Chuyên khảo của David Hawkes nằm trong lịch sử vấn đề về ý luận trong các nghiên cứu đồng thuận với tư tưởng của Marx, cho nên cần được diễn giải dựa trên bối cảnh trí tuệ ấy.

1. Nhan đề chuyên khảo của David Hawkes, “Ideology”, được Xuân Huy dịch là “Ý hệ” là một khái niệm then chốt trong các khối học giả thừa nhận tư tưởng của Marx.

Khái niệm “Ideology” đã được phiên dịch sang tiếng Việt theo ít nhất sáu cách. Đầu thập niên 1940, Trương Tửu (1913 – 1999), một trí thức tiểu tư sản đến với chủ nghĩa Marx bằng cách tự học, đã diễn giải “ideology” là “tri thức hệ”. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khái niệm “ideology” lần lượt được dịch thành: “hệ tư tưởng”, “tư tưởng hệ”, “ý thức hệ”, “ý hệ”. Gần đây, nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng đề xuất dịch khái niệm này thành “ý luận”. Chúng tôi, trong bài điểm sách này, do thói quen, sẽ dùng “ý luận” tương đương với cách dịch “ý hệ” của dịch giả Xuân Huy.

Nội dung chuyên khảo của David Hawkes - Giáo sư Văn chương Anh tại Đại học Quốc gia Arizona, Mỹ - nằm trong lịch sử vấn đề về ý luận trong các nghiên cứu đồng thuận với tư tưởng của Marx, cho nên cần được diễn giải dựa trên bối cảnh trí tuệ ấy.

Khái niệm “ý luận” nổi tiếng nhất, trong bối cảnh trên, là lần xuất hiện trong nhan đề bản thảo của Marx và Engels, được viết trong hai năm 1845 – 1846, và lần đầu được xuất bản trong tiếng Đức năm 1932 bởi Viện Marx – Engels – Lenin tại Liên Xô: Hệ tư tưởng Đức: phê phán triết học hiện đại Đức qua các đại diện của nó là [Ludwig] Feurbach, [Bruno] Bauer và [Max] Stirner, và phê phán chủ nghĩa xã hội Đức qua các nhà tiên tri khác nhau của nó. Luận điểm cơ bản của tập bản thảo này được đặt ở hai câu đầu trong Lời nói đầu: “Cho đến nay, con người luôn luôn tạo ra cho mình những quan niệm sai lầm về bản thân, về mình hiện nay đang là như thế hoặc sau này sẽ là như nào. Họ đã xây dựng những quan hệ của họ căn cứ vào những quan niệm của họ về thần, về kiểu mẫu của con người, v.v… Những sản phẩm của bộ óc của họ đã trở thành kẻ thống trị họ.” [1]

Ý luận theo Marx và Engels, xét vậy, được diễn giải thành ý thức sai (false consciousness) có tính hệ thống trong toàn thể lịch sử của xã hội con người. Ý thức sai không phải sản phẩm bẩm sinh và tự nhiên của con người, bởi vì con người, với sự xuất hiện của các xã hội, đã thoát khỏi sự chi phối hoàn toàn do bản năng nơi các loài sinh vật khác, và được tạo nên trong sự tương tác hiện thực giữa người với người trong các xã hội, cùng kết quả của hoạt động ấy là những trầm tích lâu dài và kiên cố, hằn lên tâm trí con người. Những trầm tích này tự biểu hiện trong mọi phương diện của đời sống xã hội, đáng chú ý trong lịch sử phương Tây thời cận hiện đại và hiện đại ở những thành tựu cao về mặt trí tuệ: nghệ thuật, tôn giáo, khoa học, triết học.

Các nhân vật mà Marx và Engels phê phán trong tập bản thảo Hệ tư tưởng Đức là những biểu hiện của ý thức sai trong bối cảnh xã hội Phổ bấy giờ. Marx, sau tập bản thảo này, đã dành gần 40 năm tiếp theo để nghiên cứu một biểu hiện khác của ý thức sai thời tư bản chủ nghĩa, đó là lịch sử và cấu tạo của khoa kinh tế chính trị học tư bản chủ nghĩa. Dự án của Marx bắt đầu từ các nhà kinh tế chính trị thời Phục hưng, với tư cách những đại diện trong thời tích lũy tư bản nguyên thủy, giai đoạn làm tiền đề vật chất và tinh thần cho sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Ông, dẫu vậy, đã không thể hoàn thành dự án lớn đó. Tác phẩm được coi là tập IV của bộ Tư bản, được tạo nên từ di cảo của Marx, Các học thuyết về giá trị thặng dư, chỉ xét các nhà kinh tế chính trị từ thế kỷ 18. Dự án của Marx đã được tiếp tục theo nhiều cách bởi các học giả theo tư tưởng của ông.

2. Chuyên khảo của David Hawkes, được xuất bản lần đầu vào năm 1996, cũng giống với các nghiên cứu của những học giả Marxist, được rọi sáng trong bối cảnh trên. David Hawkes viết, “Thuật ngữ “ý hệ” thường được sử dụng để chỉ một ý thức sai lầm có hệ thống” (tr. 20), và ông nghiên cứu kích thước lịch sử của ý luận cùng một số bước ngoặt phức tạp của nó.

Cuốn sách do Thư Hiên Dịch Trường và NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2022, dày 404 trang. Nguồn: Thư Hiên Dịch Trường
Cuốn sách do Thư Hiên Dịch Trường và NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2022, dày 404 trang. Nguồn: Thư Hiên Dịch Trường

Các thời kỳ, tự biểu hiện thành các khuôn khổ triết học và khoa học, được ông khảo sát trong bảy chương sách. Chương 1: “Những nguồn gốc”, từ thời Hy Lạp cổ tới thời Phục hưng. Chương 2: “Thuyết duy nghiệm”, có thể dịch là kinh nghiệm luận, điều tra một học thuyết Anh và Pháp từ thế kỷ 17 và 18. Chương 3: “Thuyết duy tâm”, hoặc lý tưởng luận, diễn ra từ thế kỷ 17 tới 19. Chương 4: “Chủ nghĩa Marx”, bao gồm thời kỳ của hai nhà kinh điển Marx và Engels, cùng ba đại diện xuất sắc trong nửa đầu thế kỷ 20 là Lenin, Lukacs, Gramsci. Chương 5: “Chủ nghĩa Hậu – Marxist” là sự phản ứng lại chủ nghĩa Marx kinh điển. Chương 6: “Chủ nghĩa hậu hiện đại”. Chương 7: “Ý hệ sau ngày 11 tháng 9”, nghĩa là ý luận của thời đại toàn cầu hóa mãnh liệt, khi mà chủ nghĩa tư bản đã lan rộng về phương diện vật chất và tinh thần ra toàn thế giới.

David Hawkes tập trung nghiên cứu ý luận với tư cách ý thức sai có hệ thống, trước hết vào thời Phục hưng, với hai nhân vật là Niccolo Machiavelli (1469 – 1527) và Martin Luther (1483 – 1546), dựa trên tiền đề triết học của Aristotle (384 – 322 TCN). Lựa chọn của David Hawkes quả thật có tính chiến lược. Thời Phục hưng, mà ông là chuyên gia, là giai đoạn Marx trước đây mong muốn nghiên cứu, nhưng đã không thể thực hiện được. David Hawkes, xét vậy, có thể phần nào lấp vào khoảng trống mà dự án đồ sộ của Marx về lịch sử ý luận trong thời tích lũy tư bản nguyên thủy.

David Hawkes diễn giải ý luận, với tư cách ý thức sai được xây dựng dựa trên những trầm tích lâu dài và bền chặt do hoạt động thực tiễn giữa người với người trong xã hội, theo sự phân biệt của Aristotle giữa “tự nhiên” và “tự nhiên thứ hai” (second nature). “Tự nhiên” là những phẩm tính bẩm sinh trong bản thể con người, còn “tự nhiên thứ hai” là tập quán (custom), do đó đồng nghĩa với những trầm tích đã nêu ở trên. Ý thức sai vì vậy, theo diễn giải Aristotle của David Hawkes, có gốc từ tự nhiên thứ hai. Hai nhân vật thời Phục hưng mà David Hawkes lựa chọn, Machiavelli và Luther, hướng tới cùng một sự phản ứng với ý thức sai: nhận diện và cố gắng triệt tiêu một cách hiện thực nó.

Machiavelli, nhà lý thuyết về chính trị ủng hộ chế độ cộng hòa, ở trong thành phố thương mại Florence, bị chao đảo giữa hai lựa chọn chính trị là quân chủ hoặc cộng hòa. Ông đã chỉ ra một phương diện của ý thức sai trong lĩnh vực chính trị thời đó: “khuynh hướng người dân tôn sùng các phương thức hành vi trong quá khứ của mình, hay tập quán” (tr. 66). Người dân, nói cách khác, bị thôi thúc bởi những quán tính của tập thể họ, cản trở sự tiến bộ chính trị. Xét vậy, mọi mưu kế của ông trong Quân vương, dẫu bị đánh giá là xảo quyệt và bỉ ổi, là chiến lược để đương đầu với sự trì trệ của dân chúng. Ông đề xuất “cần phải có sự lừa dối thứ hai do người cai trị cố tình thúc đẩy, người này phải tiến hành đổi mới theo cách lừa người dân tin rằng sự đổi mới ấy chính là sự tiếp nối của thực tiễn đã được thiết lập” (tr. 66).

Nhân vật thứ hai, Martin Luther, cũng phải đối diện với tập quán lầm lỗi của cộng đồng Công giáo thời đó, trong bối cảnh Giáo hội La Mã đang tranh đấu chính trị với các thế lực khác: hợp thức hóa giấy chứng nhận giải tội cho Giáo hội ban cho có hiệu lực thiêng liêng. Hoạt động này dựa trên sự tôn sùng thái quá, hoặc nói theo Marx và Engels, sự bái vật giáo (fetishism) của con người đối với kết tinh sức lao động của con người, nghĩa là con người thay vì hướng tới Chúa thì suy đồi bằng việc tự sùng bái chính mình. Sự bái vật giáo này đã gây hư hỏng cho hệ thống Công giáo. Cho nên cần một cuộc cách mạng thần học về lý thuyết và thực tiễn, nhằm nghiêm khắc tự phê phán vấn đề này, và được kết tinh thành Tin Lành theo nhánh Luther. Cả Luther và Machiavelli đã cải tạo xã hội của hai ông nhằm đưa họ ra khỏi ý thức thức sai, theo hai cách khác nhau.

Nghiên cứu của David Hawkes về hai trường hợp Machiavelli và Luther là tham chiếu khởi đầu, để sau đó ông nghiên cứu những chặng đường của ý thức sai trong lịch sử phương Tây hơn 500 năm qua.


[1] Karl Marx & Friedrich Engels, Toàn tập, tập 3 (1845 – 1847), Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 1995, tr. 19.