Vừa qua, tại Saigon Innovation Hub (SIHUB - TP. HCM), đã diễn ra một buổi trao đổi khá thú vị và sôi nổi giữa các chuyên gia và doanh nghiệp cùng báo giới. Đó là sự kiện “Cách vượt qua ‘nỗi đau’ của doanh nghiệp startup”, do trường doanh nhân Bizlight và SIHUB đồng tổ chức.

Các diễn giả tham gia chương trình gồm Tiến sĩ – Luật sư Bùi Quang Tín, CEO trường doanh nhân Bizlight; ông Lâm Hữu Khánh Phương, nhà sáng lập Vườn ươm Uni Incubator và bà Phạm Lan Khanh, nhà sáng lập công ty FreelancerViet.

Ông Lâm Hữu Khánh Phương, TS. LS Bùi Quang Tín và bà Phạm Lan Khanh.
Ông Lâm Hữu Khánh Phương, TS. LS Bùi Quang Tín và bà Phạm Lan Khanh.

Khởi nghiệp: không chỉ có một… nỗi đau

Buổi trò chuyện diễn ra cởi mở ngay từ đầu, khi bà Phạm Lan Khanh chia sẻ về những bước đi đầy khó khăn của nhóm sáng lập FreelancerViet. Bà Lan Khanh cho biết: “Lúc khởi nghiệp cách đây 5-6 năm, cả doanh nghiệp lẫn khách hàng của chúng tôi vẫn còn lạ lẫm với cụm từ freelancer (người làm việc tự do – PV). Vậy nên ngay từ đầu, mục tiêu tạo nên sản phẩm phù hợp với khách hàng của chúng tôi đã gặp thử thách. Một bài toán tiếp theo: làm thế nào để thu phí môi giới nhân sự, khi mà người Việt thường không có thói quen trả tiền môi giới? Vậy là từ đầu, mô hình kinh doanh và sản phẩm đã gặp thử thách không nhỏ. Chúng tôi đã thử mô hình thu phí trước, đồng thời điều chỉnh rất nhiều về gói dịch vụ nhân sự. Sau 6 tháng, khi doanh thu ổn định và có chiều hướng tăng, tôi mới thở phào nhẹ nhõm là mình đi đúng hướng.”

Thế nhưng khó khăn của những bước đầu đâu chỉ dừng lại ở đó. Bà Lan Khanh tiếp tục kể: “Không chỉ vấp phải vấn đề về mô hình, tôi còn mắc sai lầm khi làm ứng dụng trên điện thoại di động (mobile app) cho FreelancerViet. Trong khi đó, thói quen sử dụng dịch vụ của freelancer lại là trên… máy tính, thế nên app được tạo ra cũng không hiệu quả. Vậy là thêm một lần rút kinh nghiệm cho công ty.”

Tuy nhiên, chặng đường đầu tiên của FreenlancerViet cũng không chỉ trải đầy cam go. Cũng có những thắng lợi bước đầu, như đã tạo ra được một cộng đồng trên mạng xã hội Facebook khá gắn kết và thường xuyên có nhiều hoạt động tích cực. “Tôi cho rằng đó là một thành công về mặt marketing với FreelancerViet”, bà Khanh nói
.
Từ góc nhìn chuyên gia, TS Bùi Quang Tín cho rằng việc thành công của bà Lan Khanh đã cho thấy truyền thông và sản phẩm phải có sự song hành: “Truyền thông mạnh thì sản phẩm cũng phải tốt. Facebook group đang là một hướng truyền thông vừa tiết kiệm chi phí, vừa hiệu quả cao. Trường doanh nhân Bizlight cũng rút ra những kinh nghiệm tương tự với doanh nghiệp của chị Khanh.”

Khởi đầu từ vai trò một giảng viên công nghệ thông tin, đến nay, qua chặng đường khởi nghiệp với 5 công ty công nghệ, ông Lâm Hữu Khánh Phương cũng có nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Ông cho biết, hiện nay các công ty startup công nghệ tại Việt Nam đều gặp tình hình chung là đối phó với bài toán chảy máu chất xám, mất nhân tài. “Một khi doanh nghiệp khởi nghiệp mới mở ra, chưa có nhiều tiền, thì giai đoạn từ sáu tháng đến một năm đầu là rất khó khăn. Có nhiều anh em đã chia tay tôi trong giai đoạn đó vì không chịu nổi sức ép, trong khi có thể tìm được nhiều việc với thu nhập cao hơn từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc công ty nước ngoài”, ông Phương trải lòng.

“Nhưng cũng từ đó mà chúng ta thấy một thực tế, đó là nhân sự công nghệ thông tin của Việt Nam rất dồi dào và thông minh, có thể làm được nhiều việc. Để có mức thu nhập cao trong ngành là không khó, nếu có đủ trải nghiệm. Câu hỏi tiếp theo, đó là bạn chọn đi làm thuê hay khởi nghiệp?”

Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hiện là một trong số ít ỏi vườn ươm hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. - Ảnh: internet
Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hiện là một trong số ít ỏi vườn ươm hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. - Ảnh: internet

Nan giải bài toán nhân sự

Đã có nhiều câu hỏi được các cử tọa đặt ra cho ba vị khách mời, chủ yếu xoay quanh vấn đề nhân sự cho startup.

Theo ông/ bà, đối với công ty khởi nghiệp, nên tuyển dụng nhân sự chi phí cao hay thấp?
Ông Lâm Hữu Khánh Phương: Tôi nghĩ doanh nghiệp luôn cần cân nhắc giữa bốn thành tố quan trọng, đó là: tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ và sự học hỏi. Do đó, nếu vấn đề tài chính bị đặt nặng, làm suy yếu các thành tố còn lại, đó là lúc chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng.

Bà Phạm Lan Khanh: Nếu nhân sự giỏi, đủ khả năng tạo ra sự thay đổi trong sáu tháng, tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, và doanh nghiệp có đủ khả năng chi trả thì theo tôi cứ tiến hành. Điều này dẫn đến một câu hỏi khác, đó là liệu doanh nghiệp của bạn có đang bị áp lực về thời gian không? Nếu có, cần phải có nhân sự giỏi để chạy dự án. Nếu không, bạn có thể nghĩ nhiều hướng khác.

Ông Bùi Quang Tín: Nhân sự tốt thì còn phải cân nhắc xem nên đặt ở vị trí nào, thời điểm nào thì phù hợp? Có trường hợp nhân sự giỏi được đưa vào công ty nhưng không làm gì ngoài… cãi nhau với sếp. Như vậy, vấn đề văn hóa doanh nghiệp và sự phù hợp quan trọng hơn việc tuyển người giỏi. Nên đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu.

Chúng tôi là một công ty startup đã phát triển được ba năm, tới nay nhiều nhân viên đã không còn hăng hái như ngày đầu. Làm sao để người cũ sẵn sàng chỉ dạy cho người mới và làm thế nào tạo động lực cho nhân viên?

Ông Lâm Hữu Khánh Phương: Tôi nghĩ doanh nghiệp của bạn nên chú tâm vào hệ quản trị tri thức, tức là các nhân viên cần quy trình hóa các hoạt động trong công ty và chia sẻ trên nguồn tài nguyên nội bộ. Từ đó, việc đào tạo nhân viên mới cũng không gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Bà Phạm Lan Khanh: Nếu các vấn đề xuất phát từ thái độ của nhân viên, có lẽ bạn nên quan tâm nhiều hơn đến văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa tốt tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động của doanh nghiệp, nhân viên cũng có thể dễ duy trì động lực hơn.

Tham dự hội thảo, thạc sĩ – chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cũng cho biết, theo ông, nhiều doanh nghiệp chủ cần phải học quản trị doanh nghiệp trước khi khởi nghiệp. “Thế hệ doanh nghiệp 4.0 của Việt Nam phải khác các thế hệ trước đó 10, 20 năm,… Cần tìm hiểu sâu về các nền tảng mới và có sự học hỏi từ những người thành công”, ông Dũng chia sẻ.