Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) là một hình mẫu điển hình cho việc đầu tư vào khoa học cơ bản để nhiều quốc gia khác học hỏi. Nhưng ít ai biết rằng những ngày đầu thành lập cơ quan này trong những năm chiến tranh cũng đem lại những ý nghĩa đáng suy ngẫm, khi họ đứng trước lựa chọn giữa một tầm nhìn lâu dài cho khoa học hay mục tiêu đầy thực dụng.
Kỳ 1: Xác lập vị trí trong bức tranh khoa học phức tạp
Thời kỳ đầu của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), các nhà lãnh đạo của quỹ mơ về những khoản đầu tư lớn của chính quyền liên bang cho nghiên cứu cơ bản, nhưng họ đã phải cố gắng tìm được cho quỹ mới thành lập này một vị trí trong bức tranh tài trợ khoa học phức tạp ở Mỹ.
Thứ tư ngày 10 tháng 5 năm 1950, từ 5 giờ 15 sáng, một đám đông đã bắt đầu tụ tập ở nhà ga của thành phố Pocatello, bang Idaho. Cái lạnh và việc phải dậy sớm không làm chùn bước đám đông của 700 người, họ tụ tập để được thấy tổng thống. Khi đoàn tàu xình xịch tiến vào, Tổng thống Harry Truman đã đứng sẵn ở toa cuối để vẫy chào đám đông. Chuyến đi Pocatello nằm trong một hành trình quanh miền Bắc nước Mỹ, trong đó ngài tổng thống ghé thăm nhiều thành phố dọc tuyến đường sắt.
Vannevar Bush, giám đốc OSRD trong Chiến tranh Thế giới II và là một trong các kiến trúc sư của NSF. Bức ảnh được ký tặng Hugh Dryden, giám đốc Hội đồng Cố vấn Quốc gia về Hàng không học (National Advisory Committee for Aeronautics).
Mặc dù trong hầu hết thời gian ở Idaho, Truman nói về nông nghiệp địa phương và các vấn đề kinh tế, riêng ở Pocatello, ông lại diễn thuyết trước đám đông về khoa học. Sáng sớm hôm đó, trên tàu đến Pocatello, ông đã ký Đạo luật Quỹ Khoa học Quốc gia 1950 (sau đây gọi tắt là đạo luật NSF). Nó thành lập cơ quan liên bang đầu tiên chuyên hỗ trợ nghiên cứu cơ bản và giáo dục trên mọi ngành khoa học. Trước những người dân Idaho lạnh cóng, Truman đã thuyết minh tầm quan trọng của việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học ở quy mô liên bang.
Quá trình hình thành và những năm đầu hoạt động của NSF là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của chính sách khoa học Mỹ thời hậu chiến. Vai trò của khoa học trong Chiến tranh Thế giới II đã thuyết phục nhiều thành viên trong chính phủ rằng tài trợ công là cần thiết cho nghiên cứu khoa học. Sau khi thành lập, NSF trở thành một địa điểm quan trọng, nơi diễn ra các cuộc tranh luận của nước Mỹ hậu chiến về chính sách khoa học, tài trợ liên bang cho các cơ sở nghiên cứu dân sự, và tài trợ liên bang cho giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Nguồn gốc từ trongchiến tranh
Tháng 6 năm 1940, để chuẩn bị cho khả năng nước Mỹ tham chiến, Chính phủ Mỹ lập ra Ủy ban Quốc gia về Nghiên cứu Quốc phòng (National Defense Research Committee – NDRC). Nó có vai trò bổ sung cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển hiện có của quân đội, bằng cách tuyển các nhà khoa học dân sự và các phòng thí nghiệm của các công ty. Vannevar Bush, chủ tịch Viện Carnegie ở Washington và là viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, trở thành người đứng đầu NDRC với nhiệm vụ đưa nghiên cứu khoa học Mỹ vào phục vụ cuộc chiến. Tháng 6 năm 1941, NDRC mở rộng thành Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Khoa học (Office of Scientific Research and Development – OSRD). Nếu như NDRC được thành lập bằng một mệnh lệnh hành chính và sử dụng ngân sách khẩn cấp của tổng thống thì OSRD được thiết lập dưới Cơ quan Quản lý Tình huống khẩn cấp (Office of Emergency Management), có ngân sách riêng và có trụ sở an toàn đặt trong Nhà Trắng. OSRD cũng mở rộng hoạt động của NDRC sang lĩnh vực y học và tăng cường năng lực phát triển và thử nghiệm vũ khí.
Thông qua Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Khoa học, Bush cung cấp ngân sách lớn chưa từng có cho các nhà khoa học dân sự làm việc tại các trường đại học và phòng thí nghiệm của các công ty, giúp mở rộng và củng cố quan hệ của chính quyền liên bang với các cơ sở nghiên cứu đó. Với cơ chế chính là các hợp đồng nghiên cứu, Bush đảm bảo vai trò lớn hơn của các nhà khoa học so với trong các hợp tác trước đó với quân đội, khi họ hầu như chỉ là các cố vấn giúp định hướng ngân sách liên bang vào những dự án khoa học và công nghệ mà họ đánh giá có nhiều khả năng đem lại ưu thế chiến lược.
Khi chiến tranh kết thúc, OSRD đã chi gần nửa tỷ USD và ký 2300 hợp đồng nghiên cứu và phát triển với 321 công ty khác nhau và 142 tổ chức thuộc các trường đại học và tổ chức phi lợi nhuận. Các hợp đồng ưu tiên rõ rệt miền Đông Bắc công nghiệp hóa và các trung tâm đại học xuất sắc truyền thống. Bốn đối tác được tài trợ nhiều nhất là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Viện Công nghệ California (Caltech), Đại học Harvard và Đại học Columbia; điều này cho thấy đường lối đỡ đầu mà OSRD thực hiện và giúp củng cố trong thời hậu chiến1.
OSRD điều phối các nghiên cứu dẫn đến việc sử dụng chiến thuật ra-đa sản xuất penicillin và phát triển bom nguyên tử. Tóm tại, nó cách mạng hóa mối quan hệ giữa nền khoa học Mỹ và nhà nước. Bằng việc chứng minh tầm quan trọng của tài trợ liên bang cho nghiên cứu khoa học, OSRD thắt chặt mối quan hệ tài chính giữa trường đại học, công nghiệp, và chính phủ. Thành công của OSRD làm hài lòng các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý, và họ bắt đầu vận động để tài trợ liên bang được tiếp tục sau chiến tranh.
Alan Waterman, giám đốc đầu tiên của NSF.
Những tầm nhìn đối lậphậu chiến
Bush và các nhà khoa học hàng đầu của OSRD không phải những người duy nhất có tầm nhìn ủng hộ tài trợ liên bang cho nghiên cứu khoa học. Hai năm 1942 và 1943, Harley Kilgore, thượng nghị sỹ đảng Dân chủ của bang West Virginia làm việc trong Ủy ban Các vấn đề Quân sự (Military Affairs Committee) của Thượng viện Mỹ, trình hai dự luật kêu gọi thành lập một cơ quan về huy động khoa học và công nghệ. Dù bản thân không phải một nhà khoa học, Kilgore tin rằng nước Mỹ cần tăng cường tài nguyên khoa học để phục vụ quốc phòng. Hai dự luật của ông phác thảo một cơ quan liên bang mới với vai trò cung cấp ngân sách và định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ, điều phối các nghiên cứu cả của nhà nước lẫn tư nhân, tham gia vào các hoạt động quốc tế, và thúc đẩy đào tạo các nhà khoa học tương lai.
"Chỉ có chính phủ Mỹ mới có thể tạo ra lực đẩy cho nghiên cứu một cách tức thời. Bằng không, chi tiêu cho nghiên cứu ở các trường đại học và các viện nghiên cứu không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội dành cho nghiên cứu”.
Hai dự luật của Kilgore đều dừng lại ở ủy ban, nhưng tầm nhìn của ông về chính sách khoa học hậu chiến khiến Bush giận dữ. Trong một bức thư dài 12 trang gửi vị thượng nghị sỹ, Bush đưa ra các luận điểm phản đối của ông đối với dự luật của Kilgore. Sự chỉ trích lớn nhất nhằm vào nhận thức quá hạn hẹp của dự luật của Kilgore đối với lợi ích của khoa học và công nghệ cho xã hội. Ông cho rằng dự luật của Kilgore thúc đẩy khoa học nhân danh sự chuẩn bị về mặt quân sự, với cái giá là mục đích chính của khoa học: “để làm tăng tri thức và sự hiểu biết của con người… [và] mở rộng hiểu biết về môi trường nơi chúng ta sinh sống, và nhận thức của chúng ta về hệ thống rộng lớn và phức tạp của tự nhiên bao quanh ta2.”
Phê phán về dự luật của Kilgore giúp Bush định hình tầm nhìn của ông về chính sách khoa học hậu chiến. Ông trình bày các ý tưởng của mình trong một báo cáo vào tháng 7 năm 1945 với tiêu đề Khoa học – Ranh giới vô biên (Science – The endless frontier), để trả lời yêu cầu của Tổng thống Franklin Roosevelt về một kế hoạch để kéo dài thành công của OSRD sang thời bình. Đề xuất quan trọng nhất của ông là việc thành lập một quỹ nghiên cứu quốc gia.
Trong bản báo cáo, Bush giải thích một cách thuyết phục lý do chính phủ liên bang cần tài trợ nghiên cứu khoa học cơ bản trong thời hậu chiến. Cuộc chiến đã tàn phá các trung tâm tri thức ở châu Âu, vốn vô cùng quan trọng trong việc đào tạo các nhà khoa học thế hệ Bush. “Chúng ta không thể tiếp tục coi châu Âu điêu tàn là một nguồn tri thức cơ bản,” ông viết. “Trong quá khứ, chúng ta cống hiến nhiều công sức nhất vào việc áp dụng những tri thức được khám phá ở nước ngoài. Trong tương lai, chúng ta cần ngày càng quan tâm đến việc tự khám phá những tri thức này, đặc biệt bởi những ứng dụng khoa học trong tương lai sẽ phụ thuộc hơn bao giờ hết vào những tri thức cơ bản đó3.” Theo Bush, để đạt được mục tiêu đó, các trường đại học và các nhà khoa học Mỹ cần thêm nhiều tài nguyên, và những tài nguyên đó chỉ có thể đến từ chính phủ liên bang. “Nghiên cứu ở Mỹ cần lực đẩy mới. Chỉ có chính phủ mới có thể tạo ra lực đẩy đó một cách tức thời. Bằng không, chi tiêu cho nghiên cứu ở các trường đại học và các viện nghiên cứu không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội dành cho nghiên cứu4.”
Không hỏi ý kiến Kilgore, Bush sắp xếp để Warren Magnuson, thượng nghị sỹ đảng Dân chủ của bang Washington, trình một dự luật dựa trên các ý tưởng trong Khoa học – Ranh giới vô biên. Thứ năm ngày 19 tháng 7 năm 1945, Magnuson trình dự luật S.1285, do OSRD soạn thảo dưới sự hướng dẫn của Bush. Kilgore được cho là cảm thấy bị “đâm sau lưng” bởi nước đi của Bush phá hỏng công sức của ông. Kilgore trình một dự luật mới, S.1297, ngay thứ hai tuần sau đó5. Sân khấu đã được dựng, bắt đầu một cuộc tranh luận luật pháp kéo dài gần năm năm. Các bất đồng chính xoay quanh các quyền liên quan đến bằng sáng chế của nghiên cứu do chính phủ tài trợ, tài trợ cho khoa học xã hội, tính đa dạng về mặt địa lý của phân bổ tài trợ, và sự kiểm soát chính trị đối với hoạt động của quỹ6.
Các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ NSF vì lo sợ thua kém Liên Xô, đặc biệt là sau khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik 1. Ảnh: Bản sao của Sputnik 1 (phải) và một con tem Liên Xô năm 1957 (trái).
Đạo luật Quỹ Khoa học Quốc gia được Truman ký năm 1957 thể hiện một thỏa hiệp giữa hai phe. Nó kêu gọi thành lập một tổ chức mới với mục đích phát triển một chính sách quốc gia để thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và giáo dục trong khoa học tự nhiên. Cơ quan này có ba nhóm chức năng chính: tài trợ nghiên cứu khoa học cơ bản, tài trợ giáo dục khoa học, đánh giá và trao đổi nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học. Đứng đầu NSF sẽ là một giám đốc do tổng thống bổ nhiệm, vị này sẽ chia sẻ việc lập kế hoạch và đưa ra quyết định với Ban Khoa học Quốc gia (National Science Board), một cơ quan tư vấn mới, gồm 24 đại biểu từ cộng đồng khoa học.
Có cần một chính sáchquốc gia cho khoa học?
NSF ra đời trong một bối cảnh phức tạp về nghiên cứu và phát triển công ở Mỹ, vốn lệch hẳn về phía các nghiên cứu tập trung vào an ninh quốc gia. Tại thời điểm NSF được thành lập, Bộ Quốc phòng và Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (Atomic Energy Commission – AEC) chiếm 90% trong ngân sách liên bang 1 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển năm 1949–1950. Mặc dù Bush hy vọng NSF trở thành cơ quan trung tâm trong chính phủ liên bang về nghiên cứu y học và quân sự, những cơ quan khác vẫn tiếp tục tham gia. Các đơn vị quân đội tiếp tục các chương trình nghiên cứu cơ bản riêng của họ; AEC và Cơ quan Nghiên cứu Hải quân (Office of Naval Research) tiếp tục tài trợ cho khoa học cơ bản liên quan đến nghiên cứu hạt nhân và nhu cầu vận hành của hải quân Mỹ; Viện Y tế Quốc gia (National Institute of Health) trở thành nhà bảo trợ chính cho nghiên cứu y học. Sự cạnh tranh đó, cùng với sự bùng nổ của Chiến tranh Triều Tiên, khiến cho NSF non trẻ chỉ nhận được một ngân sách ban đầu ít ỏi. Quốc hội Mỹ chỉ duyệt 225000 USD (tương đương 2,4 triệu ngày nay) cho NSF trong năm tài chính 1951.
Người được giao việc tuyển dụng và xây dựng bộ máy hoạt động của NSF với ngân sách eo hẹp đó là Alan Waterman, một nhà quản lý khoa học kinh nghiệm, từng làm việc cho Bush ở NDRC và từng là giám đốc khoa học đầu tiên của Cơ quan Nghiên cứu Hải quân sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc. Mái tóc ngắn bạc trắng, mặt vuông vức và dáng thể thao rắn chắc, Waterman 58 tuổi khi được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của NSF. Trong 12 năm – nhiệm kỳ giám đốc dài nhất trong lịch sử NSF cho đến nay, Waterman cẩn thận dẫn dắt sự phát triển của quỹ, đưa ra những quyết định góp phần định hình không chỉ sự phát triển của quỹ mà cả bức tranh tài trợ liên bang cho nghiên cứu dân sự.
Đạo luật NSF đặt ra chính sách khoa học và vai trò đánh giá [các nghiên cứu khoa học] của quỹ mới ra đời. Waterman đã thận trọng để không ôm đồm quá nhiều, quá vội vàng. Trong vài năm đầu của NSF, Waterman phối hợp chặt chẽ với Cục Ngân sách (Bureau of the Budget) để xác định phạm vi và tổ chức của quỹ. Cục Ngân sách, tiền thân của Cơ quan Quản lý và Ngân sách (Office of Management and Budget), được giao nhiệm vụ thực hiện các chiến lược của tổng thống thông qua việc đưa ra các chỉ thị về tổ chức cho các cơ quan chính phủ, và xác định thứ tự ưu tiên cho ngân sách. Các thành viên nhiều ảnh hưởng của cục quan tâm đến sự nở rộ của các chương trình nghiên cứu cơ bản ở nhiều cơ quan khác nhau và ở Bộ Quốc phòng. Họ coi NSF như một cơ hội để kiểm soát các chương trình liên bang về nghiên cứu và phát triển, và loại bỏ khả năng có các nghiên cứu trùng lặp bằng cách tập trung việc kiểm soát và đánh giá vào một cơ quan duy nhất.
Tuy nhiên, Waterman và Ban Khoa học Quốc gia nhận thức được rằng cơ quan non trẻ này sẽ gặp khó khăn lớn trong vận hành nếu Cục Ngân sách thành công trong việc dồn cho nó gánh vác một nhiệm vụ khổng lồ là điều phối và đánh giá toàn bộ các chương trình quốc gia về nghiên cứu và phát triển. Điều đó sẽ khiến NSF phải yêu cầu thông tin chi tiết về thứ tự ưu tiên tài trợ và năng lực nghiên cứu của mọi chương trình liên bang hiện có về khoa học. Họ lập luận rằng quỹ không có quyền hạn pháp lý để đánh giá và chỉ đạo các cơ quan ngang hàng, và những trách nhiệm đó thuộc thẩm quyền trực tiếp của Cục Ngân sách. Waterman cũng không đồng tình với Cục Ngân sách về mức độ kiểm soát của NSF đối với phương hướng của chính sách khoa học Mỹ. “Những người khăng khăng đòi hỏi chính sách phải là sản phẩm hoàn thiện dưới dạng một tuyên ngôn hay sắc lệnh không hiểu bản chất của chính sách trong lĩnh vực khoa học,” ông viết [sau này] trong một bài nhìn lại cho tạp chí Science. “Để thực hiện được, chính sách cần được phát triển trên cơ sở kinh nghiệm; hơn nữa, nó cần xét đến các nguyên lý nền tảng thiết yếu cho hiệu quả nghiên cứu trong khoa học8.”
Dưới sự lãnh đạo của Waterman, sự vận hành và việc xây dựng chính sách của quỹ được tổ chức xung quanh niềm tin rằng các nhà khoa học, chứ không phải các cơ quan chính phủ hay các nhà quản lý, là những người biết rõ nhất cách tổ chức và tiến hành nghiên cứu khoa học. Do đó, quy trình đánh giá đề cương và duyệt tài trợ của quỹ dựa vào chuyên môn và tư vấn của các nhà khoa học, được thu thập qua các hội đồng trực tiếp hoặc phản biện gửi qua đường bưu điện. Cách xây dựng chính sách của NSF cũng dựa vào thông tin từ cộng đồng khoa học và các nghiên cứu chính sách cũng như thăm dò thống kê kỹ lưỡng nhằm đưa ra những khuyến nghị chung. Một thí dụ quan trọng về cách tiếp cận này trong thời kỳ đầu là quyết định của quỹ về việc hỗ trợ phát triển và vận hành các cơ sở nghiên cứu quốc gia.□
(Còn tiếp)
-----
Tài liệu tham khảo:
1. . Owens, Bus. Hist. Rev. 68, 515 (1994), p. 565.
2. uoted in M. Lomask, A Minor Miracle: An Informal History of the National Science Foundation, NSF (1976), p. 40.
3. . Bush, Science—The Endless Frontier: A Report to the President on a Program for Postwar Scientific Research, NSF (1945; reprint, 1990), p. 22.
4. ef. 3, p. 22.
5. ef. 2, p. 44.
6. . M. England, A Patron for Pure Science: The National Science Foundation’s Formative Years, 1945–57, NSF (1982); M. Solovey, Shaky Foundations: The Politics-Patronage-Social Science Nexus in Cold War America, Rutgers U. Press (2013).
7. . Waterman, Science 131, 1341 (1960), p. 1342.