Tháp rơi tự do với cơ chế nén khí “bắn” hành khách trên ghế ngồi lên đỉnh tháp chỉ trong vòng vài chục giây, tạo ra cảm giác mạnh. Tham gia trò chơi này, hành khách dễ đối mặt với nguy cơ chấn thương và thậm chí là tai nạn chết người.

Kết cấu tháp tạo cảm giác mạnh

Tháp rơi tự do là một trò chơi dựa trên cấu trúc hình tháp cao thẳng đứng có gắn các ghế ngồi, cho phép người chơi ngắm cảnh từ trên cao trước khi trải nghiệm cảm giác rơi tự do “dựng tóc gáy”.

Cấu tạo tháp gồm ghế, thiết bị nâng và phanh. Bộ phận nâng là hệ thống đường ống lớn có các dây cáp gắn vào piston đẩy, kết nối với ròng rọc ở đỉnh và gắn với ghế. Piston lên xuống bằng khí nén, tạo lực cực mạnh để thắng trọng lực, đưa hành khách lên cao nhanh chóng.

Tháp rơi tự do Giant Drop ở Australia. Ảnh: Latimes

“Khi đưa khách vào ghế, chúng tôi đo trọng lượng và tính xem bao nhiêu khí nén cần được đẩy vào xylanh” - Monty Jasper, phụ trách kỹ thuật và an toàn của Công ty giải trí Cedar Fair, Ohio, Mỹ - cho biết.

Piston nén khí có thể “bắn” hành khách lên đỉnh tháp trong vài chục giây với tốc độ 80,5-96,5km/h. Không khí trong đáy xylanh hoạt động giống như lòxo, đem lại cảm giác như một sợi dây nhún nhảy cho người chơi. Khi rơi tự do, cảm giác râm ran khắp người cũng được tạo ra theo cơ chế tương tự nhưng theo chiều ngược lại. Lực nén của piston cũng khiến tốc độ lao xuống lớn hơn nhiều so với trọng lực, giúp khách có cảm giác rơi tự do.

Piston còn có các lỗ nhỏ xả khí ở trên đỉnh, có vai trò phanh hãm. Khi nén khí, không khí sẽ thoát ra qua các lỗ này, làm chậm tốc độ rơi. Đến một điểm khi lực nén khí đủ mạnh, ghế ngồi sẽ dừng lại và bắn xuống dưới lần nữa, tăng cảm giác phấn khích.

Hút khách nhiều, tai nạn khó tránh

Tháp rơi tự do hiện được trang bị ở hầu khắp các công viên giải trí lớn. Tháp rơi cao nhất thế giới The Giant Drop ở công viên Dreamworld, Australia cao 119 mét, tốc độ 135km/h đã đón 7 triệu lượt người chơi kể từ năm 1998 đến năm 2011.

Để đảm bảo an toàn, hầu hết các tháp rơi quy định về chiều cao của người chơi. Tháp cao 9 mét yêu cầu chiều cao tối thiểu của khách là 95cm; tháp cao 35 mét yêu cầu khách phải cao tối thiểu 130cm. Những người yếu tim và thần kinh được khuyến cáo không nên chơi.

“Fury Falcon (tháp rơi tự do cao nhất Bắc Mỹ - PV) không dành cho những người yếu tim. Tôi đã chơi hàng chục tháp rơi, nhưng mỗi lần là một cảm giác khác. Việc một cái gì đó đang lao thẳng xuống trước mặt bạn và rơi tự do thực sự khiến bạn lo lắng” - một hành khách chia sẻ trên trang Floridatripguides.

Các tháp rơi tự do hiện nay đều sử dụng phanh từ. Do từ trường rất mạnh nên khách có máy trợ tim, trợ thính, cấy ghép y tế hay cầm theo thiết bị điện tử sẽ không được chơi. Người chơi bắt buộc phải thắt dây đai an toàn vòng qua vai và ngực.

Dù siết chặt an toàn, các tháp rơi vẫn không tránh khỏi sự cố. Theo thống kê của các bang thuộc Mỹ, từ năm 1999 đến 2007, có 251 người bị tai nạn do chơi tháp rơi tự do. Trong đó, các va đập trong quá trình tải và trả khách chiếm 20%, lỗi thiết bị chiếm 14%. Nạn nhân chủ yếu là trẻ nhỏ 6 tuổi và thanh niên 21 tuổi.

Theo điều tra của Hội đồng An toàn quốc gia Mỹ năm 2012 thì các trò chơi - trong đó có trò tháp rơi - vẫn được xem là an toàn. Tuy nhiên, việc có hàng chục người Mỹ thiệt mạng tại các công viên giải trí trong các thập niên vừa qua là dấu hiệu cho thấy các trò chơi cảm giác mạnh ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

Tháp rơi nặng bằng 32 voi châu Phi khổng lồ

Theo Dailymail, tháp rơi tự do cao nhất thế giới hiện nay là Zumanjaro Drop of Doom (Mỹ) với chiều cao 126,5m, đưa hành khách lên đỉnh tháp chỉ trong 30 giây với tốc độ 145km/h, tương đương tốc độ chạy nước đại của báo đốm - loài động vật chạy nhanh nhất thế giới.

Tháp này sử dụng sợi cáp khổng lồ dài gần 1.692m, có tổng cộng 26.502 cái bulông và một cấu trúc thép nặng bằng 32 con voi châu Phi khổng lồ.