Là hãng phim có rất nhiều bộ phim thành công vượt trội, những nhân vật phim “để đời”, Walt Disney - với chính sách về bản quyền nghiêm ngặt của mình, trong đó có bản quyền hình ảnh nhân vật hoạt hình - đã thu về một số tiền vô cùng lớn.

Kiếm tiền khủng từ hình ảnh nhân vật

Disney được biết đến là hãng phim đi tiên phong và rất sành sỏi trong việc khai thác bản quyền thương mại. Theo đánh giá của chuyên gia truyền thông Janet Wasko, đế chế Disney lớn mạnh được chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng các dịch vụ, hàng hóa ăn theo. Trong suốt lịch sử phát triển của mình, Disney luôn có một quy tắc: Cấp phép sử dụng nhân vật (hình ảnh, thương hiệu) cho các công ty sản xuất để đổi lấy khoản phí ban đầu và phần trăm lợi nhuận sau bán hàng của các công ty này.

Trong cuốn sách “Hiểu Disney”, Wasko cho biết ngay khi nhân vật hoạt hình chuột Mickey được giới thiệu tại Steamboat Willie, hình ảnh chú chuột này đã tràn ngập văn hóa Mỹ. Vào thập kỷ 1930, hình ảnh chú chuột hiện diện khắp mọi nơi, trên hầu như mọi đồ vật, từ xàphòng tắm tới chiếc kem ốc quế, thậm chí trên cả những chiếc vòng tay bằng kim cương bán với giá 1.250USD của hãng Carter.

Bộ phim kinh điển “Chiến tranh giữa các vì sao” cũng là một ví dụ về thành công trong việc bán bản quyền. Phần mới nhất của bộ phim này đã được Hasbro - một công ty chuyên về game và đồ chơi - mua bản quyền để sản xuất đồ chơi với giá 225 triệu USD.

Mickey Mouse - một nhân vật hoạt hình mang lại bộn tiền cho Disney. Ảnh: Walmart

Năm 2014, Tạp chí Variety cho biết thương hiệu Disney đã kiếm được số tiền kỷ lục là 40,9 tỷ USD từ việc bán quyền sử dụng hình ảnh trong năm 2013. Phó Tổng giám đốc điều hành về giấy phép toàn cầu cho các sản phẩm tiêu dùng của Disney - Josh Silverman - cho biết, các bộ phim của Disney, Marvel, Pixar và Lucasfilm (các công ty con thuộc hãng Disney) đã khiến công việc của ông và các cộng sự trở nên dễ dàng hơn. “Nó mang lại rất nhiều câu chuyện, nhân vật và điều chúng tôi phải làm chỉ là dành nhiều thời gian để nghĩ cách tối ưu hóa lợi nhuận thông qua bán lẻ” - ông Silverman cho hay.

Giá của giấy phép là điều được nhiều người quan tâm. Theo ông Keith Roberts - một nhà cấp phép cho nhãn hiệu Virgin - thì giá cả cho mỗi lần cấp phép sử dụng hình ảnh nhân vật của Disney không giống nhau. Nó phụ thuộc nhiều vào việc tài sản được cấp phép là gì (chẳng hạn như hình ảnh nhân vật nào, trong phim gì), điều lệ của giấy phép, số lượng sản phẩm bạn sẽ sản xuất, thị trường mà công ty bạn hướng tới...

“Chất lượng sản phẩm, lý lịch sản xuất sản phẩm tốt cho những nhãn hiệu nổi tiếng, giá trị của sản phẩm đối với Disney (chẳng hạn sản phẩm của bạn khi xuất hiện trên thị trường có giúp ích gì cho Disney trong việc xây dựng thương hiệu tại thị trường mới...) sẽ tác động nhiều tới giá thành giấy phép” - ông cho hay.

Nghiêm ngặt trong việc bán bản quyền

Việc Disney thu được nguồn lợi khổng lồ từ việc bán bản quyền sử dụng hình ảnh, thương hiệu của các nhân vật hoạt hình, các siêu anh hùng, công chúa... không có nghĩa là hãng dễ dãi trong việc xét duyệt cấp phép. Theo số liệu của trang Variety, tới năm 2014, hình ảnh nhân vật của Disney xuất hiện trên sản phẩm thuộc 137 chủng loại. Tuy nhiên, hãng cũng rất cẩn trọng để không cấp phép quá nhiều. “Chúng tôi muốn những giấy phép cấp ra phải có ý nghĩa. Các sản phẩm tạo ra phải đúng chuẩn với câu chuyện thật” - Silverman cho hay.

Thông tin trên trang cấp phép sử dụng bản quyền của Disney cho thấy, để được sử dụng hình ảnh, thương hiệu nhân vật của Disney, công ty phải đáp ứng một số điều kiện như: Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và phân phối mặt hàng xin cấp phép; tự sản xuất hàng hóa chứ không phải là người trung gian hay phân phối; có 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng hóa xin cấp phép trước khi đưa ra đề nghị cấp phép. Tuy nhiên, việc có đầy đủ những tiêu chuẩn trên vẫn chưa thể đảm bảo bạn sẽ được cấp phép.

Ngoài ra, Disney còn khá mạnh tay với những nhà bán lẻ không phép. Từ năm 2014, hãng bắt đầu kiểm tra các website bán hàng trực tuyến và gửi thư yêu cầu “tạm ngưng và chấm dứt” trước khi tiến hành những thủ tục đóng cửa nếu các cửa hàng này bán hàng không phép.

Thậm chí, theo Etsy - một website chuyên bán đồ tự làm, thành lập từ năm 2005 - cho biết họ đã vướng phải vụ kiện nghiêm trọng khi một gian hàng điện tử trên trang bán một số lượng lớn hàng hóa có hình ảnh nhân vật của Disney mà không xin phép. Disney cho rằng số tiền mà Etsy kiếm được thuộc quyền sở hữu của mình nên Amazon thậm chí đã đóng băng số tiền bán hàng của Etsy.

Theo các chuyên gia, với các chiến lược và chính sách bảo hộ tài sản trí tuệ, Disney sẽ còn tiếp tục thu lợi lớn từ bản quyền hình ảnh nhân vật trong một thời gian dài.