Kỹ thuật phân tích dữ liệu di truyền mới cho thấy ở thời điểm cách đây khoảng 900.000 năm chỉ có 1.280 người tiền sử còn sống sót.
Dân số của tổ tiên loài Homo sapiens bị suy giảm mạnh và duy trì ở mức cực thấp này trong suốt 117.000 năm sau đó, theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Science.
“Khoảng 98,7% tổ tiên loài người đã biến mất”, Haipeng Li, nhà di truyền học dân số tại Đại học Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, người đồng chủ trì nghiên cứu, nói. Li cho biết thêm hồ sơ hóa thạch về loài người ở châu Phi và châu Á trong khoảng thời gian từ 950.000 đến 650.000 năm trước rất rải rác và thưa thớt, và phát hiện mới về dân số cực ít ở thời điểm đó có thể giải thích lý do.
“Mức dân số này cũng có nghĩa là con người chỉ chiếm một khu vực rất cục bộ và cần sự gắn kết xã hội hiệu quả để tồn tại”, Nick Ashton, nhà khảo cổ học tại Bảo tàng Anh ở London, nhận xét. Điều đáng ngạc nhiên hơn là nhóm nhỏ chỉ hơn 1.000 người này đã sống sót qua khoảng 100.000 năm. "Nếu các số liệu này đúng thì con người khi đó đã có một môi trường ổn định, với đủ nguồn lực và ít áp lực", Ashton nói.
Theo phân tích di truyền, một loài người nguyên thủy chưa được biết đến gần như đã tuyệt chủng vào khoảng 900.000 năm trước. Loài này có thể vừa là tổ tiên của Homo heidelbergensis vừa là loài tổ tiên của Homo sapiens.
Những tiến bộ trong giải trình tự hệ gen đã đem lại nhiều thông tin về quy mô dân số giai đoạn từ sau khi Homo sapiens xuất hiện, dù vậy vẫn còn nhiều khoảng trống trong lịch sử tổ tiên loài người. “Chúng ta biết rất ít về biến động dân số của tổ tiên loài người thời kỳ đầu vì một số lý do, bao gồm hạn chế về phương pháp nghiên cứu và khó khăn trong việc thu thập dữ liệu DNA cổ xưa từ các mẫu vật Homo cũ”, Serena Tucci, nhà nhân chủng học tại Đại học Yale (Mỹ), cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã tái dựng các biến động dân số cổ đại dựa trên dữ liệu di truyền của người ngày nay. Bằng cách xây dựng một cây phả hệ di truyền phức tạp, họ có thể phân tích những nhánh nhỏ hơn của cây với độ chính xác cao hơn, xác định các sự kiện tiến hoá quan trọng.
Kỹ thuật này “làm nổi bật khoảng thời gian 800.000 đến một triệu năm trước, vốn vẫn còn nhiều điều chưa biết”, theo Stanley Ambrose, nhà nhân chủng học tại Đại học Illinois (Mỹ). Đây là khoảng thời gian nằm trong giai đoạn chuyển đổi giữa đầu và giữa kỷ Pleistocen, khí hậu biến đổi mạnh và các chu kỳ băng hà trở nên dài hơn và dữ dội hơn. Ở châu Phi, điều này dẫn đến hạn hán kéo dài. Li nói rằng khí hậu thay đổi có thể đã xóa sổ tổ tiên loài người và dẫn đến sự xuất hiện của những loài người mới. Sau đó, những loài này có thể đã tiến hóa thành tổ tiên chung cuối cùng của loài người hiện đại, người Denisovan và người Neanderthal.
Khoảng 813.000 năm trước, dân số tổ tiên loài người bắt đầu tăng trở lại. Vẫn chưa rõ một nhóm nhỏ hơn 1.000 người đã sống sót như thế nào cũng như lý do dân số tăng trở lại, theo Ziqian Hao, nhà di truyền học dân số tại Đại học Y khoa số 1 Sơn Đông và Học viện Y học Sơn Đông (Trung Quốc), đồng tác giả bài báo trên Science.
Tuy nhiên có thể thấy sự kiện nút thắt về dân số, khi dân số giảm mạnh rồi sau đó tăng trở lại, đã tác động quan trọng đến sự đa dạng di truyền của con người. Theo các nhà nghiên cứu, sự kiện này thúc đẩy nhiều đặc điểm quan trọng của con người hiện đại, chẳng hạn như kích thước não. Hao ước tính loài người đã mất 2/3 sự đa dạng di truyền trong giai đoạn này.
Ashton muốn những phát hiện này được củng cố bởi nhiều bằng chứng khảo cổ và hóa thạch hơn. "Các tác giả cho rằng nút thắt này là đợt suy giảm dân số trên phạm vi toàn cầu, nhưng số lượng các địa điểm khảo cổ bên ngoài châu Phi lại không cho thấy như vậy. Khả năng nút thắt chỉ mang tính khu vực cao hơn", Ashton nói.
Nguồn: