Hàng tỷ USD tiền bản quyền truyền hình
Trong các sự kiện thể thao có sức hút hàng đầu thế giới, Champion League, Europa League chỉ đứng sau World Cup và Olympic. Kênh truyền hình BT Sport đã trả 1,18 tỷ USD để giành quyền phát sóng Champion League độc quyền tại Anh tới năm 2021. Năm 2016, trận chung kết Champion League giữa Real Madrid và Atletico Madrid thu hút khoảng 350 triệu người thuộc 200 quốc gia theo dõi trực tiếp. Tiền bản quyền truyền hình cho trận đấu này đã có giá trị 1,6 tỷ USD.
Thông thường, UEFA bán bản quyền cho một công ty, sau đó đơn vị này bán lại cho những khách hàng khác kèm theo các quy định về bảo hộ quyền... Ví dụ như VTVcab của Việt Nam mua bản quyền độc quyền phát sóng hai giải UEFA Champions League và UEFA Europa League từ Công ty Hàn Quốc KJ Investment Group. Tuy nhiên, tất cả những đơn vị này đều phải đáp ứng các quy định về bản quyền của UEFA.
BT Sport - kênh truyền hình vừa bỏ ra số tiền kếch xù cho UEFA để được quyền phát sóng Champions League. Ảnh: SportBible
Vậy mới có chuyện mới đây, VTVcab phải ngừng phát sóng Champion League và Europa League do KJ Investment Group phát hiện họ không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng. Theo VTVcab, hình ảnh hai giải đấu này bị nhiều đơn vị ở Việt Nam sử dụng, vi phạm vấn đề bản quyền độc quyền. VTVcab còn đứng trước nguy cơ phải ra tòa do không bảo vệ được bản quyền tại thị trường Việt Nam theo như hợp đồng ký với KJ Investment.
Về phần mình, UEFA mặc dù đã bán bản quyền cho một số đơn vị nhưng không vì thế mà họ buông lỏng hay chuyển trách nhiệm bảo vệ bản quyền hình ảnh những giải đấu của mình cho đối tác. Vậy UEFA làm thế nào để chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, sử dụng hình ảnh trái phép ngày càng nở rộ trong thời đại kỹ thuật số?
UEFA bảo vệ tài sản trí tuệ ra sao?
Riêng tại vòng chung kết Euro 2012, UEFA đã xử lý hơn 400 trường hợp vi phạm bản quyền. Khá nhiều vụ việc là do các bên thứ ba ở những nước đăng cai sự kiện sử dụng biểu tượng giải đấu và các hình ảnh liên quan. Những vi phạm mà UEFA phải đối mặt chia làm 3 loại chính: Vi phạm quyền SHTT; phe vé và marketing “khôn lỏi”; marketing du kích (lợi dụng tình thế để trục lợi, nhiều trường hợp vơ cái của người thành của mình, gây hiểu nhầm cho công chúng và người tiêu dùng).
Để bảo vệ quyền lợi của mình, UEFA đã xây dựng và thi hành chương trình bảo vệ bản quyền. Chương trình này cũng nhằm mục đích bảo vệ những khoản đầu tư của UEFA và các đối tác thương mại, qua đó gián tiếp phục vụ quyền lợi của các cổ động viên bóng đá khắp nơi trên thế giới.
Chương trình bảo vệ bản quyền của UEFA bao gồm hàng loạt biện pháp mang tính phản ứng và ngăn chặn như: Bảo đảm quyền được bảo vệ về mặt SHTT ở các quốc gia tổ chức những giải đấu của UEFA; theo dõi việc thực thi quyền SHTT có liên quan tới sự kiện nào đó của bên thứ ba (mua lại bản quyền truyền hình từ đối tác của UEFA); theo dõi việc đăng ký biểu tượng cho từng mùa giải, tên miền tương tự như của UEFA, việc sử dụng những dấu hiệu, tên miền chính thức đã đăng ký của UEFA trên phương tiện truyền thông và trên Internet, bao gồm các điều khoản quy định về việc sử dụng quyền SHTT và cấm hoạt động marketing trong tất cả các hợp đồng ký kết với đối tác của UEFA trong việc tổ chức sự kiện; thực thi các chiến lược truyền thông nhằm tăng cường sự hiểu biết rộng rãi về lý do phải bảo vệ quyền SHTT có liên quan tới những sự kiện như Euro và những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra khi vi phạm những quyền này.
Chẳng hạn, UEFA đưa ra những quy định ngặt nghèo trong việc quản lý khu vực tổ chức sự kiện để ngăn bất cứ một hành vi thương mại trái phép nào trong hay xung quanh sân vận động. UEFA cũng cấp cho các đối tác thương mại những giấy phép đặc biệt để sử dụng biểu tượng giải đấu đã được đăng ký của UEFA.
Một biện pháp khác là với từng giải đấu, UEFA sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của đơn vị đăng cai sự kiện để theo dõi các hoạt động thương mại như bán đồ nhái, đồ sử dụng hình ảnh bất hợp pháp...
Ngoài ra, UEFA còn thường xuyên tham vấn đội ngũ chuyên gia luật toàn cầu nhằm tìm các giải pháp cho việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.