Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra dấu tích của những con khủng long con đầu tiên đến từ Úc. Hóa thạch xương của chúng được phát hiện tại một số địa điểm dọc theo bờ biển phía nam Victoria và vài nơi gần thị trấn hẻo lánh Lightning Ridge ở New South Wales.
Kích thước hóa thạch xương đùi của một con khủng long chân chim đến từ Victoria so với đồng 1 đô la Úc. Nguồn ảnh:Justin Kitchener
Trong số hóa thạch được tìm thấy, có một số xương rất nhỏ, chúng có thể đến từ những chú khủng long con vẫn còn trong trứng. Mẫu xương lớn hơn một chút có thể bắt nguồn từ những con khủng long mới nở còn đang ở trong tổ.
Phát hiện trên được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu cổ sinh học từ trung tâm nghiên cứu khoa học Palaeoscience tại Đại học New England và trung tâm Opal Úc ở Lightning Ridge.
Hóa thạch xương khủng long nói trên thuộc về loài khủng long chân chim thân nhỏ hai chân thuộc nhóm ăn cỏ nặng khoảng 20kg khi trưởng thành, tương tự như loài Weewarrasaurus được phát hiện gần đây bởi các thành viên cùng nhóm tại Lightning Ridge. Để so sánh, khủng long con chỉ khoảng 200g khi chúng chết, nhẹ hơn trọng lượng của một cốc nước.
Trong khi trứng không được tìm thấy, các nhà khoa học đã sử dụng vòng sinh trưởng của xương, tương tự như vòng sinh trưởng trong thân cây, để ước tính tuổi của con vật. “Tuổi thường được được ước tính bằng cách đếm các vòng tăng trưởng, nhưng chúng tôi không thể làm điều này với hai mẫu vật nhỏ nhất đã mất đi chi tiết bên trong.” Justin Kitchener, một nghiên cứu sinh, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay. “Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã so sánh kích thước của những hóa thạch xương này với kích thước vòng sinh trưởng của khủng long Victoria. Từ kết quả so sánh có thể tin tưởng rằng những hóa thạch này là của khủng long ở giai đoạn tăng trưởng sớm, có thể là trước hoặc xung quanh thời điểm nở trứng.”
Bức tranh mô tả khủng long chân chim đang chăm sóc con non trong tổ của nó. Nguồn ảnh:Justin Kitchener
100 triệu năm trước, khi những con vật này được sinh ra, Úc gần với cực Nam hơn. Đông Nam Úc khi đó nằm trong khoảng từ 60° đến 70° nam, tương đương với vị trí Greenland hiện tại. Mặc dù khí hậu ở các vĩ độ này tương đối ấm hơn so với hiện nay, giống như một số loài chim cánh cụt ở Nam Cực, những con khủng long này đã phải chịu đựng mùa đông ảm đạm kéo dài và có thể phải đào hang hoặc ngủ đông để sống sót.
Vì chúng rất mỏng manh, vỏ trứng và xương nhỏ hiếm khi có thể trở thành hóa thạch. Tiến sĩ Phil Bell, một nhà nghiên cứu về cổ sinh vật học tại đại học New England, người nhận ra tầm quan trọng của hóa thạch xương nhỏ nói: “Chúng tôi có những mẫu hóa thạch khủng long gần Bắc Cực có kích thước giống như đang ở thời điểm gần nở, tuy nhiên đây là lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy loài vật này ở Nam bán cầu. Đó là manh mối đầu tiên chúng tôi có được về nơi loài vật này được sinh sản và nuôi con non.”
Nguồn: https://phys.org/news/2019-12-baby-dinosaurs-australia.html
Công Nhất theo phys.org