Nằm trên bờ Sông Thames, cách Greenwich khoảng 9 km về phía Đông, có một tòa nhà hai tầng bằng gạch được xây dựng từ thời Victoria. Bên trong tòa nhà là một trạm bơm nước thải với kiến trúc thuộc hàng đẹp nhất thế giới.
Mang biệt danh “thánh đường của đầm lầy” (cathedral of the marshes) – chỉ vùng đất thấp Erith Marshes gần đó, nơi có rất nhiều cây bụi, tòa nhà được trang hoàng tráng lệ với những chi tiết bằng sắt (dấu ấn của thời Cách mạng Công nghiệp). Phần ngoại thất lúc đầu của nó bao gồm một ống khói lớn kẻ sọc trắng đen (humbug-stripped) và các cửa sổ mô phỏng phong cách nhà thờ Normandy.
Phần nội thất đặc sắc bên trong trạm bơm nước thải Crossness tại London. Ảnh: Jay Peg/Flickr.
Đây cũng là một trong những trạm bơm nước thải đầu tiên trên thế giới dựa theo thiết kế Crossness của Sir Joseph Bazalgette (1819 – 1891), kỹ sư trưởng tại hội đồng xây dựng vùng đại đô thị London Metropolitan. Bazalgette khi ấy đang đau đầu tìm giải pháp cho vấn đề chất thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý của thành phố được đổ trực tiếp xuống dòng sông Thames – biến nó thành một cống rãnh lộ thiên mà không loài cá hay sinh vật thủy sinh nào sống được. Bên cạnh mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông là nguy cơ ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt cho thành phố, dẫn đến hàng loạt bệnh dịch chết người như tả lị, thương hàn, …
Bên ngoài trạm bơm Crossness. Ảnh: Ethan Doyle White/Wikimedia.
Ý tưởng của Bazalgette là cần đưa nước thải ra càng xa thành phố càng tốt, cụ thể là về phía Đông Nam sông Thames, nhờ vào trọng lực [nước] và sử dụng máy bơm công suất lớn. Để làm được điều đó, ông đã đề xuất xây dựng một mạng lưới cống chặn có tổng chiều dài khoảng 82 dặm (1 dặm = 1,6 km) song song với dòng sông. Lượng nước thải được gom từ hơn 450 dặm đường ống, bản thân chúng lại tiếp nhận lưu lượng từ gần 13.000 dặm đường ống nhỏ hơn tại các địa phương, có thể lên tới hơn nửa triệu gallon mỗi ngày. Công việc xây dựng đã tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc khi người ta phải đào 3,5 triệu m3 đất, sử dụng hết 318 triệu viên gạch, 880.000 m3 bê tông và vữa. Ngoài ra, Bazalgette còn cho xây thêm 3 bờ kè lớn dọc sông Thames, phía trong bố trí các đường cống thoát nước.
Công trình hiện là một địa điểm thu hút khách du lịch tại London. Ảnh: David Edwards/Flickr.
Phần lớn nước thải có thể tự di chuyển nhờ vào trọng lực, nhưng tại một số nơi như Chelsea, Deptford, Abbey Mills và Crossness (vốn có địa thế thấp), người ta phải xây dựng các trạm bơm công suất lớn để đưa nước lên cao. Trong số này, những trạm bơm ở Abbey Mills và Crossness được đánh giá là mang phong cách kiến trúc tráng lệ nhất – với phần mái vòm được trang trí công phu không khác gì một nhà thờ Byzantine. Nhà sử học kiến trúc Nikolaus Pevsner đã mô tả điều này giống như “một sự pha trộn không chính thống giữa phong cách Gothic mơ hồ của Ý, các cửa sổ phảng phất nét Byzantine với một lồng đèn bát giác nhã nhặn ở giữa – đặc trưng của người Nga”.
Một cỗ máy bơm cũ bên trong tòa nhà. Ảnh: Jay Peg/Flickr.
Bên trong tòa nhà có 4 cỗ máy bơm khổng lồ với động cơ hơi nước được đặt theo tên của các thành viên hoàng gia – Nữ hoàng Victoria, Hoàng tử Consort, Hoàng tử Albert Edward và Công nương Alexandra của Đan Mạch. Những cỗ máy khổng lồ này có thể bơm 6 tấn nước thải lên độ cao 30 – 40 feet (1 feet = 0,3048 m), sau đó xả vào một hồ chứa rồi đổ ra sông Thames khi nước triều dâng. Khi trạm bơm ngày càng cũ nát và phải ngừng hoạt động vào thập niên 1950, do chi phí tháo dỡ các cỗ máy quá lớn nên người ta đã lựa chọn giữ nguyên hiện trạng. Chúng đã nằm im lìm và tích bụi bặm tại đó suốt hơn 50 năm, cho đến khi được cải tạo thành một địa điểm thu hút du khách vào năm 2015.
Năm 2003, BBC đã bầu chọn trạm bơm nước thải Crossness là một trong bảy Kỳ quan của Thời kỳ Công nghiệp hóa (Seven Wonders of the Industrial World) cùng với con tàu SS Great Eastern (làm từ thép, được trang bị động cơ hơi nước và hạ thủy năm 1858), cầu Brooklyn tại New York (khánh thành năm 1883), ngọn hải đăng Bell Rock tại Scotland (được xây dựng trong giai đoạn 1807 – 1810), kênh đào Panama (được xây dựng từ năm 1881 bởi người Anh, người Mỹ tiếp quản năm 1904 và phải đến năm 1914 mới hoàn tất), Tuyến đường sắt liên Mỹ đầu tiên dài 1900 dặm nối Iowa ở bờ Đông với San Francisco ở bờ Tây (được xây dựng trong giai đoạn 1863 – 1869), con đập Hoover tại ranh giới giữa hai tiểu bang Nevada và Arizona (được xây dựng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thập niên 1930). |
Hải Đăng - Theo Amusing Planet