Báo cáo “Trends Shaping Education 2022” của OECD xem xét những diễn biến nổi bật nhất về kinh tế - xã hội của các nước thuộc tổ chức này cũng như trên toàn thế giới và đưa ra những hàm ý về việc giáo dục cần làm gì để tận dụng các thành tựu đã đạt được và can thiệp vào những vấn đề còn tồn đọng.

Giáo dục từ lâu luôn được coi là giải pháp bền vững hàng đầu để ứng phó với những thảm họa và gián đoạn đang và sẽ diễn ra trong tương lai. Để việc định hình sự phát triển của giáo dục sao cho phục vụ tối ưu các nhu cầu của xã hội, cứ hai - ba năm một lần, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố báo cáo “Trends Shaping Education”. Báo cáo mới nhất, công bố đầu năm nay, nêu ra năm xu hướng chính sẽ định hình giáo dục trong thời gian tới.

Nguồn: WIPO (2020), World Intellectual Property Indicators 2020, https://www.wipo.int/

1. Sự tăng trưởng

Trong 50 năm qua, GDP trên đầu người của các nước OECD tăng mạnh cùng với tỉ lệ cá nhân thuộc nhóm đói nghèo cùng cực (extreme poverty) giảm. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế dường như chỉ làm lợi cho một nhóm nhỏ, bởi bất bình đẳng trong thu nhập cũng đồng thời gia tăng. Tình trạng này khiến học sinh đến từ các gia đình thu nhập thấp ngày càng xa rời các cơ hội giáo dục. Ở mức độ quốc gia, sự gia tăng bất bình đẳng cản trở việc nâng cao kỹ năng cho nhóm người lao động, khiến năng lực kinh tế đất nước suy giảm. Giáo dục được kỳ vọng sẽ thu hẹp những khoảng cách đó thông qua thúc đẩy sự dịch chuyển xã hội và nâng cao năng lực cá nhân để tham gia vào nền kinh tế.

Một nguồn tăng trưởng đáng chú ý trong những thập kỷ qua đến từ các tài sản vô hình như dữ liệu và sở hữu trí tuệ. Số lượng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ đã tăng lên gấp đôi từ giai đoạn giữa những năm 1990 đến năm 2019. Trung Quốc - quốc gia dẫn đầu trong hoạt động này - đã có lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng hơn 3.000% trong khoảng thời gian từ 1990 - 2014. Khác với tài sản hữu hình, tài sản vô hình có thể được sử dụng liên tục và cùng một lúc tại nhiều nơi. Nhờ thế mạnh này, nó đã giúp những công ty công nghệ như Amazon tăng trưởng mạnh mẽ, bỏ xa các công ty truyền thống trong cuộc đua doanh thu. Mặt trái của sự tăng trưởng là làm tăng sự tập trung thị trường và khoảng cách năng suất giữa những công ty lớn và đối thủ cạnh tranh, thúc đẩy tình trạng độc quyền không mong muốn.

Với xu hướng tăng trưởng này, giáo dục cần chú trọng đào tạo những kỹ năng mềm và kỹ năng công nghệ để phục vụ cho một tương lai hứa hẹn còn phát triển hơn nữa của tài sản vô hình; chú trọng ứng dụng công nghệ vào giáo dục suốt đời. Trước sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ lớn, chính phủ cũng cần chú ý tới ảnh hưởng của chúng đến giáo dục và cân nhắc những hợp tác giữa doanh nghiệp và ngành giáo dục để phục vụ lợi ích cộng đồng.

Nhờ sự phát triển của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tiêu chuẩn sống được nâng cao, tuổi thọ của con người cũng ngày càng tăng. Ở các nước OECD, chi phí dành cho y tế và phúc lợi xã hội cho người già chiếm tới 8% và 13% GDP quốc gia. Với dân số ngày càng già hóa, mảng giáo dục suốt đời sẽ đóng vai trò chìa khóa trong việc hỗ trợ nhóm người lớn tuổi vẫn có thể tham gia lực lượng lao động, giúp nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Các tăng trưởng thần tốc của kinh tế chưa chắc đã là một dấu hiệu tích cực, điều cần quan tâm hơn là tăng trưởng “bền vững”. Đại dịch COVID-19 là một lời nhắc nhở cấp thiết hơn bao giờ hết về việc con người cần chú ý tới việc gìn giữ môi trường sống. Nhu cầu năng lượng tái tạo tăng cao khiến cho chi phí của những công nghệ này giảm, giúp mở rộng quy mô sử dụng. Tuy vậy, có vẻ như sự phát triển của năng lượng tái tạo vẫn chưa bắt kịp nhu cầu. Trước thách thức này, giáo dục các kỹ năng xanh (green skills) là giải pháp bền vững hàng đầu, khi mà những chính sách quốc gia thường yêu cầu người dân phải thay đổi các hành vi tiêu dùng. Bên cạnh đó, những lĩnh vực giáo dục liên quan đến kinh tế xanh cần được đầu tư hơn để đảm bảo nguồn nhân lực trình độ cao cho những đổi mới bền vững quan trọng.

Chủ đề cuối cùng được nhắc tới trong mục này là kinh tế vũ trụ. Kể từ khi vệ tinh đầu tiên của Liên bang Soviet được phóng lên vũ trụ, số quốc gia có vệ tinh được đăng ký nằm trên quỹ đạo đã tăng chóng mặt, trong đó, sự tham gia của các bên tư nhân đóng vai trò đáng kể. Các dữ liệu dự đoán rằng đến năm 2030, sẽ có hàng chục nghìn vật thể được con người gửi lên vũ trụ. Một mặt, sự tăng trưởng này giúp mở rộng các cơ hội khám phá vũ trụ, phục vụ nghiên cứu khí hậu và viễn thông; mặt khác, các mảnh vụn không gian gây ra nguy cơ phá hủy vệ tinh và tàu vũ trụ đang hoạt động, làm gián đoạn hoạt động dự báo thời tiết, nghiên cứu khí hậu và các nhiệm vụ quân sự. Giáo dục tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực, nuôi dưỡng những nhà cải cách tương lai trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Nguồn: OECD (2021), “Housing prices” (indicator), https://doi.org/10.1787/63008438-en

2. Đời sống và công việc

Sự phát triển của công nghệ và kỹ năng khiến cho năng suất làm việc tăng, thời gian làm việc giảm. Tuy vậy, có sự khác biệt ngày càng lớn về thời gian làm việc giữa các nhóm nước hoặc các nhóm cá nhân trong cùng một nước. Chẳng hạn, người lao động ở Colombia và Thổ Nhĩ Kỳ làm việc hơn 46 giờ mỗi tuần trong năm 2019, cao hơn nhiều so với 30 giờ mỗi tuần của người lao động ở Hà Lan. Nam giới ở các nước OECD cũng làm việc nhiều hơn phụ nữ xét về số giờ. Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy nhiều lợi ích của việc có thêm thời gian rảnh rỗi như giúp gia tăng động lực làm việc hay tăng thu nhập cho ngành du lịch. Ở đây, giáo dục có thể góp phần giúp cá nhân tăng năng lực trong những mảng học tập không chính thống - tức các hoạt động ngoài giờ học/giờ làm việc - để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thế kỷ 21 cũng chứng kiến sự gia tăng của các dạng thức làm việc phi tiêu chuẩn (non-standard work) như làm việc bán thời gian hoặc làm việc theo dự án, trong đó, nhóm người lao động trẻ chiếm phần lớn thị trường. Mặc dù dạng thức làm việc này được chứng minh là gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực do bản chất bấp bênh, nền kinh tế gig (gig economy) - một sản phẩm được tạo ra nhờ chế độ làm việc này và sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số - đã giúp nâng cao nhu cầu thuê lao động tự do của các doanh nghiệp toàn cầu. Bên cạnh cơ hội làm việc rộng mở hơn, người lao động tự do gặp phải những vấn đề như không có các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay phải chấp nhận làm việc trong môi trường không lành mạnh. Vai trò của giáo dục trong giải quyết mâu thuẫn này là trang bị và nâng cao kỹ năng cho những cá nhân làm việc trong thị trường non-standard work, tạo ra nhiều cơ hội học tập và phát triển suốt đời cũng như thay đổi hệ thống giáo dục vốn theo cấu trúc thời khóa biểu để phù hợp hơn với nhu cầu học tập linh hoạt của cả người trưởng thành lẫn học sinh phổ thông.

Một xu hướng đáng chú ý khác là sự bao trùm của dữ liệu hóa và thuật toán. Mọi thông tin về năng suất việc làm, sức khỏe và giải trí đều được định lượng hóa, mang tới những tiện lợi nhất định, đồng thời cả những nguy cơ về bảo mật và thương mại hóa các khía cạnh nhân văn của cuộc sống. Khi xu hướng này lan sang cả lĩnh vực giáo dục, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận các mặt lợi và hại của nó. Các cơ sở giáo dục và giáo viên cần nâng cao năng lực thông tin để bắt kịp với những thay đổi và kịp thời đưa ra các chiến lược phù hợp. Một điểm cần lưu ý khác là khi xu hướng định lượng hóa cuộc sống gây ra áp lực phải trở nên hoàn hảo vô cùng lớn đối với cá nhân, hệ thống giáo dục cần hỗ trợ trao quyền cho cá nhân để chống lại gánh nặng đó, góp phần ngăn chặn các rối loạn tâm lý trầm trọng hơn trong tương lai.

Khía cạnh thứ tư được phân tích trong mục đời sống và việc làm là gia đình. Dữ liệu trong 50 năm vừa qua ở các nước OECD cho thấy các xu hướng: tỉ lệ kết hôn giảm, số tuổi kết hôn ngày càng muộn, tỉ lệ li dị tăng và tỉ lệ sống thử tăng. Cùng với đó, các cấu trúc gia đình chứng kiến nhiều sự thay đổi so với 50 năm trước: ngày càng có nhiều cặp đôi kết hôn không sống cùng cha mẹ và cặp đôi kết hôn đồng giới. Tuy vậy, những thay đổi về đặc điểm kết hôn không làm thay đổi các vấn đề gia đình. Phụ nữ vẫn phải làm nhiều công việc gia đình hơn mà không được trả công xứng đáng, người bố vẫn đóng góp rất ít trong các công việc chăm sóc con cái, gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ. Giáo dục cần can dự vào vấn đề này thông qua việc thay đổi các quan niệm vai trò giới và thái độ về công việc chăm sóc. Ngoài ra, chính hệ thống giáo dục cần quan tâm tới việc hỗ trợ nhân sự của mình cân bằng cuộc sống - công việc để trước hết đảm bảo chất lượng đời sống gia đình của họ.

Cuối cùng, xem xét tổng thể chất lượng cuộc sống, báo cáo ghi nhận những thành tựu tích cực như: giảm tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông (giảm 20% từ năm 2010) và giết người (giảm 33% từ năm 2010), nâng cao chất lượng nhà cửa (giảm tình trạng nhà ở quá tải và và thiếu vệ sinh); cùng các vấn đề ngày càng đáng báo động gồm: tỉ lệ vô gia cư tăng cao trước cả khi đại dịch diễn ra, chi phí đất đai tăng cao khiến người nghèo ngày càng khó thuê/mua nhà. Từ những kết quả trên, giáo dục, cùng với các dịch vụ xã hội khác, cần tiếp tục phát huy những dịch vụ đảm bảo an toàn cho học sinh và nâng cao nhận thức về an toàn, cùng với đó là đổi mới các chính sách bình đẳng về cơ hội giáo dục. Đặc biệt, khi đại dịch khiến dạy và học từ xa trở thành bắt buộc, cần đặt câu hỏi về việc các điều kiện sinh hoạt của học sinh có thể ảnh hưởng thế nào tới việc học tập của các em.


3. Tri thức và quyền lực

Tiến bộ khoa học và nghiên cứu giúp chúng ta đưa ra các giải pháp cho nhiều vấn đề cũ, đồng thời tạo ra những bất ổn mới.

Nan đề thứ nhất là sự dư thừa thông tin gây ra bởi tốc độ phát triển chóng mặt của Internet. Nếu trong thế kỷ 20, các cuốn bách khoa thư và báo đài là nguồn tạo ra các thông tin ảnh hưởng tới số đông, thì các trang mạng xã hội và website như Wikipedia của thế kỷ 21 lại dựa vào số đông để tạo ra tri thức. Sự sẵn có của thông tin đòi hỏi con người phải có khả năng chọn lọc, đánh giá và sử dụng nó một cách phù hợp. Lúc này, giáo dục sẽ là nguồn cung cấp các năng lực cần thiết liên quan tới xử lý thông tin, và thậm chí là cả việc chủ động tạo ra nó và sáng tạo dựa trên những thông tin ấy.

Để đối mặt với lượng tri thức khổng lồ được tạo ra mỗi ngày trên Internet, trí tuệ nhân tạo (AI) ra đời giúp con người cấu trúc hóa khối lượng dữ liệu mênh mông. Các dự đoán dựa vào dữ liệu đã là những cứu tinh trong việc đưa ra quyết định vững chắc hơn, chẳng hạn như giúp tinh chỉnh các chẩn đoán y tế và thiết kế các quảng cáo phù hợp hơn với nhu cầu cá nhân. Khi AI nắm quyền lực lớn như vậy, nó tạo ra các lo ngại về đạo đức và công bằng, bởi những dữ liệu đầu vào của nó vốn đã có nhiều thiên kiến. Trong giáo dục, sự phát triển của AI có thể giúp giảm tải khối lượng công việc của giáo viên để họ dành thời gian cho phát triển chuyên môn, cũng như góp phần hiện thực hóa kỳ vọng lâu năm về giáo dục cá nhân hóa. Tuy vậy, chúng ta cần cẩn trọng không để nó nắm giữ toàn bộ quá trình tiếp thu thông tin, từ đó bỏ qua và đè nén sự tự chủ của con người. Lúc này, chính giáo dục cần lường trước và nâng cao hiểu biết của người học về các lợi thế, nguy cơ, hiểm họa cũng như cơ hội mà AI mang tới.

Xuất bản khoa học cũng chứng kiến một sự gia tăng vượt bậc, cả về số bài báo được công bố lẫn bị rút lại. Tính minh bạch trong khoa học được đề cao - ngày càng có nhiều tạp chí và nhà nghiên cứu lựa chọn công khai tên người phản biện và báo cáo phản biện. Cùng với đó, các phong trào khoa học mở đã góp phần giúp kết quả khoa học được lưu hành nhanh chóng hơn với chi phí thấp. Tận dụng các tăng trưởng này, giáo dục cần xem xét ứng dụng các kết quả nghiên cứu hàn lâm vào việc củng cố tri thức người học. Giáo dục đại học cần thay đổi nội dung và chương trình để kịp thời trang bị cho người học các kỹ năng nghiên cứu cao cấp. Đồng thời, trường học cũng cần cân nhắc vai trò của mình như một nguồn cung dữ liệu quan trọng cho nghiên cứu khoa học, từ đó đưa ra những phát hiện giúp cải thiện chất lượng giảng dạy và chất lượng cuộc sống của giáo viên, học sinh và thậm chí là cả phụ huynh.

Tương tự tài sản vô hình, tri thức và nghiên cứu khoa học giờ đây cũng được coi là một dạng “vàng” mới. Số người làm nghiên cứu tăng ổn định trong suốt ba thấp kỷ qua. Tính trong năm 2018 tại các nước thành viên OECD, cứ mỗi 1.000 nhân sự toàn thời gian lại có 9 người làm các công việc liên quan tới kiến tạo tri thức mới. Tỉ lệ này trong năm 1995 là 6/1.000. Mặc dù số nhà nghiên cứu tại doanh nghiệp và viện/trường đại học chiếm tỷ lệ áp đảo so với số nhà nghiên cứu tại các cơ quan chính phủ, ngân sách chính phủ lại đóng vai trò quan trọng trong định hình mức độ, bản chất và hướng phát triển của nghiên cứu khoa học. Chính phủ các nước OECD đang dần thay đổi chiến lược đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, chuyển hướng từ các hỗ trợ trực tiếp (như các khoản tài trợ) sang các hỗ trợ gián tiếp (như giảm thuế). Trong xu hướng phát triển của tri thức khoa học, lĩnh vực giáo dục cần nghĩ tới những nghề nghiệp mới đóng vai trò như “nhà môi giới tri thức”, tức những người chuyên tổng hợp và đánh giá các kết quả nghiên cứu và truyền tải chúng dưới các dạng thức dễ tiếp cận hơn cho các nhà thực hành và nhà làm chính sách. Bên cạnh đó, cần chú trọng những yếu tố góp phần nâng cao và định hình các nghiên cứu khoa học giáo dục chất lượng, để việc ứng dụng nó vào thực tiễn được tối ưu.

Cuối cùng, sau tất cả những nỗ lực nâng cao dân trí, một khía cạnh cần được xem xét khác là quyền tham gia vào các quá trình ra quyết định, hoạch định chính sách của công dân. Sự ra đời và phổ biến của các Hội đồng nhân dân, Bồi thẩm đoàn và Hội thẩm nhân dân cho phép các nhóm nhỏ đại diện cho tiếng nói của người dân đưa ra ý kiến để cơ quan công quyền có thêm các góc nhìn trong việc ra quyết định. Quy trình này đặc biệt quan trọng đối với những vấn đề đòi hỏi sự đánh đổi và các giải pháp lâu dài. Giáo dục có thể giúp trau dồi các tri thức thiết yếu, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp và các thái độ cần thiết để người dân chủ động tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội.

(Còn tiếp)

[1] OECD (2022), Trends Shaping Education 2022, OECD Publishing, Paris, https://doi.org/10.1787/6ae8771a-en.