Các nhà khoa học đã phát hiện những công cụ bằng đá có niên đại cách đây hàng triệu năm và bằng chứng hóa thạch lâu đời nhất của tổ tiên con người tại một số địa điểm ở châu Phi bao gồm Kenya và Ethiopia.
Tổ tiên của con người đã sinh sống trên Trái đất từ cách đây khoảng 6 triệu năm, nhưng đâu là địa điểm lâu đời nhất chứa bằng chứng khảo cổ về sự tồn tại của họ?
“Câu hỏi này là một chủ đề gây ra nhiều tranh luận trong cộng đồng các nhà khảo cổ học”, Yonatan Sahle, giảng viên tại Đại học Cape Town (Nam Phi), cho biết.
Địa điểm khảo cổ Lomekwi 3 ở Kenya. Ảnh: Martin Harvey.
Đa số các học giả cho rằng, thế giới có hai địa danh được coi là ứng cử viên hàng đầu cho các địa điểm khảo cổ học lâu đời nhất. Địa điểm đầu tiên mang tên Lomekwi 3 nằm trên một ngọn đồi thấp ở phía Tây Turkana, Kenya. Đây là nơi lưu giữ xương cũng như đồ tạo tác bằng đá của các loài thuộc Tông người (Hominin). Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2015, các nhà khoa học đã xác định niên đại của lớp trầm tích tại nơi tìm thấy các hiện vật. Từ đó, họ ước tính tuổi của khu vực Lomekwi 3 khoảng 3,3 triệu năm.
“Phát hiện này đánh dấu một sự khởi đầu mới cho hồ sơ khảo cổ học. Các công cụ bằng đá có thể là sản phẩm của người Australopithecus afarensis, một hominin phát triển mạnh trong khu vực Lomekwi 3 vào thời điểm đó”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Một công cụ bằng đá được khai quật tại Lomekwi 3 ở Kenya. Ảnh: MPK-WTAP.
Lomekwi 3 là nơi có khá nhiều cây xanh và cách không xa Hồ Turkana. Người Australopithecus afarensis đã sử dụng các đồ tạo tác bằng đá vào mục đích đập vỡ hạt làm thức ăn, hoặc dùng cạnh sắc nhọn của công cụ đá để cắt gọt. Tuy nhiên, giới khoa học cho đến nay không thể xác định rõ quy mô dân số của họ.
“Lomekwi 3 nhiều khả năng là địa điểm khảo cổ lâu đời nhất được biết đến trên thế giới’, Jason Lewis, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Viện Lưu vực Turkana”, nhận định.
Jeremy DeSilva, phó giáo sư nhân chủng học tại Đại học Dartmouth, cũng cho rằng Lomekwi 3 là địa điểm khảo cổ lâu đời nhất. Nhưng ông lưu ý không phải tất cả các học giả đều đồng ý với nhận định này. “Các kết luận về Lomekwi 3 đang gây ra nhiều tranh cãi, và một số đồng nghiệp của chúng tôi vẫn tỏ ra hoài nghi về niên đại của những công cụ đá được khai quật tại đây”, DeSilva nói.
Hóa thạch xương hàm dưới của một loài hominin được phát hiện tại Ledi-Geraru, Ethiopia. Ảnh: AFP.
Yonatan Sahle, giảng viên cao cấp về khảo cổ học tại Đại học Cape Town, và nhiều nhà nghiên cứu gần đây đã xem xét lại tình trạng của các đồ tạo tác bằng đá ở Lomekwi 3. Họ cho rằng một số hiện vật không được phát hiện trong bối cảnh mà độ tuổi của chúng có thể xác định một cách chính xác. “Nói cách khác, các đồ tạo tác không cùng thời gian với lớp trầm tích tại nơi người ta tìm thấy chúng”, David Braun, giáo sư nhân chủng học tại Đại học George Washington, cho biết.
“Đối với nhiều người, bằng chứng thuyết phục về địa điểm khảo cổ lâu đời nhất là các dạng công cụ đá có niên đại 2,6 triệu năm tuổi được khai quật tại di chỉ khảo cổ Gona nằm cạnh sông Kada Gona ở Afar, Ethiopia”, Sahle cho biết. “Kết quả nghiên cứu về địa điểm Lomekwi 3 chỉ diễn ra tương đối gần đây, trong khi các nghiên cứu về Gona đã được công bố từ cách đây vài thập kỷ và trải qua sự giám sát kỹ lưỡng về mặt học thuật trong suốt thời gian dài”.
Những công cụ bằng đá phát hiện ở Gona là đồ tạo tác của người Australopithecus garhi sống tại khu vực Đông Phi cách đây gần 3 triệu năm. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hóa thạch của họ gần các công cụ bằng đá. Họ có thể là một trong những tổ tiên đầu tiên của loài người tạo ra những công cụ phức tạp bằng đá, theo ghi chú trên trang web thuộc dự án Nguồn gốc Con người (Human Origins) của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ.
“Các tuyên bố về niên đại của Lomekwi 3 chưa được chứng minh một cách đầy đủ, và tính đến nay chúng ta chưa có thêm bất kỳ bằng chứng mới nào để khẳng định đây là địa điểm khảo cổ lâu đời nhất thế giới. Vì vậy, tôi cho rằng danh hiệu này phải thuộc về Gona”, Tim White, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiến hóa Con người tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), cho biết.
Ngược lại, một số học giả ủng hộ quan điểm Lomekwi 3 lâu đời hơn so với Gona. Rick Potts, Giám đốc Chương trình Nguồn gốc Con người của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ, tin chắc rằng Lomekwi 3 là địa điểm lâu đời nhất với bằng chứng về bộ gõ bằng đá [tập hợp những viên đá dùng để đập vào nhau nhằm thực hiện một mục đích nào đó].
Potts lưu ý những đồ tạo tác bằng đá ở Lomekwi 3 có những điểm khác biệt với đồ tạo tác khai quật tại Gona. Chúng thô hơn và chứa những vết nứt lớn, có độ dày và hình dạng bất thường. Đó có thể là hệ quả từ việc người cổ đại đập các tảng đá vào nhau. “Ngay cả trong trường hợp không phải là một công cụ, chúng vẫn được coi là đồ tạo tác do tổ tiên con người tạo ra”, Potts cho biết.
Ứng cử viên thứ ba?
David Braun, giáo sư về nhân chủng học tại Đại học George Washington, cho biết nếu các nghiên cứu thực địa trong tương lai không thể làm giảm bớt những hoài nghi về niên đại của Lomekwi 3 thì lựa chọn thứ hai của ông cho địa điểm khảo cổ lâu đời nhất sẽ là Ledi-Geraru ở Afar, Ethiopia.
Tại Ledi-Geraru, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hàm răng dưới của một loài hominin. Họ ước tính niên đại của nó khoảng 2,8 triệu năm, sau khi kiểm tra tuổi của lớp trầm tích xung quanh. Kết quả nghiên cứu của họ được công bố chi tiết trên tạp chí Science vào năm 2015.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Sahle tại Đại học Cape Town bày tỏ nghi ngờ về niên đại của Ledi-Geraru. Ông nói rằng địa điểm này trẻ hơn đáng kể so với ước tính 2,8 triệu năm, và Gona là di chỉ khảo cổ có bằng chứng rõ ràng nhất về độ tuổi của nó.
Bất kể địa điểm khảo cổ nào trong số các địa danh kể trên là lâu đời nhất, tất cả chúng đều lớn tuổi hơn nhiều khi so sánh với kim tự tháp Giza ở Ai Cập (khoảng 4.500 năm tuổi) và bãi đá cổ Stonehenge ở Anh (khoảng 5.000 năm tuổi).