Nghiên cứu mới của các nhà côn trùng học tại Đại học Maryland cho thấy, vòng đời của các cá thể ong mật được nuôi trong phòng thí nghiệm ngắn đi 50% so với vào những năm 1970.

Khi các nhà khoa học mô hình hóa ảnh hưởng của vòng đời ngắn đối với ngành nuôi ong, các kết quả trùng khớp với tỷ lệ đàn ong biến mất tăng lên và xu hướng sản lượng mật giảm xuống mà những người nuôi ong ở Mỹ chứng kiến trong các thập kỷ gần đây.

Ngành nuôi ong chấp nhận việc đàn ong biến mất và cần được thay thế, vì các đàn ong già đi một cách tự nhiên rồi chết dần. Song, trong thập kỷ qua, những người nuôi ong ở Mỹ đã báo cáo tỷ lệ biến mất cao, tức là họ phải thay thế nhiều đàn ong hơn để duy trì sản xuất. Khi tìm hiểu nguyên do, các nhà nghiên cứu tập trung vào những yếu tố gây căng thẳng từ môi trường như bệnh dịch, ký sinh trùng, thuốc trừ sâu và dinh dưỡng.

Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy, tình trạng vòng đời bị ngắn đi ở ong mật có khả năng không phải do những yếu tố gây căng thẳng từ môi trường, và gợi ý rằng nguyên nhân có thể nằm ở yếu tố di truyền. Nghiên cứu được đăng vào ngày 14/11 trên tạp chí Scientific Reports.

Thời gian sống của ong mật hiện đang bị rút ngắn một nửa
Vòng đời của ong mật hiện đang bị ngắn đi một nửa.

Anthony Nearman, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Khoa Côn trùng học và là tác giả chính của nghiên cứu, lần đầu nhận thấy hiện tượng vòng đời giảm khi anh cùng phó giáo sư côn trùng học Dennis van Engelsdorp nghiên cứu quy trình tiêu chuẩn để nuôi những con ong trưởng thành trong phòng thí nghiệm. Lặp lại những thí nghiệm trước đó, họ thu thập nhộng ong trong vòng 24 giờ sau khi chúng thoát ra từ lỗ tổ ong và nuôi trong lồng ấp. Khi trưởng thành, chúng được nuôi trong lồng đặc biệt.

Khi đánh giá hiệu quả của việc bổ sung thêm nước thường vào chế độ ăn nước đường cho ong nuôi trong lồng để mô phỏng tốt hơn điều kiện tự nhiên, Nearman nhận thấy dù chế độ ăn thế nào, vòng đời trung vị của ong trong lồng chỉ bằng một nửa so với những con ong trong các thí nghiệm tương tự vào những năm 1970 (17,7 ngày so với 34,3 ngày). Điều này thúc đẩy anh xem xét kỹ hơn các nghiên cứu phòng thí nghiệm được công bố trong 50 năm qua.

Nearman cho biết: “Mãi tới những năm 2000, quy trình tiêu chuẩn để nuôi ong trong phòng thí nghiệm mới được định ra, hẳn ai cũng nghĩ vòng đời của chúng sẽ dài hơn hoặc không đổi. Thế nhưng, chúng tôi lại thấy tỷ lệ ong chết tăng gấp đôi.”

Dẫu môi trường phòng thí nghiệm rất khác với trong đàn, các hồ sơ cho thấy những con ong được nuôi trong phòng thí nghiệm có vòng đời tương đương với ong sống trong đàn; và các nhà khoa học nhìn chung cho rằng những yếu tố rút ngắn vòng đời của ong phòng thí nghiệm cũng sẽ làm giảm vòng đời của ong sống trong đàn. Các nghiên cứu trước đây còn chỉ ra, ngoài đời thực, vòng đời của ong mật ngắn hơn tương ứng với thời gian kiếm ăn ngắn hơn và sản lượng mật làm ra thấp hơn. Đây là nghiên cứu đầu tiên kết nối những yếu tố đó với tỷ lệ đàn ong phải thay thế.

Khi nhóm nghiên cứu mô hình hóa tác động của vòng đời ngắn đối với ngành nuôi ong thì kết quả cho thấy tỷ lệ đàn ong phải thay thế hằng năm vào khoảng 33%. Con số này hoàn toàn tương đồng với tỷ lệ trung bình số đàn ong mất đi sau khi sống qua mùa đông và sau một năm - lần lượt là 30% và 40%, theo báo cáo từ những người nuôi ong suốt 14 năm qua.

Nearman và van Engelsdorp lưu ý, những con ong trong phòng thí nghiệm của họ có thể đã bị nhiễm virus mức độ thấp hay tiếp xúc với thuốc trừ sâu trong giai đoạn ấu trùng, khi chúng được ấp trong tổ và được ong thợ cho ăn. Nhưng chúng không biểu hiện những triệu chứng rõ rệt của những tình trạng đó. Nguyên nhân thật sự của vòng đời ngắn lại có thể nằm ở thành phần di truyền - Nearman gợi ý. "Nếu giả thuyết này đúng, nó cũng chỉ ra một giải pháp khả thi. Nếu chúng ta phân lập được một số yếu tố di truyền, chúng ta có thể tạo ra những giống ong mật sống lâu hơn." Trên thực tế, các nhà sinh vật học tại Đại học California đã phát hiện hai gen ở ruồi giấm có tác dụng kéo dài vòng đời, đó là PGC-1 và Atg1.

Tiếp theo, Nearman và van Engelsdorp sẽ so sánh xu hướng vòng đời của ong mật trên khắp nước Mỹ với ở các nước khác. Nếu phát hiện sự khác biệt về vòng đời, họ có thể tách riêng và so sánh những yếu tố tiềm tàng góp phần vào đó, chẳng hạn như di truyền, sử dụng thuốc trừ sâu và sự hiện diện của virus trong các đàn ong địa phương.

Nguồn: