Nhân dịp cuốn sách “Nhân loại thời kỹ thuật số” của mình ra mắt ở Việt Nam, GS Dominique Vinck trả lời phỏng vấn, lý giải vì sao chúng ta nên từ bỏ sự đối lập giữa thực và ảo; và bằng cách nào mà các công cụ số có thể tạo ra nhiều tai họa cũng như những điều tích cực, và rất thường xuyên là cả hai.

Sự kết nối trên thế giới mạng có thật sự mang lại sự kết nối trong thế giới thực đối với con người, hay ngược lại, thưa ông?

Tôi nghĩ chúng ta nên từ bỏ sự đối lập giữa thực và ảo, bởi vì ngày nay trên thế giới, khi người ta gặp nhau ở ngoài đời thực, ví dụ trên đường phố v.v, họ đã luôn mang theo điện thoại di động, đôi khi cả những chiếc tai nghe. Thế giới thực đã đầy rẫy ảo rồi, nên sự đối lập ấy không có nhiều ý nghĩa. Tất nhiên ta vẫn nhìn thấy những khác biệt, nhưng con “virus” mà ta gọi là “ảo” đó vẫn là một cỗ máy với những kết nối, những bố trí vật lý ít nhiều bó buộc.

Tác giả Dominique Vinck (1959) hiện là giáo sư tại Đại học Lausanne (Thụy Sỹ). Nguồn: L’Espace
Tác giả Dominique Vinck (1959) hiện là giáo sư tại Đại học Lausanne (Thụy Sỹ). Nguồn: L’Espace

Điều này cho ta thấy, và đặc biệt do ảnh hưởng toàn cầu của đại dịch Covid, ở rất nhiều quốc gia, người ta phải hối hả sử dụng các công nghệ số trên diện rộng để có thể làm việc từ xa hay giảng dạy trực tuyến v.v. Và như thế, một lượng lớn người đã đổ dồn vào cái mà ta gọi là thế giới ảo, với nhiều hệ quả khác nhau. Hệ quả chính yếu nhất là con người gần gũi với nhau hơn. Nỗi lo sợ sẽ mất đi cha mẹ, ông bà - những người lớn tuổi - khiến mọi người gần lại với nhau, thông qua công nghệ số. Nhưng bên cạnh đó, sự thật rằng rất nhiều người bị đẩy vào thế giới ảo có mong muốn, ngay khi nào có thể, không sử dụng phương tiện số nữa mà sẽ tới thăm, gặp gỡ, ôm hôn nhau, kết nối lại như trước kia, thậm chí còn hơn thế trong các mối quan hệ đời thực.

Trong giáo dục cũng vậy, khi tất cả bị dồn vào tình huống giáo dục từ xa, cả giáo viên lẫn học sinh đều đặt câu hỏi khi nào có thể quay lại lớp, khi nào có thể dạy-học cùng nhau để có thể trao đổi. Ngay cả khi mọi người khám phá ra những mặt tích cực của giáo dục từ xa, sự thật là bị bắt buộc phải ở trong thế giới số khiến ta nhận ra giá trị của sự hiện diện vật lý.

kjjhkj
“Nhân loại thời kỹ thuật số” được xuất bản trong khuôn khổ Dự án “Con người với máy móc” do L’Espace thực hiện từ năm 2021. Sách do dịch giả Nguyễn Sỹ Nguyên chuyển ngữ, Sao Bắc Media và Nxb Hồng Đức ấn hành. Ảnh: Sao Bắc Media

Môi trường số, một mặt, khiến cho đối thoại giữa người với người trở nên dễ dàng, thậm chí giữa các quốc gia, giữa các nền văn hóa khác nhau. Nhưng cùng lúc, có những thứ sẽ bị mất đi, điển hình như trong giao tiếp, những điều tinh tế có thể sẽ không còn, đặc biệt là những khía cạnh ngoài lời đôi khi sẽ trượt thoát khỏi môi trường số, điều này có lúc khiến người ta không hiểu nhau, có lúc khiến cho sự giao tiếp trở nên căng cứng, mà sẽ không như vậy với trường hợp trao đổi, gặp gỡ trực tiếp. Do đó, các hệ quả có tính tương phản, đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn cặn kẽ.

Sự phát triển của các công nghệ số sẽ làm cho con người tự do hơn, hay khiến con người trở nên bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ?

Về câu hỏi này, cũng như nhiều câu hỏi khác, sẽ không có một câu trả lời đơn giản. Đúng là công nghệ số, ở một số mặt nào đó, giải phóng cho một nhóm người, nhưng ở những mặt khác, với người khác thì nó lại tạo ra sự phụ thuộc mới mà trước kia không có. Tức là nó vừa có khả năng giải phóng nhưng cũng vừa có khả năng cầm tù, ta phải nhìn cặn kẽ, cần cảnh giác và rất nên thảo luận tập thể, phản biện về những điều đang diễn ra cũng như cách thức sử dụng các công cụ số bởi vì chúng có thể tạo ra nhiều tai họa, cũng như có thể tạo ra những thứ tích cực, và rất thường xuyên là cả hai. Cùng một công cụ số có thể mang đến những hiệu quả khai phóng lẫn những hậu quả kìm hãm.

Với sự phát triển của công nghệ số, sự bá quyền của ngôn ngữ tiếng Anh dần suy giảm và quan niệm đa ngôn ngữ được đề cao. Điều này có làm cho việc thấu hiểu lẫn nhau giữa các nền văn hóa trở nên dễ dàng hơn, khi tiếng Anh - ngôn ngữ mang tầm quốc tế - không còn là duy nhất?

Vâng, hoàn toàn đúng như vậy. Công nghệ số giúp cho những trao đổi văn hoá, trao đổi ngôn ngữ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Ban đầu, công nghệ máy tính chỉ thuần tiếng Anh. Khi mọi thứ dần phát triển thì phần tiếng Anh càng ngày càng giảm, tôi chắc rằng con số hiện nay vào khoảng 26% trong khi lúc đầu là 100%. Điều đó có nghĩa là đã có chỗ cho nhiều ngôn ngữ khác và đó là tín hiệu rất đáng mừng.

Một điều khác rất có ích mà công nghệ số đem lại, đặc biệt hiệu quả trong vòng 10 năm trở lại đây, đó là các công cụ dịch, bao gồm cả dịch trực tiếp (giữa hai ngôn ngữ bất kỳ). Nó giúp rất nhiều cho đối thoại giữa các nền văn hoá, giữa các ngôn ngữ khác nhau. Ta không cần dựa vào một ngôn ngữ chung nữa, đặc biệt không cần đến thứ ngôn ngữ chung bá quyền, cái sẽ tạo ra những bất công bởi vì với một số người đó là ngôn ngữ của họ và họ chẳng cần nỗ lực nào, chẳng mất gì để có thể diễn đạt mọi sắc thái, trong khi những người khác phải mất hàng năm trời để học, diễn đạt đầy khó khăn. Quả thật là không công bằng chút nào! Tóm lại, các công cụ số nói chung và các công cụ dịch nói riêng giúp rất nhiều cho việc trao đổi văn hoá.

Cuộc cách mạng Số có dẫn đến một cuộc cách mạng về tri thức con người (trong việc giải thích giới tự nhiên, thấu hiểu những biến đổi và phát triển của các xã hội, và nhất là thấu hiểu bản thân)?

Vâng, chắc chắn rồi! Công nghệ số đóng góp vào việc thay đổi năng lực trí tuệ của nhân loại. Điều này không mới, việc tương tự đã từng xảy ra nhiều thế kỷ trước với máy in. Đó là cả một cuộc cách mạng trí tuệ cho các xã hội, gần như trên toàn thế giới. Nó tạo ra vô vàn những khả năng trí tuệ mới mà trước đó chưa có. Công nghệ số cũng sẽ tạo ra những hiệu quả tương tự như máy in, phát kiến ra thư viện, các bộ sưu tập v.v. Do vậy, nó sẽ thay đổi mạnh mẽ năng lực tư duy của con người.

Nhìn chung, nó sẽ mở ra rất nhiều khả năng, không chỉ bởi nó giúp ta tiếp cận dễ dàng hơn rất nhiều những điều trong quá khứ - những thứ đôi khi bị đóng kín trong các kho lưu trữ, rất khó tham khảo vì chúng ở xa, hay vì chúng đòi hỏi những chuyên gia đọc và bình chú, hoặc giả tài liệu lưu trữ quá đỗi mỏng manh và nếu ai cũng có thể chạm vào thì di sản rất dễ bị hủy hoại. Cũng như vậy, nó giúp cả cho việc tiếp cận các nền văn hóa xa xôi. Tất cả những điều này tạo điều kiện cho đối thoại giữa các xã hội.

Bên cạnh đó, ta nhận thấy rằng công nghệ số, với những hiện tượng như bulle de filtres/bọng lọc, cùng một thứ công cụ có thể đóng kín một nhóm người, đóng kín các cá thể bên trong nhóm người đó, những cá thể suy nghĩ giống hệt nhau, và thay vì mở rộng văn hóa thì họ lại tự nhốt mình lại. Cùng một công cụ có thể mở ra, cũng có thể khép kín con người lại. Nhưng nhìn tổng thể thì công nghệ số sẽ giúp ích cho xã hội tự hiểu chính mình, hiểu con người, hiểu tự nhiên, thể hiện sự cảnh giác tập thể. Điều đó là rất rõ ràng! Và một lần nữa, sự kết hợp giữa công nghệ số và khủng hoảng đại dịch khiến ta nhận ra con người là một động vật tập thể. Chúng ta thực sự phụ thuộc vào các mối quan hệ.

Các công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đã lan rộng khắp mọi phạm vi của đời sống. Theo ông, liệu những công nghệ này sẽ cho chúng ta động lực mới hay trái lại, sẽ thúc đẩy loại bỏ chúng ta ra khỏi hoạt động tri thức?

Chúng ta mới đang ở giai đoạn đầu của trí tuệ nhân tạo và rất khó nói chính xác chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng có một điều chắc chắn rằng mọi thứ đang thay đổi quá nhanh, nhanh hơn nhiều so với những điều chúng ta biết với các công nghệ khác trước đây, đến mức không thể tin nổi. Trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ thay đổi, thậm chí thay thế, loại bỏ một số hoạt động trí tuệ của con người - những hoạt động mà ta từng phải suy tư. Ví dụ, công nghệ có thể sẽ học dịch tốt tới mức người ta không còn phải nghĩ xem cần nói như thế nào trong các bản dịch. Hãy theo dõi sát sao, có thể sẽ có những tiến hóa đến vậy.

Xin cảm ơn ông!

Khoảng 10 năm trước, có sự trộn lẫn giữa tính toán đầu óc với tính toán điện tử. Còn bây giờ, tính toán đầu óc đã gần như biến mất, hầu như người ta không tự tính nữa mà ngay lập tức sử dụng máy tính. Thay thế một phần các hoạt động trí não, nhưng trí tuệ nhân tạo cũng sẽ mang lại thêm nhiều tư liệu và bắt chúng ta phải làm việc trí não để phân tích nhiều hơn. Nó xoá đi một số hoạt động, nhưng lại tạo ra tài nguyên cho những hoạt động mới và những vấn đề mới. Đó quả thực là một lĩnh vực cần giám sát kỹ càng bởi vì nó có thể tạo ra cả những hệ quả tốt lẫn xấu, mọi thứ diễn ra vô cùng nhanh.

GS. Dominique Vinck