Bố mẹ nào cũng muốn bảo vệ con nhưng đôi khi, cách xử lý của người lớn khiến đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường cảm thấy tồi tệ hơn, thậm chí mất niềm tin vào gia đình và bản thân.
Bắt nạt là hành vi cố tình và liên tiếp gây khó chịu, sợ hãi, đe dọa hoặc làm tổn thương người khác hoặc tài sản, danh tiếng, các mối quan hệ của người đó.
Bắt nạt biểu hiện ra ngoài dưới nhiều hình thức như trêu chọc, nói những điều ác ý; phớt lờ hoặc gạt một người ra khỏi các hoạt động chung và lôi kéo những người khác làm điều tương tự; đùa ác ý hoặc lan truyền tin đồn xấu; xô đẩy; làm hỏng đồ đạc của người khác hoặc đòi tiền họ. Bắt nạt có thể xảy ra ở trường học, câu lạc bộ, nơi làm việc hoặc trên mạng.
Mọi sự bắt nạt đều gây tổn thương, thậm chí dẫn đến tác hại lâu dài.
Với lứa tuổi học sinh, bắt nạt càng gây hệ quả nghiêm trọng bởi các em chưa có nhiều kỹ năng để ứng phó và hồi phục. Trẻ bị bắt nạt học đường có thể rơi vào tình trạng stress kéo dài, lo âu, sợ đến trường, thậm chí trầm cảm. Vì thế, bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ trẻ khỏi bắt nạt học đường cùng hệ quả của nó.
Dấu hiệu trẻ bị bắt nạt
Một số đứa trẻ có thể nói thẳng với bố mẹ về việc bị bắt nạt. Tuy nhiên, vài trẻ khác lại không. Trong trường hợp trẻ không cởi mở chia sẻ, bố mẹ hãy lưu ý những dấu hiệu cảnh báo bị bắt nạt như sau.
Dấu hiệu thực thể:
• Vết bầm tím, vết cắt, vết trầy xước
• Ăn ngủ kém
• Tè dầm
• Phàn nàn về các cơn đau đầu, đau bụng
• Quần áo rách, đồ đạc bị thất lạc
Dấu hiệu về hành vi:
• Từ chối đến trường
• Hay ở gần giáo viên hoặc ở một mình trong giờ nghỉ
• Không dám hỏi/trả lời câu hỏi trong giờ học
• Khó hoàn thành bài tập về nhà
• Dừng tham gia các hoạt động ngoại khóa
• Không liên lạc với các bạn cùng lớp sau giờ học
• Khó hoặc không có nhóm để cùng làm bài tập hoặc cùng chơi thể thao
• Hay xin tiền bố mẹ hoặc xin thêm đồ ăn, đồ dùng mang đến trường
Dấu hiệu về cảm xúc (thường rõ ràng hơn vào những thời điểm chuẩn bị quay lại trường, ví dụ như cuối tuần hoặc cuối kỳ nghỉ lễ):
• Lo lắng, căng thẳng bất thường
• Buồn bã, suy sụp, dễ khóc, hay tức giận
• Thu mình
Lưu ý, các dấu hiệu trên không khẳng định trẻ bị bắt nạt ở trường nhưng chúng cần được bố mẹ xem xét một cách nghiêm túc.
Những câu cha mẹ nên và không nên hỏi
Với quan niệm “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nhiều bố mẹ khi biết con bị bắt nạt học đường sẽ đặt câu hỏi “Con phải làm gì thì mới bị bắt nạt”. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là câu phụ huynh không nên nói ra với con bởi ba nguyên nhân. Thứ nhất, nó khiến trẻ cảm giác bố mẹ từ chối lắng nghe, phán xét và phản bội niềm tin của mình. Thứ hai, nó cho trẻ suy nghĩ “mình là người có lỗi”.
Từ hai nguyên nhân này, trẻ vừa mất đi niềm tin vào gia đình, không muốn tâm sự với bố mẹ nữa; vừa hình thành cái nhìn tiêu cực về bản thân. Ở những trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể trở nên nghi ngờ tất cả mọi người xung quanh (vì nghĩ rằng đến bố mẹ còn không nghe mình thì không ai có thể nghe mình) và/hoặc nghĩ mình là kẻ tồi tệ, yếu kém, thậm chí không đáng tồn tại.
Không một ai muốn bị bắt nạt. Trẻ có thể chưa được tự tin hay còn yếu kỹ năng giao tiếp, nhưng chắc chắn các em không có lỗi khi trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường. Vì thế, nếu biết hoặc nghi ngờ con bị bắt nạt, bố mẹ hãy trở thành chỗ dựa vững chắc cho con bằng các cách sau:
Hỏi chuyện gì đã xảy ra:
Nếu trẻ chủ động tìm đến bố mẹ để chia sẻ về chuyện bắt nạt, hãy hỏi con chi tiết xem tình trạng này đã xảy ra từ bao giờ, xảy ra như thế nào và mức độ nghiêm trọng đến đâu. Nếu trẻ không chủ động chia sẻ nhưng bố mẹ phát hiện biểu hiện bất thường, hãy gợi mở và kiên nhẫn. Bạn có thể nói với trẻ: “Bố mẹ thấy con không ổn, nếu con muốn nói chuyện thì bố mẹ đây, con cứ nói cho bố mẹ nghe.” Lưu ý, cố gắng không thúc ép trẻ kể chuyện. Nhiều nạn nhân bị bắt nạt tự cảm thấy xấu hổ về bản thân bởi vậy thay vì gây áp lực, bố mẹ nên cho trẻ thấy bố mẹ luôn luôn ở bên con và sẽ đợi đến khi con sẵn sàng mở lòng.
Ghi nhận cảm xúc của con:
Bố mẹ nên là nơi an toàn cho trẻ và để trẻ tin vào điều đó, hãy ghi nhận mọi cảm xúc của con, dù là tích cực hay tiêu cực. Khi con kể chuyện, hãy lắng nghe và không phán xét. Tất cả các suy nghĩ, cảm xúc đều có nguyên nhân chính đáng. Đừng vội thêm ý kiến cá nhân của mình, đặc biệt là trong lúc trẻ đang xúc động bởi khi đó, trẻ không đủ khả năng tiếp nhận lời bố mẹ, thậm chí dễ hiểu sai ý người lớn. Bố mẹ có thể nói những câu như “À, ra thế”, “Con có lý do để cảm thấy thế”, “Chắc là chuyện đó đáng sợ lắm nhỉ” để thể hiện sự thấu hiểu với trẻ.
Nếu thấy con mất bình tĩnh trong khi chia sẻ, bạn có thể cùng trẻ hít thở vài nhịp hoặc đưa trẻ một cốc nước ấm/lạnh hay gợi ý trẻ ôm gối/gấu bông.
Hỏi con về hướng giải quyết:
Mỗi đứa trẻ sẽ muốn giải quyết tình trạng bắt nạt học đường theo một cách riêng. Có trẻ chỉ cần chia sẻ là đủ, nhưng cũng có trẻ muốn được chuyển lớp, chuyển trường. Để tìm ra cách phù hợp nhất, bố mẹ hãy thảo luận cùng con. Bạn nên lắng nghe từ góc nhìn của con trước, sau đó nếu thấy cách con đưa ra chưa phù hợp, hãy hỏi con “Liệu cách đó có thực sự tốt không”, “Liệu mình có thể làm khác đi một chút được không”, “Bố mẹ nghĩ như thế này sẽ tốt hơn”.
Hãy cập nhật tình hình:
Sau khi thống nhất và thực hiện cách giải quyết, bố mẹ nên tiếp tục cập nhật tình hình của con bằng cách chủ động hỏi chuyện trẻ. Bố mẹ cũng có thể nhờ cậy đến sự trợ giúp của nhà trường, đặc biệt là nhà tham vấn học đường (nếu có). Trường hợp trẻ không thích dịch vụ tham vấn học đường (thường do e ngại về vấn đề riêng tư) hoặc bố mẹ vẫn e ngại về sức khỏe tinh thần của con, hãy gợi ý con tìm đến các trung tâm tham vấn - trị liệu tâm lý chuyên nghiệp.