Một nghiên cứu mới cho thấy các "liệu pháp giả" và "tác dụng phụ giả" tác động thật đến thân não, trung tâm xử lý cơn đau trong não.

Các nhà khoa học biết về hiệu ứng giả dược từ hơn 400 năm trước. Năm 1572, một nhà triết học người Pháp đã viết rằng, “có những người đàn ông chỉ nhìn thấy thuốc là đủ có tác dụng”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể hiểu rõ tại sao bệnh nhân sử dụng một liệu pháp giả, như một viên đường, vẫn cảm thấy bệnh thuyên giảm - gọi là hiệu ứng placebo. Họ cũng bối rối trước hiện tượng ngược lại: Khi bệnh nhân được cho biết rằng giả dược có tác dụng phụ có hại, họ sẽ cảm thấy tác dụng phụ có hại đó - gọi là hiệu ứng nocebo.

Ảnh minh họa

Để tìm ra dấu hiệu của hai hiệu ứng placebo và nocebo trong não, các nhà nghiên cứu đã đưa 27 người tham gia - 13 nam và 14 nữ, độ tuổi trung bình là 23 - vào phòng thí nghiệm tại Đại học Melbourne. Họ gắn một máy phát nhiệt vào cánh tay của người tham gia, thiết bị này sẽ nóng lên đến một nhiệt độ vừa phải. Sau đó, các nhà nghiên cứu nói với người tham gia rằng họ sẽ được bôi một trong ba loại kem lên vùng da bị nhiệt ảnh hưởng: kem giảm đau, kem tăng đau (tăng cảm giác nóng hơn nữa) và kem giả dược; nhưng người tham gia không biết họ được bôi loại nào. Thực tế, tất cả đều chỉ là mỡ khoáng - một loại kem bôi không hề có các tác dụng nói trên.

Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã quét các tình nguyện viên bằng máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) độ phân giải cao để phát hiện bộ phận nào trong não của họ hoạt động nhiều nhất. Hầu hết những người tham gia thử nghiệm đều trải qua hiệu ứng placebo hoặc nocebo. Khoảng một phần ba số người tham gia báo cáo mức độ đau giảm và cho rằng họ đã được bôi "kem giảm đau", trong khi hơn một nửa báo cáo mức độ đau tăng thêm và cho rằng họ đã được bôi “kem tăng đau”.

Kết quả fMRI tương ứng phản ánh đúng những cảm giác của hai nhóm này. Cả hai hiệu ứng placebo và nocebo đều ảnh hưởng đến hoạt động trong thân não của họ. Hiệu ứng placebo làm tăng hoạt động trong một khu vực được gọi là hành tủy, vùng thuộc thân não truyền thông tin về cơn đau, và giảm hoạt động chất xám ở thân não giúp cơ thể giảm đau. Hiệu ứng nocebo gây ra ảnh hưởng ngược lại, làm tăng cảm giác đau. Kết quả được đăng trên Tạp chí The Journal of Neuroscience.

"Nghiên cứu được thực hiện ở độ phân giải cực cao, giúp xác định các bộ phận của thân não đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cơn đau," Tor Wager, nhà khoa học thần kinh nghiên cứu về hiệu ứng giả dược tại Đại học Dartmouth, cho biết.

Wager và các chuyên gia khác lưu ý, đã có các nghiên cứu khác chỉ ra hoạt động của não phản ứng với cả hiệu ứng placebo và nocebo, nhưng nghiên cứu mới cung cấp cái nhìn chi tiết nhất về cách não phản ứng với những hiện tượng này.

Đây là một đóng góp lớn, tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm để xem liệu nghiên cứu trong phòng thí nghiệm này có đúng trong thế giới thực hay không, theo Ted Kaptchuk, nhà khoa học y sinh tại Trường Y Harvard, người không tham gia vào nghiên cứu.

Các bác sĩ đã sử dụng phương pháp đặt các xung điện vào thân não - gọi là kích thích não sâu - để điều trị các cơn đau mãn tính do tổn thương dây thần kinh, cũng như hội chứng ống cổ tay và đau liên quan đến ung thư, nhưng chưa đạt được thành công rõ ràng. Một phần của vấn đề ở chỗ không thể xác định chính xác bộ phận nào của thân não chịu trách nhiệm kiểm soát điều chỉnh cơn đau. Do đó, nghiên cứu mới có thể giúp thu hẹp các mục tiêu kích thích, và gợi ý các phương pháp điều trị đau mãn tính trong tương lai, theo Lewis Crawford, nhà khoa học thần kinh tại Trường Khoa học Y tế Đại học Sydney và là tác giả chính của nghiên cứu.

Nguồn: