Tài sản chung hay riêng?
Theo công bố của trang Eurostate Statistics Explain thuộc Cộng đồng chung châu Âu, tại 28 nước châu Âu, tỷ lệ ly hôn đơn thuần tăng từ 0,8/1.000 người năm 1965 lên 2/1.000 người vào năm 2011. Sự chia tay về mặt pháp lý giữa hai vợ chồng kéo theo rất nhiều thứ phải phân chia, đặc biệt là tài sản.
Luật sư Alton Abamowitz - Công ty luật Mayerson, Abramowitz& Kahn, cựu chủ tịch Học viện Luật Hôn nhân Mỹ - kể, ông từng đại diện cho một nhà văn đoạt giải Nobel bị vợ cũ đòi chia giá trị bản quyền các tác phẩm xuất bản khi họ còn chung sống. Nhà văn cho rằng đó là tài sản trước hôn nhân, bởi phần lớn được viết dựa trên các ý tưởng và nghiên cứu khi chưa cưới; rằng đó là tài sản riêng bởi là kết quả của cả một đời rèn luyện, trải nghiệm. Phán quyết của toà là ông phải chia tiền bản quyền cho vợ cũ trong nhiều năm tới.
Có rất nhiều vấn đề khiến cho việc chia TSTT khi ly hôn trở nên khó khăn. Chẳng hạn, ý tưởng được đưa ra trước khi kết hôn nhưng chỉ được hoàn thiện trong thời gian hôn nhân? Sẽ phân chia thế nào nếu dự án chưa được hoàn thiện khi ly hôn? Ai sẽ được hưởng quyền bản quyền nếu phần tiếp theo được sản xuất sau ly hôn? Người sáng lập có phải là người được hưởng toàn bộ tài sản và khi nào thì tiền bản quyền được thực nhận? Liệu tiền bản quyền có được phân chia một cách cân xứng?...
Nên tham vấn luật sư nếu việc chia tài sản có liên quan tới tài sản trí tuệ. Ảnh:LegalZoom
Việc định giá chính xác những ý tưởng có khả năng mang lại lợi nhuận nhưng chưa thực sự tồn tại cũng là một việc không hề đơn giản, một “vùng xám”.
Cách bảo vệ TSTT hậu hôn nhân
Theo ông Warren R. Shiell - luật sư chuyên về các vấn đề gia đình ở Anh, Mỹ, trước hết cần xác định những TSTT mà vợ/chồng có thể nắm giữ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với sáng tạo văn chương hay âm nhạc - những kiểu TSTT có thể sinh lợi về sau. Chẳng hạn, bạn là vợ/chồng nhà văn đang viết truyện nhiều kỳ về một nhân vật hoạt hình nổi tiếng.
Theo lẽ thường, bạn được hưởng 50% tiền tác quyền thu được trong thời gian hôn nhân. Nếu sau ly hôn, tác giả viết những cuốn sách mới nhưng sử dụng nhân vật cũ, hay sách mới đó được chuyển thể thành chương trình tivi hay phim truyền hình thì sao? Khi đó, luật sư phải phân biệt được giá trị nhân vật, bản quyền cuốn sách, thiện chí của tác giả, quyền bản quyền nhân vật và tập truyện...
Ngoài ra, cần phân biệt lao động thể chất và quyền bản quyền trong công việc. Ví dụ, vợ một nghệ sỹ phải được hưởng giá trị của bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào chưa bán. Nếu họa sĩ là người nổi tiếng, tác phẩm của họ còn kèm theo quyền tái bản và thương mại hóa. Nếu bản quyền tác phẩm đã bị bán, vẫn cần cân nhắc tới những quyền khác của tác phẩm khi ly hôn. Ví dụ, nhà văn bán sách cho nhà xuất bản nhưng vẫn giữ quyền truyền hình và nếu quyền này bị bán, ông vẫn còn quyền khi tác phẩm lên sân khấu.
Tiếp theo, bạn cần xác định mình muốn chia quyền sở hữu trí tuệ như thế nào. Với quyền bản quyền, giải pháp tốt nhất là mua lại từ vợ/chồng. Câu hỏi đặt ra là nó đáng giá bao nhiêu? Giá trị quyền bản quyền thường khá may rủi, đặc biệt với sự phát triển của công nghệ mới. Giải pháp thứ hai là chia đều quyền sở hữu và kiểm soát tài sản bản quyền. Điều này có thể gây khó dễ cho tác giả bởi nó hạn chế khả năng bán. Giải pháp khác là chia đôi quyền sở hữu tên hợp pháp, quyền với lợi nhuận và để quyền kiểm soát lại cho người sáng tạo.
Tuy vậy, nhà sáng tạo có thể thỏa thuận những bản hợp đồng bất lợi cho người cũ. Biện pháp cuối cùng là thỏa thuận để phân chia tài sản. Nếu bạn quyết định chia đôi quyền sở hữu và quyền quản lý bản quyền, nên thương thảo xem cựu bạn đời sẽ quản lý tài sản, sẽ đối phó với sự vi phạm bản quyền thế nào và những trách nhiệm tài chính mà bạn có nghĩa vụ thực hiện với người cũ.
Luật sư Shiell nhắc: “Nên nhớ mọi bước đi của bạn đều cần được ghi lại và tuân theo các quy định về bản quyền cũng như phải được đăng ký tại cơ quan bảo hộ bản quyền”.
Giải pháp cho tranh chấp
Tất cả những tranh cãi trên có thể được giải quyết nếu cặp vợ chồng có thỏa thuận hôn nhân. Một khảo sát trên 1.600 luật sư do Viện Luật Hôn nhân Mỹ tiến hành cho thấy, số cặp vợ chồng ở mọi lứa tuổi yêu cầu có hợp đồng hôn nhân đã tăng lên trong 4 năm qua, đặc biệt là ở thế hệ millenials (sinh từ đầu thập kỷ 1980 đến 2000).
Thay vì chú trọng vào tiền cấp dưỡng và thừa kế, các hợp đồng hôn nhân của thế hệ này tập trung vào bảo vệ TSTT như phim, bài hát, kịch, phần mềm, ứng dụng và thậm chí là các ý tưởng công nghệ chưa được triển khai. Cả hai cần thảo luận về giá trị tài sản trong tương lai, đến từ ý tưởng, khái niệm. Họ cần nhận thức được rằng việc ly hôn và phân chia tài sản có thể sẽ không được công bằng cho người sáng tạo để từ đó đưa ra những thỏa thuận có tính pháp lý mà cả hai cùng hài lòng.
Ngoài thỏa thuận trước, các nhà thơ, nghệ sĩ, nhà sáng chế, chủ doanh nghiệp... muốn bảo vệ tài sản trí tuệ phát sinh trong tương lai cũng cần một bản hợp đồng tiền hôn nhân, có xác nhận rằng những TSTT của mình là tài sản riêng và tất cả những gì phát sinh từ nó đều không thuộc tài sản chung vợ chồng. Bằng cách này, nếu ly hôn, TSTT sẽ được bảo vệ một cách hoàn hảo.