Các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Thụy Điển đã phát hiện hóa thạch tảo đỏ có niên đại 1,6 tỷ năm tuổi. Phát hiện này được công bố trên tạp chí PLOS Biology ngày 14 tháng 3 vừa qua. Hóa thạch này cho thấy các sinh vật đa bào dường như đã bắt đầu tiến hóa sớm hơn 400 triệu năm so với mốc thời gian mà con người nghĩ.
Các nhà khoa học đã tìm thấy hai loại hóa thạch giống như tảo đỏ trong những lớp đá trầm tích ở Chitrakoot, miền trung Ấn Độ. Một hóa thạch có hình dạng mảnh, mẫu vật còn lại có cấu trúc dày dặn và phức tạp hơn. Chúng có niên đại tới 1,6 tỷ năm, vẫn còn nguyên vẹn, giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu cấu trúc phức tạp của tảo nguyên thủy.
“ADN của hóa thạch không còn nhưng dựa vào hình thái và cấu trúc của nó, có thể đoán đây là tảo đỏ", Stefan Bengtson, Giáo sư về cổ động vật học của Viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên Thụy Điển cho biết.
Dấu vết sớm nhất của sự sống trên Trái đất được cho là xuất hiện vào khoảng 3,5 tỷ năm trước, nhưng tồn tại dưới dạng hữu cơ đơn bào. Khoảng 600 triệu năm sau đó, các nguyên sinh vật mới xuất hiện. Sự xuất hiện của các nguyên sinh vật có ảnh hưởng rất lớn đến sự tiến hóa của các sinh vật phức tạp bao gồm thực vật và động vật.
Bằng chứng mới cho thấy các sinh vật đa bào dường như bắt đầu tiến hóa sớm hơn đến 400 triệu năm so với mốc thời gian mà con người từng nghĩ. Bởi trước đó, hóa thạch tảo đỏ lâu đời nhất từng được tìm thấy chỉ có niên đại 1,2 tỷ năm.
Giáo sư Bengtson cho rằng sự xuất hiện của các hóa thạch này có thể khiến giới chuyên gia phải xem xét lại giả thuyết về lịch sử sự sống trên Trái đất.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính hiển vi để chụp các lớp bên trong hóa thạch. Trong tế bào của các hóa thạch này, các nhà khoa học tìm thấy lục lạp, thành phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp của thực vật. Họ cũng tìm thấy cấu trúc khác biệt và tập trung ở trung tâm của mỗi tế bào, điển hình của tảo đỏ.
Mai Lan (Theo Science Daily)