Cách đây hàng nghìn năm, con người đã điều chế xà phòng bằng cách nấu mỡ động vật với dung dịch kiềm để làm sạch quần áo và các đồ dơ bẩn khác.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo người dân “thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây” để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Nguyên nhân là do các chất hoạt động bề mặt trong xà phòng có khả năng loại bỏ mầm mệnh bám trên da, sau đó dòng nước sẽ cuốn trôi chúng.
Xà phòng không đắt và rất phổ biến. Nó là một loại hàng hóa tiêu dùng được sử dụng rộng rãi trong các hộ gia đình trên khắp thế giới. Tuy nhiên, hiện nay có ít người biết đến nguồn gốc và lịch sử phát triển của xà phòng, sản phẩm mà tất cả chúng ta dùng để làm sạch da của mình.
Người Lưỡng Hà cổ đại lần đầu tiên sản xuất xà phòng bằng cách nấu các axit béo [có trong mỡ bò, cừu hoặc dê bị giết mổ] cùng với nước và một chất kiềm, chẳng hạn như “Lye” – một chất ăn da có nguồn gốc từ tro gỗ. Cuối cùng, họ tạo ra một loại chất nhờn mùi hôi, có khả năng làm sạch đồ dơ bẩn.
Những mô tả sớm nhất về xà phòng được tìm thấy trong cuốn sách “Naturalis Historia” (Lịch sử tự nhiên) của học giả người La Mã Pliny the Elder. Ông xuất bản cuốn sách này vào năm 77 sau Công nguyên. Ông mô tả xà phòng như một sáp thơm làm từ mỡ động vật và tro, thứ mà những người Gaul sống ở châu Âu [đặc biệt là đàn ông] bôi lên tóc để biến nó thành màu hơi đỏ.
Người cổ đại sử dụng những loại xà phòng đầu tiên này để làm sạch len hoặc sợi bông trước khi dệt thành vải, thay vì vệ sinh cho con người. Ngay cả người Hy Lạp và La Mã, những người đi tiên phong trong việc sử dụng nhà tắm công cộng, cũng không dùng xà phòng vào mục đích vệ sinh cơ thể. Thay vào đó, đàn ông và phụ nữ ngâm mình trong bồn nước, sau đó thoa lên cơ thể bằng dầu ô liu có mùi thơm. Họ sử dụng một thanh kim loại hoặc cây sậy để kỳ cọ, loại bỏ dầu hoặc bụi bẩn còn sót lại trên da.
Đến thời Trung cổ, người ta điều chế xà phòng từ dầu thực vật. Loại xà phòng này có tính chất dịu nhẹ, tỏa ra mùi thơm. Đây là mặt hàng xa xỉ nên chỉ những người thuộc tầng lớp quý tộc ở châu Âu mới có đủ điều kiện mua nó. Nổi tiếng nhất trong số các loại xà phòng làm từ dầu thực vật là xà phòng Aleppo màu xanh lá cây. Thành phần của bánh xà phòng Aleppo bao gồm dầu ô liu trộn lẫn với dầu nguyệt quế. Xà phòng Aleppo được sản xuất chủ yếu ở Syria, sau đó quân thập tự chinh và thương nhân mang nó đến châu Âu.
Không lâu sau, phương pháp sản xuất xà phòng từ dầu thực vật lan truyền đến Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Anh. Các gia đình hoàng tộc ở châu Âu bắt đầu sử dụng rộng rãi xà phòng Jabon de Castilla [hay xà phòng Castile] điều chế từ dầu ô liu. Loại xà phòng này được đặt tên theo địa điểm sản xuất nó ở khu vực miền trung Tây Ban Nha. Xà phòng Castile nhanh chóng trở thành một thuật ngữ chung cho bất kỳ loại xà phòng cứng nào có nguồn gốc từ thực vật.
Trong thời kỳ thuộc địa hóa châu Mỹ vào những năm 1500 đến 1700, người châu Âu không tắm thường xuyên vì cho rằng nước là nguồn lây lan bệnh tật. Họ chủ yếu sử dụng xà phòng để làm sạch các đồ vật trong nhà, và công việc chế tạo xà phòng do phụ nữ đảm nhận.
Trong cuốn sách “Home Life in Colonial Days” (Cuộc sống gia đình trong những ngày thuộc địa) xuất bản năm 1893, tác giả Alice Morse Earle cho biết phụ nữ sẽ tích trữ chất béo từ việc giết mổ động vật, dầu mỡ nấu ăn và tro củi trong những tháng mùa đông. Đến mùa xuân, họ tạo ra dung dịch kiềm từ tro, sau đó đun dung dịch này với mỡ trong một cái ấm khổng lồ. Sản phẩm cuối cùng là một loại xà phòng mềm mà phụ nữ thường dùng để giặt những chiếc áo lanh.
Tại khu thuộc địa, người châu Âu bắt đầu cho xây dựng các nhà máy sản xuất xà phòng quy mô lớn, chẳng hạn như nhà máy Colgate có trụ sở tại New York vào năm 1807, nhà máy Procter & Gamble có trụ sở tại Cincinnati vào năm 1837. Tuy nhiên, thành phần của xà phòng và mục đích sử dụng của xà phòng gần như không thay đổi. Những người dân thuộc tầng lớp trung lưu vẫn tắm nhưng không dùng đến xà phòng.
Hoạt động sản xuất xà phòng khi đó là một phần mở rộng của hoạt động buôn bán mỡ động vật có liên quan chặt chẽ với việc làm nến. Tại nhà máy của công ty P&G, người lao động đun sôi dầu mỡ được thu thập từ các hộ gia đình, khách sạn và cửa hàng thịt trong những chiếc vạc lớn để làm nến và xà phòng. Đây là những sản phẩm mà họ sẽ bán ra thị trường.
Trong cuộc Nội chiến Mỹ (Civil War), các công ty bắt đầu sản xuất loại xà phòng dành riêng cho những người lính, giúp họ dễ dàng làm sạch cơ thể trên chiến trường thay vì chỉ dùng để giặt quần áo và làm sạch đồ vật. Không lâu sau đó, nhu cầu về xà phòng giá rẻ tăng mạnh trong dân chúng.
Các nhà sản xuất đã không ngừng cải tiến và đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm mới cho người tiêu dùng. Năm 1879, P&G giới thiệu xà phòng Ivory, một trong những loại xà phòng vệ sinh có mùi thơm đầu tiên ở Mỹ. Công ty xà phòng B.J. Johnson tiếp tục cho ra đời xà phòng Palmolive làm từ dầu ô liu và dầu cọ vào năm 1898. Đây là loại xà phòng bán chạy nhất thế giới vào đầu những năm 1900.
Các thành phần hóa học của xà phòng cũng bắt đầu thay đổi, mở đường cho sự ra đời của nhiều loại xà phòng hiện đại. Sau nhiều thập kỷ thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với dầu dừa, dầu cọ và dầu hạt bông, các nhà nghiên cứu tại P&G đã phát hiện chất béo hydro hóa có nguồn gốc thực vật vào năm 1909. Loại chất béo này đã cách mạng hóa việc sản xuất xà phòng bằng cách làm cho nó ít phụ thuộc hơn vào các phụ phẩm động vật.
Do thiếu chất béo và dầu để sản xuất xà phòng trong Thế chiến I và Thế chiến II, các nhà khoa đã điều chế thành công chất tẩy rửa tổng hợp như một sản phẩm thay thế cho xà phòng giặt và chất tẩy rửa đồ gia dụng có nguồn gốc từ chất béo.
Xà phòng thương mại ngày nay là những sản phẩm được nghiên cứu và phát triển trong phòng thí nghiệm. Thành phần của chúng bao gồm mỡ động vật tổng hợp, dầu thực vật, bazơ, kết hợp với các chất phụ gia hóa học (chất dưỡng ẩm, chất điều hòa, chất tạo bọt, chất tạo màu và mùi hương,…) để làm cho xà phòng hấp dẫn hơn đối với các giác quan của con người. Một số thành phần của sữa tắm thậm chí còn có nguồn gốc từ dầu mỏ.