Tòa án cho rằng nền tảng mạng xã hội học thuật này phải chịu trách nhiệm về các bài báo do người dùng tải lên, nhưng ResearchGate nói sẽ kháng cáo phán quyết này.

ResearchGate được thành lập vào năm 2008 và có 20 triệu người dùng từ hơn 190 quốc gia. | Ảnh: TL
Ảnh: TL

Năm 2017, nhà xuất bản Elsevier có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) và Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ (ACS) có trụ sở ở Washington DC (Mỹ) đã đệ đơn kiện ResearchGate lên một tòa án khu vực ở Munich (Đức), cáo buộc trang web này cung cấp miễn phí 50 bài báo có bản quyền của mình cho công chúng. ResearchGate (có trụ sở ở Berlin) nói rằng họ không thể chịu trách nhiệm cho các nội dung được tác giả đăng tải lên.

Sau nhiều năm, vụ kiện mang tính bước ngoặt đã đi đến hồi kết. Theo phán quyết vào tháng 1 năm nay, tòa án ở Munich không chỉ cấm ResearchGate đăng tải 50 bài báo xâm phạm bản quyền của các nhà xuất bản (hiện ResearchGate đã gỡ) mà còn nói rằng nền tảng này phải chịu trách nhiệm về những nội dung đăng tải trên nền tảng của mình.

Tuy nhiên, tòa án từ chối yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của nhà xuất bản, lưu ý rằng các thỏa thuận cấp phép bản quyền tiêu chuẩn (thường chỉ do một tác giả liên hệ ký) đảm bảo rằng tất cả các tác giả đồng ý chuyển quyền sở hữu cho nhà xuất bản. Các nhà xuất bản cho biết họ có kế hoạch kháng cáo phần này của phán quyết.

Một nhóm các nhà xuất bản trong đó có Elsevier và ACS cho biết họ hài lòng với phán quyết của tòa, nói rằng: “Mục đích của hành động pháp lý này là làm rõ trách nhiệm của ResearchGate đối với nội dung mà họ phân phối một cách bất hợp pháp trên nền tảng của mình, điều mà họ thực hiện vì lợi ích thương mại của riêng mình.”

Ngay sau khi tòa án ra phán quyết, ResearchGate cho biết sẽ kháng cáo trong một thông cáo báo chí. “Chúng tôi tin rằng kết quả đầu ra của nghiên cứu khoa học – phần lớn được tài trợ bởi ngân sách công – nên được chia sẻ công khai nhất có thể và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà nghiên cứu chia sẻ công trình của họ một cách dễ dàng và hợp pháp,” ResearchGate nói với báo chí.

ResearchGate cũng cho biết trong những năm kể từ khi vụ kiện diễn ra, họ đã giới thiệu phần mềm Jarvis nhằm ngăn các nhà nghiên cứu đăng tải nội dung mà họ không được phép chia sẻ. “Chúng tôi đã xây dựng một giải pháp chiều theo nhu cầu của các nhà xuất bản và rất vui khi Elsevier và ACS đang sử dụng nó”, theo phát ngôn của trang web.

Kể từ khi được thành lập vào năm 2008, ResearchGate luôn có mối quan hệ phức tạp với các nhà xuất bản học thuật. Nhiều nhà nghiên cứu sử dụng nền tảng này để tải và chia sẻ tài liệu, bao gồm cả những nghiên cứu đã xuất bản của họ. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, các nhà xuất bản gửi thông báo yêu cầu trang web gỡ bỏ những nội dung thuộc phần trả phí của họ, đồng thời có các hành động pháp lý.

Theo nhà nghiên cứu Guido Westkamp về Sở hữu trí tuệ và Luật so sánh tại Đại học Queen Mary, London (Anh), nếu ResearchGate kháng cáo không thành công, thì tiền lệ này sẽ được áp dụng cho bất kỳ vụ kiện nào trong tương lai nhằm chống lại ResearchGate, ít nhất là ở Đức. Tuy nhiên, phán quyết này “khác xa một lệnh phong bế”. "Về nguyên tắc, bất kỳ bài báo [vi phạm bản quyền] nào khác trong tương lai đều phải làm thành một vụ kiện mới", ông nhận xét.

Trong nhiều năm kể từ khi vụ kiện lần đầu tiên được đệ trình, thế giới xuất bản học thuật đã trải qua thay đổi lớn.

Phong trào truy cập mở ngày càng tăng, không ít nhà xuất bản cung cấp miễn phí nhiều bài báo của họ hơn. Trong khi Elsevier và ACS bị vướng trong cuộc chiến pháp lý với ResearchGate, một số nhà xuất bản lớn khác như Wiley và Springer Nature đã hợp tác với nền tảng này để cho phép nó chia sẻ một số bài báo đã xuất bản.

Luật bản quyền của Liên minh Châu Âu cũng có sự thay đổi. Một điều khoản có hiệu lực vào năm ngoái quy định các nền tảng chia sẻ nội dung phải chịu trách nhiệm về nội dung do người dùng của họ tải lên. Theo Westkamp, điều đó có thể khiến ResearchGate phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà xuất bản vẫn cần phải chứng minh họ đã được chuyển nhượng các quyền từ tất cả các đồng tác giả trong từng trường hợp cụ thể, ông bổ sung.

ResearchGate tuyên bố rằng họ tin mình không thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy tắc này do bản chất trang web hoạt động 'miễn phí' và họ cũng đã nỗ lực giúp ngăn chặn việc chia sẻ tài liệu có bản quyền bằng việc phát triển những phần mềm đối sánh thông tin về quyền của nhà xuất bản như Jarvis.

Trong thông cáo báo chí của mình, ResearchGate gửi thông điệp đối với tất cả các nhà xuất bản rằng "tương lai của xuất bản học thuật là mở" và các bên nên làm việc cùng nhau để mở khóa tiềm năng thực sự của nó.

Cuộc chiến pháp lý giữa ResearchGate và các nhà xuất bản sẽ còn kéo dài vì trang web này còn vướng vào một vụ kiện tương tự với hai nhà xuất bản trên ở Mỹ.

Westkamp nhận định nhận định ResearchGate có thể có nhiều lợi thế hơn trong vụ kiện ở Mỹ, bởi vì các quyết định ở Mỹ sẽ có thể xoay quanh vấn đề sử dụng hợp pháp tri thức khoa học cho lợi ích công cộng hơn là luật bản quyền đơn thuần.

ResearchGate được thành lập vào năm 2008 bởi nhà virus học TS. Ijad Madisch (hiện vẫn đảm nhiệm chức vụ CEO), bác sĩ Sören Hofmayer và nhà khoa học máy tính Horst Fickenscher.

Đây là nơi để các nhà nghiên cứu chia sẻ bài báo, hỏi đáp chuyên môn và tìm kiếm cộng tác viên. Mặc dù người dùng không cần đăng kí để được đọc các bài báo, những người muốn đăng ký tài khoản để trở thành thành viên trang web cần có địa chỉ email tại một tổ chức được công nhận hoặc được xác nhận thủ công là nhà nghiên cứu có công bố. Tính đến tháng 5/2020, nền tảng này có 17 triệu người dùng từ hơn 190 quốc gia.

Là một công ty khởi nghiệp, nguồn tài chính của ResearchGate đến từ các vòng gọi vốn đầu tư. Tính đến năm 2017, tổng số vốn mạo hiểm của các quỹ rót vào đây lên tới 100 triệu USD, trong đó có nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, Founders Fund và Wellcome Trust, nhà tài trợ nghiên cứu y sinh có trụ sở tại London. Công ty cho biết họ kiếm doanh thu từ những mảng như tuyển dụng và quảng cáo nhắm mục tiêu cao, dựa trên phân tích hoạt động người dùng (ví dụ click vào quảng cáo kính hiển vi đề cập trong một bài báo để mua).

Trong lịch sử hoạt động, ResearchGate từng bị chỉ trích vì không loại bỏ một người dùng bị kết án phạm tội tình dục ra khỏi trang mạng xã hội của mình, vì gửi email không mong muốn tới các đồng tác giả của người dùng, vì tạo tự động một số hồ sơ học giả không đầy đủ và chính xác thông tin và làm phiền các nhà nghiên cứu, và vì "RG score" mà họ tính toán theo một công thức độc quyền không công khai và không phản ánh đầy đủ về học giả.

ResearchGate cũng đã bị chỉ trích vì không cung cấp các biện pháp lọc các bài báo của nhà xuất bản giả mạo, "tạp chí ma", tạp chí “săn mồi” và các xếp hạng giả.

Nó cũng thường xuyên bị chỉ trích vì vi phạm bản quyền. Một nghiên cứu công bố năm 2017 do nhà khoa học thông tin Hamid Jamali tại Đại học Charles Sturt, Úc, thực hiện, cho biết khi kiểm tra ngẫu nhiên 500 bài báo từ ResearchGate đã phát hiện 40% trong số đó vi phạm bản quyền.



Tham khảo: