Nước Mỹ tự hào là một quốc gia đa chủng tộc, thành công nhờ khả năng chấp nhận và hòa hợp sự đa dạng, nhưng chính trị bản sắc - vốn phân rẽ xã hội thành những nhóm cá nhân vị kỷ - đe dọa chính thành công đó.

“Bản sắc: Nhu cầu phẩm giá và chính trị phẫn nộ” (“Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment”) là tác phẩm mới nhất của Francis Fukuyama (1952) -  nhà triết học, chuyên gia kinh tế chính trị và tác giả người Mỹ - từng đoạt giải Sách hay nhất năm 2018 của tờ The Times (Anh) và Sách chính trị hay nhất năm 2018 do Financial Times bình chọn.
“Bản sắc: Nhu cầu phẩm giá và chính trị phẫn nộ” (“Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment”) là tác phẩm mới nhất của Francis Fukuyama (1952) - nhà triết học, chuyên gia kinh tế chính trị và tác giả người Mỹ - từng đoạt giải Sách hay nhất năm 2018 của tờ The Times (Anh) và Sách chính trị hay nhất năm 2018 do Financial Times bình chọn.

Năm 2020 là thời gian đáng quên của nước Mỹ, và Covid thậm chí không phải là vấn đề lớn nhất.

Mâu thuẫn sắc tộc bùng phát trên quy mô chưa từng thấy khi George Floyd, một người Mỹ da màu, thiệt mạng sau khi bị cảnh sát bắt giữ. Từ tháng Năm, ước tính có hơn 25 triệu lượt người Mỹ xuống đường biểu tình đòi công lý cho nạn nhân. Trong khi phần lớn người biểu tình có thái độ ôn hòa, xuất hiện cả tình trạng cướp phá và bạo động, dẫn tới việc ít nhất 200 thành phố phải ban hành lệnh giới nghiêm với lực lượng Vệ binh Quốc gia được điều động để thiết lập lại trật tự. Đại dịch Covid-19, vốn đã khiến hơn 7 triệu người nhiễm và 200 nghìn thiệt mạng ở Mỹ, không làm giảm đi cơn phẫn nộ của người biểu tình. Tình hình kinh tế ảm đạm và cá tính đầy tranh cãi của Tổng thống Donald Trump càng nới rộng mâu thuẫn xã hội âm ỉ.

Nước Mỹ, nói như nhà bình luận David Brooks của New York Times, đang phải trải qua 5 cuộc khủng hoảng đồng thời: y tế, sắc tộc, lãnh đạo, tư tưởng, và kinh tế.

Tai họa không bỗng dưng xuất hiện trong một ngày, nguồn cơn của những khủng hoảng trên thực tế đã xuất hiện từ lâu trong lòng nước Mỹ. Trong cuốn sách ra đời năm 2018, “Bản sắc: Nhu cầu phẩm giá và chính trị phẫn nộ”, Francis Fukuyama lý giải vấn đề của nước Mỹ qua xung đột về “bản sắc”. Nước Mỹ tự hào là một quốc gia đa chủng tộc, thành công nhờ khả năng chấp nhận và hòa hợp sự đa dạng, nhưng chính trị bản sắc - vốn phân rẽ xã hội thành những nhóm cá nhân vị kỷ - đe dọa chính thành công đó.

Trong “Bản sắc”, Fukuyama trước tiên phê phán cách tiếp cận duy lý của kinh tế học, và cho rằng tâm lý con người có ba phần chính, gồm khao khát, lý trí, và thymos. “Phần thứ ba của tâm hồn” - thymos - vận hành hoàn toàn độc lập với hai phần còn lại, đòi hỏi sự công nhận về phẩm giá cá nhân. Con người không chỉ muốn có những của cải đắt tiền, tính toán hành động dựa trên chi phí-lợi ích, mà còn muốn giá trị bản thân được nhìn nhận từ những cá nhân khác trong xã hội.

Nếu nhận được đánh giá tích cực, họ sẽ thấy tự hào; và ngược lại, họ sẽ cảm thấy tức giận (khi nghĩ rằng mình đang bị đánh giá thấp) hoặc xấu hổ (khi cho rằng mình đã không bắt kịp tiêu chuẩn của người khác).

Bản sắc đại diện cho mâu thuẫn cố hữu trong nhu cầu được thừa nhận của loài người. Chúng ta khao khát quyền bình đẳng, nhưng cũng muốn được coi là đứng trên kẻ khác. Khi các cá nhân cùng một “bản sắc” – dân tộc, tôn giáo, hay giai cấp – chia sẻ với nhau về việc không được thừa nhận, chính trị bản sắc trở thành quả bom nổ chậm trong xã hội. Chúng tạo ra nền chính trị của phẫn nộ.

Ở cả cánh tả và hữu trong thế giới đương đại, chính trị đều đang xoay quanh vấn đề bản sắc. Cánh tả đã rơi vào tranh cãi về các quyền của phe thiểu số, như LGBT, trong khi cánh hữu sử dụng chủ nghĩa dân tộc để khai thác cảm giác bất bình và phẫn nộ do bất bình đẳng kinh tế tạo ra.

Sự phẫn nộ đó giải thích tại sao các cử tri người Anh ở nông thôn lại chọn cách “Giành lại nước Anh” từ Liên minh Châu Âu (EU) và London thông qua Brexit, hay một phận người Mỹ bị bỏ ngoài lề trong quá trình toàn cầu hóa bỏ phiếu bầu Donald Trump làm Tổng thống.

Có thể dễ dàng nhận thấy mối đe dọa của chính trị bản sắc: nó phân chia xã hội thành các nhóm nhỏ tách biệt. Trong một thế giới lý tưởng, công dân sẽ đặt nền tảng bản sắc của mình trong dòng chảy chung của xã hội với những giá trị phổ quát. Nhưng hiện tại, tất cả đang tìm kiếm sự công nhận trong các nhóm bản sắc hẹp, dựa trên quốc tịch, tôn giáo, giáo phái, chủng tộc, sắc tộc và giới tính. Chính trị bản sắc luôn tồn tại, nhưng các nhà lãnh đạo cả tả lẫn hữu đã khai thác nỗi sợ hãi do những biến động kinh tế và xã hội để xây dựng liên minh chính trị xung quanh các nhóm dân số cụ thể.

Đối với Fukuyama, đây là mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ tự do. Ông nhìn thấy “chính trị phẫn nộ” được Vladimir Putin thể hiện ở Nga, Tập Cận Bình ở Trung Quốc và Viktor Orban ở Hungary. Fukuyama không hoàn toàn phản đối chính trị bản sắc. Hai ví dụ quan trọng mà ông trích dẫn là là phong trào #MeToo và Black Lives Matter. Nhưng quan điểm chính của ông là sự phân biệt đối xử, dù tích cực, gây ra một phản ứng nguy hiểm trong cộng đồng dân cư, phá vỡ tính đồng nhất nhưng đa văn hóa của xã hội hiện đại. Phía cuối con đường là sự sụp đổ và thất bại của nhà nước. Nước Mỹ, như lo ngại của Fukuyama, đang tiến tới mối nguy đó.

Vấn đề lớn nhất của chính trị bản sắc, theo Fukuyama, là nó không thể thỏa mãn bởi những cải cách kinh tế. Có cùng số lượng của cải như người khác, hoặc có cùng cơ hội để có được của cải không thể thay thế cho sự thừa nhận. Chính vì thế, câu chuyên về bản sắc sẽ luôn tồn tại với loài người.

Giải pháp của Fukuyama là tận dụng chính bản sắc để chữa lành vấn đề của chính trị bản sắc. Ông cho rằng nếu logic của chính trị bản sắc là phân chia xã hội thành các nhóm nhỏ hơn, vị kỷ, thì chúng ta cũng có thể tạo ra các bản sắc rộng hơn và tích hợp hơn. Bản sắc không mang tính cố định: một khi xây dựng được những cộng đồng “tuyên tín” – có niềm tin vào các giá trị phổ quát của loài người thay vì đặc tính di truyền của sắc tộc và tôn giáo – sự đa dạng của xã hội sẽ củng cố nền dân chủ tự do thay vì làm suy yếu nó. Đó tất nhiên là một hành trình dài và không dễ tìm ra một câu trả lời phù hợp.

“Bản sắc” tập trung nhiều về nước Mỹ, nhưng đó là vấn đề chung của tất cả các xã hội hiện đại. Quá trình toàn cầu hóa mở rộng kết nối toàn cầu, nhưng cũng tạo ra ngày càng nhiều những nhóm “bản sắc” nhỏ lẻ: đó có thể là những cộng đồng vô hại như người hâm mộ ban nhạc BTS, hoặc nguy hiểm cho xã hội như những nhóm phát-xít mới. Chính vì thế, hiểu về bản sắc không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về thế giới hiện đại, mà còn đặt ra những câu hỏi về bản sắc của chính mình. Cuốn sách của Fukuyama, bởi thế, là khởi đầu tốt cho hành trình đó.