Trong một chuyến đi lặn mới đây ở quần đảo Hawaii, các nhà khoa học đã phát hiện một sinh vật trong suốt kỳ lạ, chưa từng được biết đến trước đây và gọi nó là bạch tuộc "ma".
Một thiết bị lặn của Cơ quan quản lý đại dương và khí hậu quốc gia Mỹ (NOAA)
đã quan sát được sinh vật lạ ở độ sâu 4.290 mét, ngoài khơi đảo Necker
(Mokumanamana) thuộc quần đảo Hawaii. Các nhà khoa học khẳng định, đây là độ sâu
kỷ lục đối với một động vật chân đầu không có xúc tu.
Không giống hầu hết các động vật chân đầu đã biết hiện nay, con bạch tuộc bé
nhỏ mới được tìm thấy không có các tế bào sắc tố. Đặc điểm này khiến cơ thể nó
trong suốt, trông giống ma và đầy bí ẩn. Các chuyên gia của NOAA đặt biệt danh
cho nó là "Casper", theo tên một nhân vật ma hoạt hình dễ thương trong bộ phim
cùng tên nổi tiếng một thời của Hollywood.
"Đây gần như chắc chắn là một loài chưa được mô tả trong khoa học. Nó là loài
động vật chân đầu bé nhỏ đáng kinh ngạc", chuyên gia Michael Vecchione nhận xét.
Theo các chuyên gia, các động vật chân đầu biển sâu chia làm 2 nhóm: động vật
chân đầu cirrate hay "Dumbo" (có 8 vòi và 2 xúc tu) và động vật chân đầu
incirrate không xúc tu (chỉ có 8 vòi), trông hơi giống các loài mực nước nông.
Ông Vecchione nói, Casper là trường hợp động vật chân đầu incirrate quan sát
được ở sâu nhất từ trước tới nay.
Theo Vietnamnet