Từ năm 1944, trong khảo luận “Xã hội Việt Nam từ sơ sử tới cận đại”, Lương Đức Thiệp đã có những phân tích hết sức thuyết phục vì sao chương trình cải cách lớn lao của vua Quang Trung vừa bắt đầu đã gặp nhiều trở lực và nhà Tây Sơn không đứng vững được lâu dài.
Bảo tàng Quang Trung: Nằm tại làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: http: meodulich.info Dưới đây là đoạn trích liên quan từ khảo luận, phiên bản năm 2016:
"Đánh đuổi quân nhà Thanh, vua Quang Trung đã nêu cao lá cờ giải phóng dân tộc. Bằng những cuộc cải cách kế tiếp, vua Quang Trung còn muốn làm cho nước Việt Nam đủ giàu mạnh để đương đầu hẳn với Trung Quốc và thoát ly hẳn ảnh hưởng tai hại của người phương bắc về mặt văn hóa nữa. Vua Quang Trung định hun đúc cho người Việt Nam một nền văn minh riêng biệt, một quốc gia hoàn toàn độc lập để đối chọi với Trung Quốc vẫn hằng coi đất Việt Nam như một phiên thuộc hay một bộ phận nhỏ của đế quốc mênh mông. Việc bỏ hẳn chữ Hán và việc dùng ngay chữ Nôm trong giấy tờ, sớ, biểu, sắc, dụ chỉ là một phương diện nhỏ hẹp của cái chương trình đồ sộ mà vua Quang Trung hằng dự định. Song cái chương trình cải cách lớn lao kia vừa bắt đầu thi hành đã gặp ngay nhiều trở lực. Nhà Tây Sơn không đứng vững được lâu dài. Bao nhiêu mâu thuẫn xã hội đã dồn dập triều đại ấy đến chỗ suy vong.
Nhà Tây Sơn dấy nghiệp lên được cũng nhờ sức ủng hộ hiệu quả của nông dân đang khát khao thoát ly phạm vi quý tộc (Nguyễn và Trịnh). Nông dân ra tranh đấu để mong thỏa mãn yêu sách cấp bách của đẳng cấp: họ muốn hòa bình để làm ăn, họ muốn giảm thuế khóa và hình dịch, họ muốn cấp tốc được quân phân điền địa tập trung trong tay quý tộc, đại địa chủ và quan liêu. Nhà Tây Sơn đáng lẽ phải thỏa mãn những yêu sách khẩn cấp ấy lại gây dựng lên một vương triều mà tính cách cũng không khác các triều đại trước. Những yêu sách của nông dân bị bỏ lửng.
Nông dân không được thỏa mãn thành hững hờ đối với nhà Tây Sơn. Sức ủng hộ của họ đã mất. Thêm việc không dùng chữ Hán làm quyền lợi của đẳng cấp Nho sĩ rất thế lực trong xã hội Việt Nam bị nguy. Đẳng cấp này phản động lại gây ra những cuộc âm mưu phá hủy uy thế nhà Tây Sơn. Lần nữa đẳng cấp Nho sĩ Việt Nam đã đặt quyền lợi của đẳng cấp trên quyền lợi của quốc gia mà nhảy ra đóng một vai trò phản tiến hóa. Bởi hai đẳng cấp chính trong xã hội đã rời bỏ hoặc chống lại, nhà Tây Sơn không còn căn bản trong dân chúng mà nương tựa nữa.
Chỉ một việc này cũng đủ làm cho sự nghiệp triều Tây Sơn phải lung lay huống chi vua Quang Trung lại còn dự bị chinh chiến với Trung Quốc để chiếm lại Quảng Đông và Quảng Tây mong thu gồm hết đất đai cũ của Việt Nam, làm dân chúng đã chán ghét chiến tranh lại thất vọng thêm một tầng nữa. Cái ý định xâm lăng Trung Quốc của vua Quang Trung do tình thế lịch sử đặc biệt của xã hội Việt Nam thuở bấy giờ cấu tạo nên chứ đâu phải tham vọng ngông cuồng của một vị anh hùng. Thật vậy, xét tình trạng xã hội Việt Nam thuở ấy, triều đại Tây Sơn ấp ủ nhiều tính cách Bô-na-pac-tít (caractères Bonapartistes). Xã hội Việt Nam thời ấy cũng tương tự xã hội Pháp về thời Nã Phá Luân (đầu thế kỷ thứ XIX) trong nhiều tính cách.
Sau cuộc cách mạng tư sản dân quyền (Révolution bourgeoise de 1789), xã hội Pháp làm sân khấu cho hai khối lực lượng gần ngang nhau xung đột: một bên khối tư sản vừa chiến thắng ở cuộc cách mạng đảo phong kiến xong, nhưng chính quyền chưa nắm được vững trong tay, một bên thợ thuyền và một số nông dân cũng nổi dậy định cướp chính quyền. Hai khối ấy đương đầu nhau nhưng chưa bên nào thắng bại hẳn. Giữa tình trạng xã hội phân tranh này, Nã Phá Luân (Napoléon Bonaparte) nhảy lên sân khấu chính trị đóng vai trò trọng tài, tựa trên quân lực và sắc lệnh mà cai trị. Nếu khối tư sản quá mạnh, Nã Phá Luân lấy lực lượng của thợ thuyền và nông dân chọi lại, và nếu khối thợ thuyền và nông dân lại trở nên mạnh quá, Nã Phá Luân lại quay ra giúp khối tư sản chống lại khối kia để giữ thăng bằng cho hai khối lúc nào lực lượng cũng tương đương nhau. Song tình thế chông chênh này không kéo dài mãi được. Trong hai khối, khối nào thắng hẳn, Chính phủ Nã Phá Luân cũng bị lật đổ. Cho nên muốn giữ vững chính quyền, Nã Phá Luân phải chinh phục châu Âu để lấy chiến thắng bên ngoài mà cứu gỡ địa vị chông chênh ở trong nước. Cái động cơ lịch sử này đã thúc giục Nã Phá Luân đem đội quân dũng mãnh diễu qua khắp kinh thành các nước Âu châu. Nhưng khi bị thua trận tại nước ngoài, địa vị của Nã Phá Luân ở trong nước cũng lung lay. Trong sử Pháp, tính cách Bô-na-pac-tít (Bonapartise) càng phát lộ rõ ràng dưới triều Nã Phá Luân đệ tam (Napoléon III).
Trong Nam sử, triều đại Tây Sơn cũng ở một tình trạng na ná. Cho nên việc vua Quang Trung mưu đánh Trung Quốc chỉ là một cách giải quyết địa vị chông chênh của triều đại mình. Vua Quang Trung có ý thức về tình thế ấy không? Chúng ta không được rõ. Nhưng xã hội Việt Nam về thời ấy đã phô bày tình trạng này. Bởi chứa nhiều tính cách Bô-na-pac-tít nên triều đại Tây Sơn không đứng vững được lâu. Vì bị đả phá tại cả hai phía, nên triều đại ấy không chống đỡ nổi. Triều đại Tây Sơn trụt đổ là một lẽ tất nhiên của lịch sử. Nhờ vậy, chúa Nguyễn Ánh, tựa trên lực lượng của đẳng cấp tân địa chủ phía nam (Nam kỳ) và bọn phú thương trong nước cùng lợi dụng sự thất vọng của nông dân (đối với nhà Tây Sơn) và thế lực của bọn Nho sĩ phản động (bất bình chính sách cải cách của vua Quang Trung) mà chóng thực hiện được
cuộc thống nhất cả cõi Nam Bắc:
Lậy giời cho cả gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn xuôi buồm chóng ra.(Ca dao)
mà lập ra triều Nguyễn (1802). Dân gian khao khát hòa bình và chán ghét sự chia rẽ Nam và Bắc đã tiêu cực ủng hộ triều đại mới. Cho nên cuộc cách mạng dân tộc của vua Tây Sơn vì những trường hợp lịch sử nói trên đã hoàn toàn thất bại và dân tộc Việt Nam vẫn cứ đứng lỳ trên một nấc tiến hóa với cái kỹ thuật canh tác không thay đổi, mặc dầu dân tộc bành trướng vẫn cứ tràn về phương Nam hoài hoài."
Lương Đức Thiệp (được phỏng đoán sinh năm 1904, mất năm 1946, quê ở Hưng
Yên) thuộc thế hệ trí thức tân học, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực
văn hóa văn nghệ, ủng hộ và phần nào trở thành yếu nhân của xu hướng
“tri tân” diễn ra khá mạnh mẽ đầu thập niên 1940.
Cuốn Xã hội Việt
Nam từ sơ sử tới cận đại là công trình xuất sắc hơn cả của ông, được
xuất bản lần đầu vào năm 1944, sau đó tái bản ở miền Nam vào các năm
1950, 1971, và gần đây nhất là năm 2016.
Theo nhà nghiên cứu Mai Anh
Tuấn (Đại học Văn hóa), cuốn sách nằm trong mạch chung của một số trí thức tân học muốn
tìm về bản lai diện mục quá khứ, căn cước dân tộc, một mặt, để khẳng
định những giá trị, đặc trưng riêng có của Việt Nam, mặt khác, tạo dựng
tiếng nói đối trọng, đối thoại với các quan điểm, đánh giá đến từ những
“kẻ xa lạ” mà thường là học giả Pháp.
Do đó, trong Xã hội Việt Nam,
từ việc phân tích đặc trưng kinh tế nông nghiệp, Lương Đức Thiệp dần chỉ
ra một số đặc trưng của cấu trúc xã hội, chính trị, tư tưởng Việt Nam
qua lịch sử.
Ông đề cao các yếu tố bản địa (mô hình tổ chức xã thôn,
kinh tế hộ gia đình dựa trên năng lực buôn bán nhỏ của phụ nữ, đạo thờ
tổ tiên,…) để khẳng định có một “Việt Nam tính” khá riêng. Nó tuy chịu
ảnh hưởng Trung Hoa nhưng không hoàn toàn đồng nhất, nó cũng có “đức
tính” và “tật xấu”. Như vậy, Lương Đức Thiệp không hẳn là người tự si
dân tộc mình mà thường xuyên nhắc nhở người đọc phải trực diện với những
khuyết điểm, hạn chế vốn có của cả cộng đồng, theo nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn.
|