Những công trình thủy lợi của người La Mã cổ đại thường mang đặc điểm chung là thiết kế đơn giản nhưng hùng vĩ và có độ bền kinh ngạc. Cây cầu máng ở Segovia, Tây Ban Nha là một ví dụ điển hình.
Nằm cách thủ đô Madrid của Tây Ban Nha khoảng 100km về phía Tây Bắc, Segovia ban đầu là một khu định cư của người Celtic trước khi rơi vào tay quân đoàn chinh phạt La Mã (khoảng năm 80 TCN). Dưới sự cai trị của đế chế La Mã, Segovia đã vươn lên trở thành một thành phố thịnh vượng tại khu vực Hispania (bán đảo Iberian ngày nay, bao gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Andorra, một phần nhỏ của Pháp và lãnh thổ hải ngoại Gibraltar thuộc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).
Cầu máng Segovia được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ I (SCN) để dẫn nước từ sông Frío, nằm cách đó 17 km, tới thành phố; và nó đã thực hiện chức năng này suốt 2.000 năm, đến tận 1974. Càng ấn tượng hơn nữa nếu biết công trình đã được hoàn thành theo cách hết sức táo bạo: xếp chồng các khối đá granit lên nhau mà không cần đến vữa và giằng. Rất khó xác định chính xác tuổi của cây cầu, do hàng chữ khắc trên đá ghi lại thời gian xây dựng đã bị xói mòn. Nhưng nhiều bằng chứng khảo cổ học sau này cho thấy, có lẽ nó đã được vua Domitianus (trị vì từ năm 81 – 96) cho khởi công, và hoàn thành năm 98 dưới thời Traianus (98 – 117).
Nước từ trên núi cao được dẫn qua một kênh ngầm tới bể chứa lớn mang tên El Caserón (nghĩa là Ngôi nhà lớn), rồi đến một tháp nước gọi là Casa de Aguas (tức Ngôi nhà của nước). Sau khi trải qua quá trình gạn lọc tự nhiên để phần lớn cát lắng xuống, nước sẽ tiếp tục di chuyển qua cây cầu máng dài 728m tới khu vực quảng trường Plaza de Díaz Sanz rộng lớn. Tại đây, công trình trông đặc biệt nổi bật bởi những mái vòm kép cao được chống đỡ bởi các trụ trong một thế cân bằng độc đáo. Quyết định xây cầu mà không cần vữa có lẽ là do khu vực xung quanh Segovia thiếu nguồn đá vôi để làm xi-măng. Nhưng điều này cũng gián tiếp khiến kết cấu chịu lực của công trình trở nên linh hoạt hơn, giúp nó sống sót qua nhiều trận địa chấn lớn nhỏ.
Cầu được làm từ tổng cộng 20.400 khối granit có khối lượng trung bình khoảng 1 tấn, khối lớn nhất nặng tới 2 tấn. Nhiều giả thuyết cho rằng: các nhân công xây dựng La Mã đã kéo chúng lên cao gần 30m nhờ sự trợ giúp của cẩu gỗ do trên những khối đá có lỗ dấu lỗ đục. Ngoài ra, hầu hết các khối đá còn có cạnh được bo tròn – một phần là nguyên bản, còn lại là do hiện tượng phong hóa (quá trình phá hủy đất đá và các khoáng vật do tác động của thời tiết, chủ yếu là không khí, nước, ...) tăng cường theo thời gian.
Trong thời La Mã, trên ba mái vòm cao nhất của cây cầu có các hốc trưng bày tượng và bảng chữ bằng đồng cho biết tên của nhân vật được vinh danh. Ngày nay, người ta vẫn có thể nhìn thấy dấu tích của hai hốc, tương truyền là nơi đặt tượng thần Hercules – theo truyền thuyết là người sáng lập nên thành phố, và Đức Maria; hốc còn lại đặt tượng thánh tử đạo Stephen (phiên âm tiếng Việt là Stêphanô) nay đã không còn nữa.
Sẽ không hoàn toàn chính xác nếu nói cầu máng Savigo đã hoạt động liên tục suốt 2000 năm. Trong cuộc xâm lược của đế chế Hồi giáo Moor do Yahya ibn Ismail Al-Mamun lãnh đạo vào thế kỷ XI, có tới 36 vòm cầu đã bị phá hủy. Khi người Hồi giáo rút đi, nhiều khối đá làm cầu lại bị tháo dỡ để phục vụ mục đích xây dựng lại lâu đài cho Vua Alfonso VI (cai trị từ 1065 – 1109). Sang thế kỷ XV dưới chế độ Quân chủ Công giáo, nhiều phần bị tàn phá của cây cầu đã được phục dựng lại cẩn thận bằng cách chèn 36 vòm cầu mang phong cách Gothic mà không làm biến đổi kết cấu ban đầu. Đến đầu thế kỷ XIX, tất cả những khu nhà liền kề với cầu máng Savigo đều bị phá dỡ, tạo thuận lợi cho hoạt động sữa chữa và tôn tạo.
Mặc dù cầu máng Segovia thường được xem là một trong những công trình dẫn nước trên cao của người La Mã được bảo tồn tốt, nhưng thời gian qua nó đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng xói mòn, mục nát ở phần cầu cạn bên trên đã gây rò rỉ nước; trong khi ô nhiễm – chủ yếu là do khí thải từ các phương tiện – đã làm các khối granit xấu đi và nứt nẻ. Vì thế, Quỹ Di tích Thế giới (WMF) đã xếp cầu máng Segovia vào danh sách cần theo dõi đặc biệt kể từ năm 2006.
Dưới thời La Mã cổ đại, kiến trúc và kỹ thuật xây dựng đã phát triển đến đỉnh cao, với những đóng góp quan trọng cho nhân loại như thiết kế cung, mái vòm, phương pháp chế tạo xi-măng và bê-tông, … Trải qua 2000 năm, một số công trình của người La Mã hiện vẫn đứng vững. Ngoài ra, ý thức được tầm quan trọng của thủy lợi, đế chế La Mã đã cho xây dựng rất nhiều cây cầu máng dẫn nước. Nước sau khi đi qua cầu sẽ được tập trung vào các bể chứa và di chuyển theo đường ống tới khu vực đài phun nước công cộng, phòng tắm, nhà vệ sinh, hoặc các khu tiểu thủ công. |