Khi thời tiết ấm áp, voi có thể mất tới 10% lượng nước trong cơ thể chúng chỉ trong một ngày, theo một nghiên cứu mới.
Con số đó tương đương với 500 lít nước. Đây là lượng nước mất đi hằng ngày cao nhất trong số các động vật trên cạn.
Phát hiện này không có nhiều ý nghĩa đối với voi trong sở thú, thường “được chăm sóc nuông chiều”, nhưng cho thấy voi sống trong tự nhiên đang gặp nguy hiểm khi môi trường sống ngày càng ấm lên, nhu cầu uống nước tăng trong khi nguồn nước trở nên khan hiếm, theo Baptiste Mulot, nhà nghiên cứu hành vi của voi tại ZooParc de Beauval - một công viên động vật ở Pháp.
Voi châu Phi (Loxodonta africana) uống nước từ một hố nước tại Khu bảo tồn Mashatu ở Botswana.
Voi vốn đã có nguy cơ tuyệt chủng, việc mất nước do thời tiết nóng có thể dẫn đến tỷ lệ sinh thấp hơn, mất sữa cho voi con và tử vong do mất nước. Voi cần uống hàng trăm lít nước mỗi ngày, nhưng đến giờ vẫn chưa rõ biến đổi khí hậu sẽ thay đổi nhu cầu nước của chúng như thế nào.
Vì vậy, trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu do nhà sinh học bảo tồn Corinne Kendall dẫn đầu đã xem xét 5 con voi xavan châu Phi (Loxodonta africana) tại Vườn thú Bắc Carolina. Trong vòng 3 năm, nhóm nghiên cứu đã sáu lần cho voi ăn deuterium - một phiên bản nặng hơn của hydro, vô hại, tan trong nước cơ thể và có thể truy vết trở lại trong chất lỏng voi thải ra. Các nhà khoa học thường xuyên lấy mẫu máu trong 10 ngày sau khi cho voi ăn deuterium để xem lượng còn lại mỗi lần, từ đó tính tốc độ đào thải nước trong cơ thể voi.
Kết quả thật "đáng kinh ngạc", Kendall nói. Ở nhiệt độ mát mẻ (từ 6°C đến 14°C), voi đực mất trung bình 325 lít nước mỗi ngày. Nhưng ở khoảng 24°C, chúng mất đi trung bình 427 lít, và đôi khi lên đến 516 lít, nhóm nghiên cứu viết trên Tạp chí Royal Society Open Science.
400 đến 500 lít nước như vậy tương đương với 10% tổng lượng nước trong cơ thể voi - hoặc lên đến 7,5% khối lượng cơ thể. Rebecca Rimbach, nhà sinh lý học sinh thái học ở Đại học Duke, cho biết, có một con voi thậm chí mất gần 9% khối lượng cơ thể chỉ trong một ngày. Tuy nhiên, vì voi liên tục bổ sung chất lỏng bị mất thông qua uống, ăn và quá trình trao đổi chất, lượng nước mất đi thực tế hằng ngày của voi sẽ thấp hơn. Nhìn chung, voi phải uống nước ít nhất 2 đến 3 ngày một lần để tránh “mức độ mất nước đến mức nguy hiểm”, Rimbach nói.
"Điều này thật đáng ngạc nhiên nếu chúng ta nhớ rằng đây là những loài động vật đã thích nghi với cuộc sống ở xavan châu Phi [môi trường khan hiếm nước]," Kendall nói.
Ngựa trong môi trường nóng có thể mất 40 lít nước trong một ngày - khoảng 6% khối lượng cơ thể của chúng - và con người thường tiêu hao khoảng 3 đến 5 lít - khoảng 5% khối lượng cơ thể, mặc dù con số đó có thể tăng gần gấp đôi khi hoạt động mạnh và đổ mồ hôi.
Đáng lo ngại là khi nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng cao, voi sẽ cần uống nhiều nước hơn. Nhưng cũng do nhiệt độ tăng, nước ngày càng khan hiếm, các hố nước khô dần và các cây giàu nước trở nên khó kiếm hơn. Đồng tác giả nghiên cứu, Erin Ivory, nhà hành vi học tại Sở thú Bắc Carolina, cho biết, tác động kép này còn có thể làm trầm trọng thêm xung đột giữa voi hoang dã và quần thể con người, khi voi tấn công mùa màng hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng nước ngầm, những cuộc đối đầu bạo lực có thể gây tử vong cho cả người và voi.
Nguồn: