Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có lẽ không nhiều người nghĩ rằng bệnh tật có thể là một động lực quan trọng của lịch sử loài người. Nhưng thực tế, các đại dịch trong quá khứ đã từng thay đổi sâu sắc thế giới quan của xã hội, thay đổi các cấu trúc kinh tế cốt lõi và thậm chí làm thay đổi cán cân quyền lực giữa các quốc gia.
Bệnh dịch và sự trỗi dậy của Cơ đốc giáo phương Tây
Bệnh dịch hạch Antonine và “người anh em song sinh” của nó, bệnh dịch hạch Cyprian - đều do một chủng bệnh đậu mùa gây ra - đã tàn phá Đế chế La Mã từ năm 165 đến năm 262. Người ta ước tính những đại dịch này đã giết chết khoảng một phần tư đến một phần ba dân số của đế chế khi đó.
Dù rất đáng kinh ngạc, số lượng người chết chỉ là một phần của câu chuyện. Hai đợt dịch bệnh liên tiếp đã làm thay đổi sâu sắc văn hóa tôn giáo của Đế chế La Mã.
Trước khi bệnh dịch hạch Antonine bùng phát, cư dân Đế chế La Mã theo tín ngưỡng đa thần. Đa số dân chúng thờ phụng nhiều vị thần và tin rằng mỗi con sông, cây cối, cánh đồng và các tòa nhà đều có linh hồn riêng. Cơ Đốc giáo, một tôn giáo độc thần có rất ít điểm chung với tín ngưỡng đa thần, chỉ có 40.000 tín đồ, không quá 0,07% dân số của Đế chế La Mã. Nhưng chỉ trong vòng một thế hệ sau khi bệnh dịch hạch Cyprian kết thúc, Cơ Đốc giáo đã trở thành tôn giáo thống trị trong đế chế.
Tại sao hai đại dịch trên lại ảnh hưởng nhiều đến sự biến đổi của tôn giáo như vậy? Trong tác phẩm “Sự trỗi dậy của Cơ đốc giáo”, Rodney Stark lập luận rằng hai đại dịch đã khiến Cơ Đốc giáo trở thành một hệ thống tín ngưỡng hấp dẫn hơn nhiều.
Mặc dù khi đó người ta không thể chữa khỏi bệnh dịch hạch Antonine và Cyprian, nhưng các hoạt động chăm sóc cơ bản, chẳng hạn như cung cấp thức ăn và nước uống cho những người quá yếu để tự chăm sóc bản thân, có thể giúp bệnh nhân hồi phục. Xuất phát từ lòng từ thiện theo giáo lý Cơ đốc và đạo đức chăm sóc người bệnh, cùng với mạng lưới hoạt động từ thiện của các nhà thờ, các cộng đồng Cơ Đốc giáo trong đế chế sẵn lòng chăm sóc bệnh nhân. Ngược lại, những người La Mã đa thần thường chọn cách chạy trốn và cách ly, với hy vọng không bị lây nhiễm.
Điều này có một vài tác động. Đầu tiên, nhờ được chăm sóc, những người theo đạo Cơ Đốc có tỷ lệ sống sót sau bệnh dịch cao hơn và phát triển mức độ miễn dịch tốt hơn. Thứ hai, khi nhìn thấy rằng nhiều đồng hương Cơ Đốc giáo sống sót sau bệnh dịch - cho dù nhờ sự ưu ái của thần linh hay nhờ sự chăm sóc của cộng đồng Cơ Đốc giáo - nhiều người ngoại giáo đã bị thu hút bởi tín ngưỡng này. Ngoài ra, việc chăm sóc những người ngoại giáo mắc bệnh tạo cơ hội truyền đạo rất thuận lợi cho các tín đồ Cơ Đốc giáo.
Stark lập luận rằng, bởi vì hai đại dịch ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ trẻ và phụ nữ mang thai, tỷ lệ tử vong thấp ở những người theo Cơ Đốc giáo sẽ kéo theo tỷ lệ sinh cao hơn trong nhóm này. Kết quả là trong khoảng một thế kỷ, một đế chế đa thần về cơ bản trở thành một đế chế đa số theo đạo Cơ Đốc.
Bệnh dịch Hạch Justinian và sự sụp đổ của thành Rome
Bệnh dịch hạch Justinian được đặt theo tên của vị hoàng đế La Mã trị vì từ năm 527 đến năm 565. Nó bùng phát ở Đế chế La Mã vào năm 542 sau Công nguyên và kéo dài đến năm 755 sau Công nguyên. Trong hai thế kỷ, bệnh dịch đã giết chết khoảng 25% đến 50% dân số - khoảng 25 triệu đến 100 triệu người.
Tổn thất nhân mạng lớn này đã làm tê liệt nền kinh tế, gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính làm kiệt quệ ngân khố của nhà nước và làm chao đảo quân đội hùng mạnh một thời của đế chế.
Ở phía Đông, đối thủ địa chính trị chính của Rome, Sassanid Persia, cũng bị tàn phá bởi bệnh dịch và do đó không có khả năng khai thác điểm yếu của Đế chế La Mã. Nhưng đế chế Caliphate Hồi giáo ở Ả Rập - vốn đã bị người La Mã và Sasania kiềm chế từ lâu - hầu như không bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch.
Và họ đã không bỏ phí cơ hội. Nắm bắt thời điểm này, Đế chế Caliphate nhanh chóng chinh phục toàn bộ Đế chế Sasanian trong khi tước đoạt các lãnh thổ của Đế chế La Mã đang suy yếu ở Levant, Caucasus, Ai Cập và Bắc Phi.
Trước khi xảy ra dịch bệnh, nền kinh tế châu Âu thời Trung cổ dựa trên chế độ nô lệ. Sau khi dịch bệnh chấm dứt, nguồn cung nô lệ giảm đi đáng kể buộc các chủ đất bắt đầu cấp đất cho những người lao động “tự do” trên danh nghĩa - những người nông nô làm việc trên cánh đồng của lãnh chúa, và đổi lại họ nhận được sự bảo vệ của quân đội và hưởng một số quyền lợi nhất định từ lãnh chúa. Hay nói cách khác, đại dịch đã gieo những mầm mống đầu tiên của chế độ phong kiến.
Cái chết đen thời Trung cổ
Cái chết đen, hay bệnh dịch hạch, bùng phát ở châu Âu vào năm 1347 và sau đó giết chết khoảng một phần ba đến một nửa tổng dân số châu Âu - 80 triệu người. Ngoài rất nhiều mạng người, đại dịch này cũng đã “giết” cả một xã hội cũ.
Trước khi bệnh dịch hạch hoành hành vào năm 1347, Tây Âu là một xã hội phong kiến với dân số quá đông đúc. Lao động rẻ, nông nô ít có khả năng thương lượng, cá nhân ít khi cải thiện được vị trí trong xã hội và nhìn chung xã hội ít có động lực để tăng năng suất. Vào thời điểm đại dịch kết thúc vào đầu những năm 1350, một thế giới hiện đại đã bắt đầu xuất hiện với lao động tự do, đổi mới công nghệ và tầng lớp trung lưu phát triển.
Việc quá nhiều người chết trong đại dịch đã làm rung chuyển xã hội. Tình trạng thiếu lao động đã mang lại cho nông dân nhiều quyền thương lượng hơn. Nền kinh tế nông nghiệp đã áp dụng rộng rãi các công nghệ mới - máy cày sắt, hệ thống luân canh ba vụ và bón phân bằng phân chuồng, qua đó làm tăng năng suất đáng kể. Tình trạng thiếu lao động cũng dẫn đến việc phát minh ra các thiết bị tiết kiệm thời gian và sức lao động như máy in, máy bơm nước và vũ khí thuốc súng.
Nông dân được giải thoát khỏi các nghĩa vụ phong kiến và mong muốn tiến lên nấc thang mới của xã hội. Do đó họ chuyển đến các thị trấn và tham gia vào các ngành nghề thủ công. Những người thành công trở nên giàu có hơn và tạo thành một tầng lớp trung lưu mới. Giờ đây, họ có thể mua được nhiều hàng hóa xa xỉ hơn từ bên ngoài biên giới châu Âu, và điều này kích thích thương mại đường dài giữa các quốc gia.
Tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có cũng kích thích “đầu tư” và bảo trợ cho nghệ thuật, khoa học, văn học và triết học. Kết quả là sự bùng nổ sáng tạo văn hóa và trí tuệ - cái mà ngày nay chúng ta gọi là thời kỳ Phục Hưng.