Khoa học về những lời nói dối
Để kiểm tra sự trung thực của con người, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Duke (Mỹ) đã cho một số đối tượng tham gia bài kiểm tra với 20 câu hỏi toán học đơn giản trong thời gian 5 phút. Sau đó, những người này được hướng dẫn dùng máy hủy tài liệu để hủy bài kiểm tra của mình, nhưng thực tế tờ giấy không bị hủy. Sau đó, họ được hỏi về kết quả bài kiểm tra. Kết quả là phần lớn đối tượng khảo sát nói dối về kết quả, không ít thì nhiều.
Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về sự trung thực của con người. Lịch sử nhân loại đầy rẫy những kẻ nói dối khéo léo và có kinh nghiệm vì nhiều động cơ, mục đích khác nhau. Điển hình như cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Để níu giữ quyền lực, ông này từng phủ nhận vai trò của mình trong vụ bê bối Watergate.
Hay như vận động viên Ryanmer Lochte từng tuyên bố bị cướp có vũ trang tại một trạm xăng ở Brazil trong dịp Olympic 2016, dù thực tế là chính anh này say rượu rồi phá hoại nhà vệ sinh của trạm xăng, gây sự với nhân viên an ninh.
Richard Nixon - Tổng thống Mỹ duy nhất trong lịch sử phải từ chức vì nói dối.
Ảnh: Washtimes
Ngay cả trong khoa học - thế giới của những con người tận tâm theo đuổi chân lý - cũng tồn tại không ít kẻ nói dối. Điển hình là nhà vật lý học Jan Hendrik Schön, người từng tuyên bố có những đột phá ấn tượng trong nghiên cứu bán dẫn phân tử nhưng rồi bị phát hiện là đã gian lận.
Theo tờ National Geographic, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng con người chúng ta đã biết cách bẻ cong sự thật sau khi có ngôn ngữ. Chúng ta nói dối và làm điều này rất giỏi, rất dễ dàng trong cả vấn đề nhỏ lẫn lớn, với người lạ cũng như người quen, đến mức các nhà khoa học phải công nhận rằng nói dối đã trở thành một đặc điểm ăn sâu vào con người.
Những lý do khiến con người nói dối
Khả năng lừa dối nhau của con người thực sự đáng ngạc nhiên. Các nhà nghiên cứu cho rằng từ khi biết nói, chúng ta đã bắt đầu bẻ cong sự thật và phát triển dần khả năng này theo năm tháng. Tại sao vậy? Theo các nhà khoa học, nói dối là một trong những cách dễ dàng nhất để con người đạt được mục đích.
“Khả năng điều khiển kẻ khác mà không phải sử dụng vũ lực có thể tạo ra lợi thế trong cuộc cạnh tranh về tài nguyên và bạn tình, giống như sự tiến hóa của các chiến thuật lừa đảo trong thế giới động vật - chẳng hạn như ngụy trang” - tác giả Yudhijit Bhattacharjee, người đã tổng hợp các nghiên cứu về tâm lý học, khoa học thần kinh và nghệ thuật để cho ra đời tác phẩm “Tại sao chúng ta nói dối: Khoa học đằng sau những sự lừa dối của chúng ta” - cho hay.
Trong khi đó, Sissela Bok - một nhà đạo đức học tại Đại học Harvard, Mỹ - lý giải: “Nói dối dễ dàng hơn nhiều so với những cách khác trong việc đạt được mục đích, chẳng hạn như lừa đảo thì dễ hơn rất nhiều so với việc cướp của hay cướp nhà băng”.
Tờ Washington Post cho biết, các nhà khoa học đã nêu ra các lý do chính khiến con người nói dối: Để “quảng cáo” về bản thân; để tự bảo vệ mình; để gây ảnh hưởng đến người khác - theo cách tử tế hoặc với ý đồ xấu. Ngoài ra, có những tình huống mà ngay cả người nói dối cũng không thể giải thích được động cơ của mình.
Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Toronto (Canada), trẻ em ít có khả năng nói dối hơn người lớn có lẽ vì chúng còn cần thêm thời gian để học làm điều đó. Trẻ em cũng dần trở nên khôn ngoan hơn theo thời gian khi che giấu hành vi nghịch ngợm của chúng. Mặt khác, nhiều nghiên cứu đối với người lớn đã chỉ ra rằng bộ não con người tiếp tục học được cách nói dối trơn tru hơn theo thời gian.
Cuối cùng, tờ Washington Post cho biết một sự thật có vẻ giống nghịch lý: Dù rằng về cơ bản, con người lớn lên sẽ không tránh được việc nói dối ít hay nhiều, nhưng chúng ta cũng trở nên đáng tin cậy hơn.
“Nếu không có sự tin tưởng ngầm trong mối giao tiếp giữa người và người, chúng ta sẽ bị tê liệt thành những cá thể đơn lẻ và ngừng các mối quan hệ xã hội” - nhà nghiên cứu Bhattacharjee kết luận.