Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV khám phá những điểm chung và khác biệt giữa Phật giáo và khoa học sau nhiều thập kỷ suy niệm và gặp gỡ với các nhà khoa học trong các lĩnh vực vật lý hạ nguyên tử, vũ trụ học, sinh học, khoa học thần kinh và tâm lý học.
Ông nói rằng con người hiện đại, bao gồm cả những vị đạo sư hay lãnh đạo tôn giáo, không thể bỏ qua những hiểu biết cơ bản về thuyết tiến hóa, thuyết tương đối và vật lý lượng tử.
Ngay từ thuở thiếu thời, Tenzin Gyatso được cho là hóa thân của những Lạt Ma và vì vậy được hưởng chế độ giáo dục đặc biệt của truyền thống Tây Tạng. Trong khi nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo hoài nghi về sự hợp tác giữa khoa học và tâm linh, Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV lại luôn đánh giá cao tác động qua lại giữa hai đối tượng này. Ông tỏ ra yêu thích khoa học từ nhỏ và luôn nỗ lực đi tìm giao điểm hoàn hảo giữa chúng.
Trong cuốn sách của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV khám phá những điểm chung và khác biệt giữa Phật giáo và khoa học; đó là kết quả của nhiều thập kỷ suy niệm và gặp gỡ với các nhà khoa học trong các lĩnh vực vật lý hạ nguyên tử, vũ trụ học, sinh học, khoa học thần kinh và tâm lý học. Ông nói rằng con người hiện đại, bao gồm cả những vị đạo sư hay lãnh đạo tôn giáo, không thể bỏ qua những hiểu biết cơ bản về thuyết tiến hóa, thuyết tương đối và vật lý lượng tử.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh, Phật giáo và các khoa học vật chất có giao diện to lớn với nhau trên nhiều mức độ triết lý, đều thăm dò bản chất về nguồn gốc của vũ trụ và bản chất tối hậu của vật chất. “Nếu sự nghiên cứu vốn bao gồm nhiều ngành học này diễn ra trong thế kỷ thứ 19, khi mà tưởng chừng Cơ học cổ điển đã đạt đến lời chung kết, thì việc so sánh với Phật giáo sẽ không đáng kể. Song, bởi do sự hình thành của thuyết tương đối và vật lý lượng tử, thì bản chất của vũ trụ vật lý và mối quan hệ với những phương cách mà các nhà khoa học nghiên cứu vũ trụ này đã phải được đánh giá lại một cách nền tảng.”
Cuốn sách bao gồm cả thảy 10 chương, mỗi chương đều đi qua những triết thuyết cốt lõi trích rút từ các kinh điển Phật giáo.
Chương 1 mang tên Quán chiếu thể hiện những suy tưởng của tác giả về tầm quan trọng của khoa học trên hành trình tìm kiếm sự thấu hiểu triệt để về bản chất thực tại. Theo quan điểm của ông, các nhà tu hành có thể rơi vào chủ nghĩa kinh điển (fundamentalism - chủ trương tin tưởng tuyệt đối vào kinh điển), nếu họ không tích hợp việc nghiên cứu khoa học vào thế giới quan của mình. Trong kỷ nguyên mới với thành phần thống trị là khoa học hiện đại, nếu muốn duy trì vị thế sẵn có như là một truyền thống thực nghiệm và tập luận truy cứu nghiêm cẩn, thì Phật giáo phải đối mặt với khoa học.
Ngược lại, tôn giáo cũng có thể giúp khoa học tránh rơi vào chủ nghĩa giản lược hay chủ nghĩa hư vô cứng nhắc, làm nghèo kiệt đi cách thức mà chúng ta nhìn nhận tự thân. Với nhãn quan của chủ nghĩa duy vật luận, con người bị quy giản thành những cỗ máy sinh học phức tạp, các sản phẩm của sự tình cờ đơn thuần trong tổ hợp ngẫu nhiên của các gen, bị điều phối hoàn toàn bởi những cưỡng bách sinh học. Tôn giáo, xét theo khía cạnh này, trở thành một bổ khuyết hoàn hảo của khoa học, giúp con người dò xét thêm nhiều khía cạnh về sự tồn tại của mình.
Xuyên suốt cuốn sách, Đạt Lai Mạt Ma XIV luôn chỉ ra tương giao giữa các quan điểm Phật giáo mấu chốt và các ý tưởng khoa học chính yếu. Câu nói nổi tiếng bậc nhất của ông cũng là một trích dẫn rút ra từ phần đầu cuốn sách này: “Nếu phân tích khoa học chứng minh một cách thuyết phục rằng các luận điểm Phật giáo nào đó là sai thì chúng ta phải chấp nhận phát giác đó của khoa học và từ bỏ các luận điểm này.”
Chương 3 - Tính Không, Thuyết Tương đối và Vật lý Lượng tử - vốn là một chương quan trọng bậc nhất cuốn sách. Tính Không là một ý niệm đặc trưng của đạo Phật; Thuyết Tương đối vừa là một khái niệm siêu hình vừa là một khái niệm khoa học; còn sự xuất hiện của vật lý lượng tử chính là hồi chuông báo tử của cơ học Newton cổ điển.
Một trong những tuệ giác quan trọng nhất trong Phật giáo đến từ điều được biết như là thuyết lý về tính Không. Giáo thuyết này chỉ ra rằng chúng ta thường coi mình như những thực thể tách biệt, có một cảm thức rõ ràng về bản ngã riêng biệt, độc lập với những thành tố tinh thần và vật chất đã cấu thành nên nó. Đó không chỉ là một sai sót nền tảng mà còn là cơ sở cho tham ái, bám chấp, và sự phát triển của nhiều loại thành kiến sai lầm. Thế giới quan sai lầm ấy được củng cố thêm bởi các hệ thống ngôn ngữ vốn mang tính định danh. Vật lý hiện đại đã thách thức hiểu biết thông thường của chúng ta: những dữ kiện về lưỡng tính sóng hạt của ánh sáng, khái niệm chồng chập lượng tử - tất cả đều nói cho chúng ta biết về một thế giới khác. Khoa học rõ ràng đang tiến gần hơn đến với các tuệ giác Phật giáo về tính Không và sự tương thuộc lẫn nhau.
Chương 4, Vụ nổ lớn và Vũ trụ Phật giáo không có khởi nguồn thảo luận về giả định rằng sự giãn nở của vũ trụ xuất hiện từ một vụ nổ vĩ đại. Đạt Lai Mạt Ma XIV đề cập một số truyền thống Phật giáo và Ấn Độ giáo. Phật giáo Tây Tạng bắt nguồn từ trường phái Phật giáo Đại thừa cho rằng vũ trụ của chúng ta là một trong vô số vũ trụ, không bao giờ định tĩnh, không có “bắt đầu” hay “kết thúc”. Trong vũ trụ học, các dữ liệu quan trắc thiên văn được sử dụng cùng với Thuyết Tương đối Tổng quát, tái hệ thống hóa trọng trường như là một dạng uốn cong của không-thời gian, đã cho thấy rằng vũ trụ của chúng ta chẳng những không vĩnh hằng mà cũng không tĩnh yên trong dạng hiện tại của nó. Vũ trụ đang tiến hoá và giãn nở liên lục. Phát hiện này tương hợp với hiểu biết trực giác cơ bản của các nhà thiên văn Phật giáo cổ đại, là những người đã nhận thức được rằng mọi hệ thống vũ trụ đặc trưng bất kỳ đều trải qua các giai đoạn hình thành, phát triển và sau cùng là hủy diệt.
“Sự thấu suốt của khoa học đã phong phú hóa nhiều khía cạnh của thế giới quan Phật giáo của tôi. Lý thuyết tương đối của Einstein với các thí nghiệm suy tưởng sống động của nó, đã cung cấp một kết cấu kiểm tra một cách thực nghiệm lên sự nắm bắt giáo thuyết Long Thọ về tính tương đối của thời gian. Bức tranh chi tiết lạ thường về động thái của các hạt hạ nguyên tử ở các mức khoảnh khắc đã làm rõ thêm giáo pháp của đức Phật về bản chất vô thường chóng vánh của vạn vật. Sự phát hiện về gen di truyền nêu bật thêm cho quan điểm Phật giáo về tính bình đẳng nền tảng của tất cả chúng sinh về tất cả chúng sinh,” ông viết.
Trong chương cuối, tác giả khẳng định khoa học gia thời này mang vác một trách nhiệm đạo đức đặc biệt: đảm bảo khoa học phụng sự cho các quyền lợi của nhân loại theo cách tốt nhất có thể. Ông kêu gọi sự hòa nhập tâm linh và các giá trị nhân bản vào các dòng chảy như vũ bão của khoa học và công nghệ - sự hợp nhất giữa trí tuệ và từ bi.