Cơ chế phản ứng trước mối đe dọa
Với nhiều người ở các nước ôn đới, hàn đới, mùa thu là mùa ma quái. Ánh sáng ban ngày suy yếu, đêm dài hơn, những cành cây chỉ còn trơ cành di chuyển đầy ma mị trước những cơn mưa phùn gió bấc khiến người ta ớn lạnh.
Đỉnh điểm của mùa này là lễ hội Halloween với phong cách trang trí quái dị và rùng rợn: Đèn lồng từ quả bí ngô có nụ cười gian ác, xương, hộp sọ, bia mộ đổ nát, ma cà rồng, xác sống… Tất cả đủ khiến bạn run rẩy; nhưng tại sao những thứ hiện hữu đó lại mang đến nỗi sợ?
Ảnh hưởng văn hóa có thể khiến mọi người sợ hãi điều gì đó, chẳng hạn như mèo đen hoặc những tên hề sát nhân. Theo TS Katherine Brownlowe - thuộc Trung tâm Y tế Đại học Wexner, Mỹ, có những thứ gây nỗi sợ hãi phổ quát. “Thường đó là những thứ có thể khiến bạn mất mạng như độ cao, động vật, sét, ai đó đang chạy khi bạn vào con hẻm tối tăm” - bà Brownlowe cho biết trên tờ Science.
Theo các nhà khoa học, sợ hãi trước hết là một cơ chế sinh tồn. Khi các giác quan phát hiện một sự vật, hiện tượng có thể đe dọa con người, não sẽ kích hoạt một loạt phản ứng để chúng ta bắt đầu phòng ngự, chiến đấu cho sự sống còn của mình hoặc thoát khỏi tình huống đó càng nhanh càng tốt. Đây là phản ứng thường thấy ở động vật có vú, được gọi là “chiến đấu hay bỏ chạy”.
Trẻ em Mỹ trong dịp Halloween. Ảnh: Allstate
Nỗi sợ hãi được quy định bởi hạch hạnh nhân trong não. Khi sự căng thẳng kích hoạt các hạch này, nó tạm thời đè lên suy nghĩ có ý thức để cơ thể chuyển tất cả năng lượng cho việc đối phó với mối đe dọa.
“Sự giải phóng chất dẫn truyền thần kinh và các kích thích tố làm tăng nhịp tim, hơi thở, đưa máu đến cơ bắp nhiều hơn, giúp chúng ta chạy trốn hoặc chiến đấu. Nó đặt tất cả sự chú ý của não vào hai khả năng chiến đấu hoặc chạy trốn” - Brownlowe nói.
Bản năng nguyên thủy của con người
Một số phản ứng chống lại mối đe dọa sinh tử của cơ thể được kế thừa từ tổ tiên xa xưa của con người, mặc dù chúng không còn hữu ích trong thế giới hiện đại. Điển hình là phản ứng nổi da gà, lông tay dựng đứng lên khi đối mặt với nỗi sợ hãi lớn.
“Điều này không giúp chúng ta chống lại hay thoát khỏi kẻ thù. Tuy nhiên, ở thời nguyên thủy khi con người còn được bao phủ bởi lớp lông, cơ chế đó khiến tổ tiên chúng ta trông to lớn, dữ tợn hơn, có thể khiến kẻ thù chùn chân” - Brownlowe nói.
Một cơ chế nguyên thủy khác mà loài người được thừa hưởng là bất động trước nỗi sợ hãi đột ngột. Đây là phản ứng quen thuộc ở nhiều loài động vật. “Khi bạn bất động, các loài săn mồi ít có khả năng nhìn thấy và chú ý đến bạn. Điều đó giúp giảm nguy cơ bị chúng ăn thịt” - Brownlowe lý giải.
Các phản ứng cảm xúc khi sợ hãi giúp chúng ta tăng sự tỉnh táo, để cơ thể và não bộ tập trung vào việc đảm bảo an toàn cho đến khi mối đe dọa đi qua. Đây là bản năng nên ngay cả trẻ nhỏ cũng cảm thấy sợ hãi trước tiếng ồn lớn, cử động đột ngột hay khuôn mặt không quen thuộc. Trẻ có thể sợ những thứ mà người lớn biết là không có thật như quái vật dưới gầm giường hay con quỷ trong tủ quần áo. Ở tuổi lên 7, trẻ mới có thể phân biệt những mối đe dọa thực tế và mối đe dọa chỉ có trong tưởng tượng.
Đối mặt với nỗi sợ
Con người phản ứng với nỗi sợ hãi không giống các loài động vật khác vì chúng ta có thể xử lý nỗi sợ và đè nén nó khi ý thức rằng mình không thực sự bị nguy hiểm. “Chúng ta có thể bị giật mình, nhưng thay vì chạy đi như nhiều loài vật khác, chúng ta sẽ đánh giá lại tình hình và cho rằng không cần làm vậy và sau đó trở lại bình thường” - Brownlowe nói.
Một số người thậm chí còn cố tìm kiếm trải nghiệm sợ hãi như xem phim kinh dị, chơi tàu lượn siêu tốc trên cao hay làm bất cứ điều gì tạo cảm giác mạo hiểm để khi nỗi sợ đi qua, họ được thưởng thức cảm giác tuyệt vời khi cơ thể giải phóng các chất đặc biệt khiến cơ thể nhẹ nhõm, thư thái.
“Khi tín hiệu “bỏ chạy hay chiến đấu” chấm dứt, não giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh và kích thích tố khiến nhịp tim hạ xuống, hơi thở chậm lại, hết nổi da gà. Cảm giác nhẹ nhõm lan truyền trong cơ thể và ta cảm thấy rất tuyệt vời” - Brownlowe nói.
Thế giới hiện đại đi kèm với một số căng thẳng mà người tiền sử không phải đối mặt như gánh nặng tài chính, công việc và một số áp lực xã hội khác có thể gây lo lắng, sợ hãi. Khi đó, những nỗi sợ hãi kinh điển có thể làm cho một số nỗi lo chúng ta đang đối mặt có vẻ ít đáng sợ.
“Nếu đang lo lắng chuyện sắp trao đổi với sếp về việc tăng lương, bạn có thể nghĩ đến những nỗi sợ hãi liên quan đến vấn đề sống - chết. Rất có thể sự lo lắng sẽ được giải tỏa và bạn cảm thấy nó không còn là vấn đề gì lớn nữa” - Brownlowe kết luận.