Một nghiên cứu do Đại học Maryland thực hiện đã chỉ ra: các trại phong điện đang được xây dựng ngoài khơi tiểu bang Delaware – Maryland – Virginia có thể sẽ trở thành điểm dừng chân trên đường di trú của loài cá hồi (salmon) và cá vược sọc (striped bass) Đại Tây Dương.

Sự phát triển của những trại phong điện ngoài khơi là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhưng đồng thời cũng mang đến không ít đánh đổi (trade-offs) giống như các dự án xây dựng dân dụng lớn. Bên cạnh lợi ích kinh tế to lớn là một số xáo trộn đối với đời sống của nhiều loài sinh vật bản địa. Tuy nhiên, chúng cũng lại có tiềm năng trở thành môi trường cư trú mới, giống như những giàn khoan dầu khí (oil rig) và các rạn biển nhân tạo (artificial reef).

Điện gió tạo ra lợi ích kinh tế rất lớn, nhưng đồng thời cũng mang lại không ít sự đánh đổi. Ảnh: Depositphoto.

Điện gió tạo ra lợi ích kinh tế rất lớn, nhưng đồng thời cũng mang lại không ít sự đánh đổi. Ảnh: Depositphoto.

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện tại Mỹ và châu Âu nhằm kiểm chứng điều này, ngoài ra cũng là để tìm cách giảm thiểu những tác động tiêu cực trong khi vẫn duy trì được lợi ích. Trong số đó phải kể tới nỗ lực của các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Môi trường thuộc Đại học Maryland. Nhóm đã tập trung khảo cứu tác động tiềm năng của những trại phong điện lên đặc tính di trú đã được thiết lập của loài cá hồi và cá vược sọc tại khu vực thềm lục địa DelMarVa ngoài khơi Maryland, cách Ocean City khoảng 17 – 26 dặm, khi chúng di chuyển từ nơi sinh trưởng sang nơi có nhiều thức ăn.

Đặc biệt, các nhà khoa học còn muốn nghiên cứu phương án giúp giảm thiểu tác động của việc xây dựng những trạm phong điện lên cá di trú, cũng như kiểm chứng xem liệu chúng có thể kiến tạo môi trường sinh sống mới để các loài này lưu lại. Họ đã bắt một vài mẫu cá hồi và cá vược sọc, phân loại kích thước, cân nặng và giới tính của chúng, sau đó tiến hành cấy ghép acoustic tag (một loại thiết bị viễn trắc bằng âm thanh) lên cơ thể rồi thả chúng đi. Khoảng 20 thiết bị thu tại khu vực Trại phong điện Maryland đã ghi lại được tín hiệu phản hồi (ping) với mã ID đặc biệt từ các túi acoustic trên 352 cá thể cá hồi và 315 cá thể cá vược sọc.

Kết quả phân tích thói quen di trú cho thấy: mùa hè thường có rất ít hoặc không có cá. Điều này mang ý nghĩa quan trọng trong việc lập kế hoạch xây dựng các trại phong điện nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của tiếng ồn sinh ra từ các tuabin gió.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những trạm phong điện rất có tiềm năng trở thành trạm nghỉ của các loài di trú – khá giống những phượt thủ mô-tô ngừng chân để ăn uống rồi lại tiếp tục cuộc hành trình. Tuy nhiên, vẫn cần thu thập thêm nhiều dữ liệu để đưa ra đánh giá tổng thể về tác động của các trại phong điện lên cá di trú ở khu vực Tây Bắc Đại Tây Dương, bởi chắc chắn nó sẽ có giá trị tham khảo đối với nhiều khu vực khác trên thế giới, nơi cũng có những trại phong điện và loài di trú tương tự.

“Giới khoa học đã phát hiện được nhiều điều về đặc tính theo mùa của loài cá hồi và cá vược sọc Đại Tây Dương, trong đó có việc lựa chọn nơi cư trú khi di chuyển từ khu vực đẻ trứng và sinh trưởng như cửa sông, sông, hoặc vùng tự bồi đắp,” tác giả Ellie Rothermel phát biểu. “Chúng tôi cũng dự đoán được khá chính xác về nơi và thời điểm cá sẽ tới, nhưng thông tin chi tiết thì vẫn rất giới hạn. Do các vùng nước xa bờ thường không dễ tiếp cận, vì thế chúng tôi đã sử dụng phương pháp viễn trắc bằng âm thanh để tìm hiểu về thời điểm di trú quan trọng này,” cô bổ sung.

Ellie Rothermel đang cài đặt thông số cho các thiết bị thu âm thanh để tái triển khai.

Ellie Rothermel đang cài đặt thông số cho các thiết bị thu âm thanh để tái triển khai.

Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí truy cập mở PlosONE.

Nguồn: