Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bristol phát hiện ong nghệ ít đậu vào những bông hoa được phun phân hay thuốc diệt sâu bọ, vì chúng có thể phát hiện những thay đổi về điện trường quanh bông hoa.
Được đăng trên tạp chí PNAS Nexus, nghiên cứu cho thấy các hóa chất nông nghiệp dạng phun thay đổi điện trường quanh bông hoa tới 25 phút sau khi phun. Tác động này kéo dài hơn đáng kể so với các biến động tự nhiên, như gió thổi, và khiến ong giảm hoạt động kiếm ăn trong tự nhiên.
TS Ellard Hunting ở Trường Khoa học Sinh học thuộc Đại học Bristol và nhóm nghiên cứu của mình nhận thấy phân bón không ảnh hưởng tới hình ảnh và mùi hương, và họ chuyển hướng sang mô phỏng những thay đổi về điện trường dưới tác động của phân bón và thuốc diệt côn trùng tại thực địa. Điều này cho thấy ong nghệ có thể phát hiện và phân biệt những thay đổi nhỏ về điện trường do các chất hóa học gây ra.
“Chúng ta biết các chất hóa học độc hại, nhưng hầu như không biết chúng ảnh hưởng thế nào lên tương tác tức thời giữa thực vật và các con vật thụ phấn," TS Ellard Hunting nói. "Các bông hoa có nhiều kiểu tín hiệu thu hút ong tới ăn mật và thụ phấn. Chẳng hạn, ong sử dụng các tín hiệu như mùi hương và màu sắc, nhưng chúng cũng dùng các trường điện để nhận biết thực vật. Do đó, một vấn đề lớn là việc dùng các hóa chất nông nghiệp có thể làm biến dạng những dấu hiệu của hoa và sửa đổi hành vi ở những con vật thụ phấn như ong”.
Ngoài ra, các hạt trong không khí khác như hạt nano, khí thải, nhựa nano và hạt virus có tác động tương tự, ảnh hưởng đến một loạt các sinh vật sử dụng điện trường hầu như xuất hiện ở khắp mọi nơi trong môi trường.
Sam England, cũng ở Đại học Briston, đồng tác giả của nghiên cứu, giải thích, “Nghiên cứu này quan trọng ở chỗ nó là ví dụ đầu tiên được biết tới về ‘tình trạng nhiễu’ do con người can thiệp vào thụ cảm điện của động vật trên cạn. Nó giống như tiếng ồn do thuyền máy cản trở khả năng phát hiện ra kẻ săn mồi của cá, hay ánh sáng nhân tạo vào ban đêm gây nhiễu cho bướm đêm; phân bón là một nguồn gây nhiễu khiến ong không phát hiện các tín hiệu điện của hoa. Điều này mở rộng vốn hiểu biết của chúng ta về nhiều khía cạnh mà hoạt động của con người tác động tích cực tiêu cực đến thế giới tự nhiên, nhưng hy vọng nó cho phép đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa những tác động tiêu cực mà hóa chất gây ra cho ong”.
TS Ellard Hunting chia sẻ thêm, “Tình trạng phân bón ảnh hưởng tới hành vi thụ phấn thông qua sự can thiệp vào cách sinh vật nhận biết môi trường vật lý đưa ra một góc nhìn mới về cách các hóa chất nhân tạo gây xáo trộn môi trường tự nhiên”.
Nguồn:
Khiển Hoài (tổng hợp)