bên ngoài có hai mục đích: đem lại cho chúng ta sự thiền định về bản chất tâm linh không thấy được của nó, để chúng ta yêu và tô điểm thêm cho Chúa. Các môn học trong quadrivium giúp đạt được mục đích này. Tức là khoa học thế tục phải chịu quy chế của người hầu gái, chứ không phải ngược lại.
Aristote có lẽ là gương mặt quan trọng nhất trong lịch sử tư tưởng phương Tây cho đến cuối thế kỷ 16. Ông là tấm gương của nhà nghiên cứu tự nhiên một cách hệ thống, khoa học, chi li và trung thực chưa từng có. Bên cạnh nhiều tác phẩm về triết học, siêu hình học, logic học, đạo đức học, mỹ học, tâm lý học, chính trị học, ngôn ngữ học, hùng biện, âm nhạc… ông còn là nhà quan sát tự nhiên rất nghiêm túc và đam mê, từ vũ trụ cho đến các sinh vật, với các tác phẩm vật lý, sinh học, động vật học, làm thành hệ thống toàn diện của triết học phương Tây.
Aristote (382 – 322 tr. CN).
Các nhà nghiên cứu hệ thống sau là sự lặp lại của tấm gương ông, trong đó có những tên tuổi vĩ đại như Linnaeus, Alexander von Humboldt, Darwin. Aristote, là biểu tượng của tinh thần học thuật đích thực và toàn diện của phương Tây. Aristote là học trò của Platon ở Academy, và thầy của Alexander Đại đế. Người ta nói là sự “kết hợp của cái đầu mạnh nhất và con người mạnh nhất của thời đại”.
Sau một thời gian dài vắng mặt, năm 335 Aristote quay lại quê nhà Stagira và thành lập trường Lyceum, trường tương đương với Academy của Platon. Chính ở đây ông viết những tác phẩm hiện còn tồn tại. Alexander mất năm 323; và năm sau, trước sự bài bác Macedon, là quê hương của Alexander, ông phải trốn qua Chalcis trên một hòn đảo của Euboea, nơi ông mất cùng năm.
Dựa trên nhiều nguồn thông tin về các tác phẩm còn và mất của ông được nhắc tới, các nhà nghiên cứu đoán rằng, Aristote đã phải viết tất cả 200 tác phẩm. Nhưng các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào 30 tác phẩm được xác nhận là đích thực do ông viết. Phải nói rằng nhờ Aristote và những tác phẩm đồ sộ, đa dạng của ông mà khoa học và tinh thần của nó mới thâm nhập vào châu Âu Kitô giáo, thúc đẩy và biến đổi học thuật. Thật không thể tưởng tượng được thế nào về sự phát triển khoa học, nếu không có Aristote.