Chẳng những bắt đầu nói dối rất sớm, trẻ còn biết “trau dồi” kỹ năng này liên tục ngay từ trước thời đi mẫu giáo, để cho lời nói dối của mình ngày càng trở nên đáng tin cậy hơn.
Nói dối để… hòa nhập xã hội
Theo nghiên cứu của Giáo sư Victoria Talwar thuộc Đại học McGill (Mỹ) và đồng nghiệp, trẻ bắt đầu biết nói dối từ khi 2 tuổi. Những lời nói dối đầu tiên của chúng là phủ định việc làm sai của bản thân. Đến khi 3 tuổi, trẻ có thể thốt ra những lời nói dối vô hại, chỉ để giữ phép lịch sự hoặc để mang lại lợi ích cho người khác.
Chẳng hạn, đến 3 tuổi trẻ biết rằng khi tặng một món quà sinh nhật bất ngờ cho mẹ, trẻ không được nói gì với mẹ hay khi được tặng quà, trẻ nên nói lời cảm ơn dù món quà không hề khiến trẻ thích thú.
Giáo sư Michael Lewis thuộc Đại học Y Rutgers Robert Wood Johnson (Mỹ) - nhà tâm lý và giáo dục học nổi tiếng - cũng đồng tình với kết quả nghiên cứu trên: “Trẻ em bắt đầu nói dối khi còn là những đứa trẻ 2 tuổi rưỡi tới 3 tuổi”.
Dần dần, khi nhận thức và quan hệ xã hội được mở rộng, trẻ học được cách nói dối nhiều hơn. Giáo sư Lewis đã chia ra 4 loại nói dối ở trẻ: Nói dối để bảo vệ cảm xúc của người khác, nói dối để bảo vệ bản thân, nói dối bản thân và nói dối để làm người khác đau lòng. Trong đó, chỉ có nói dối để làm tổn thương người khác mới được coi là hành vi xấu.
Để nói dối, trẻ hiểu được rằng mỗi người đều có niềm tin, suy nghĩ riêng của mình và không hề giống của trẻ, thậm chí đó còn là những niềm tin vào điều sai trái. Đây là một kỹ năng được trẻ rèn luyện trong suốt những năm trước khi đi học và ở lớp mẫu giáo. Khi trẻ có khả năng biết người đối diện với mình đang nghĩ và cảm nhận thế nào, trẻ cũng sẽ học được rằng khi nào có thể nói dối và làm sao để lời nói dối trở nên đáng tin.
Làm cho lời nói dối trở nên đáng tin là một nhiệm vụ khá khó khăn với trẻ. Chúng thường dễ bị “lật tẩy” nếu bị hỏi thêm một vài câu. Một nghiên cứu do Victoria Talwar và cộng sự Kang Lee tiến hành trên các bé từ 3-7 tuổi đã chỉ ra rằng, 74% số trẻ nói dối bị phát hiện khi trả lời 1 câu hỏi tiếp theo. Đến khi trẻ lớn hơn, chúng dường như hiểu rằng cần phải khớp nối câu trả lời cho những câu hỏi tiếp theo lời nói dối của bản thân. Khoảng 80% số trẻ độ tuổi 3-4 dễ để mình bị lật tẩy, trong khi tỷ lệ này là khoảng 70% với trẻ lên 5 và 50% với các em bé ở độ tuổi 6-7.
Trẻ học nói dối từ đâu?
Câu trả lời là trẻ học nói dối từ cha mẹ, thầy cô - những người luôn kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích hoặc những lời dọa dẫm kiểu “con không ăn thì ông ba bị đến bắt”. Cũng có thể trẻ học được từ cách người lớn cư xử với chúng.
Các nhà tâm lý học thuộc Đại học California, Sandiego (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu trên 186 em nhỏ trong độ tuổi từ 3-7. Khi bọn trẻ vừa tới, chúng được mời chào bằng câu nói dối: “Phòng bên cạnh có một bát đựng kẹo rất to. Các cháu có muốn sang lấy vài chiếc không?”. Tuy nhiên, khi sang phòng bên, tụi trẻ không thấy chiếc bát đựng kẹo nào và được giải thích đây chỉ là một lời nói dối để chúng đi vào phòng.
Ở thí nghiệm thứ hai, bọn trẻ được cho biết là có một trò chơi thú vị đang đợi chúng ở phòng kế bên. Chúng phải quay lưng lại với các nhà nghiên cứu và đoán xem đồ chơi nào đi với loại âm thanh nào. Sau một vài lượt chơi, chúng được nghe một đoạn trong bản nhạc “Thư gửi Elise”. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ bỏ ra ngoài, để lũ trẻ có cơ hội nhìn ngắm đồ chơi bí mật.
Qua camera, các nhà nghiên cứu nhận thấy, hầu hết bọn trẻ đều liếc qua món đồ chơi bí ẩn, tuy nhiên những em bé bị lừa trong thí nghiệm trước tỏ ra dễ gian lận hơn. Những em liếc trộm vào đồ chơi có độ tuổi từ 5-7 và bị lừa trong thí nghiệm trước có xu hướng nói dối bản thân và phủ nhận việc mình nhìn trộm nhiều hơn (khoảng 90%) những em không bị lừa (khoảng 60%).
Các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được một cách rõ ràng vì sao việc nói dối trẻ khiến chúng dễ nói dối hơn. Có thể lũ trẻ bắt chước cách mà chúng được/bị đối xử hoặc do lũ trẻ mất niềm tin vào người đã nói dối chúng ngay lập tức.
Trẻ nói dối cũng có lợi
“Đến giai đoạn có hiểu biết về xúc cảm, trẻ em sẽ… nói dối” - Giáo sư Lewis cho hay. Ông còn chỉ ra rằng thậm chí những đứa trẻ hay nói dối có chỉ số IQ cao hơn 10 điểm so với những trẻ luôn luôn nói thật.
Việc không biết khi nào nên nói dối và làm sao để nói dối một cách thuyết phục có thể khiến những đứa trẻ gặp vấn đề khi lớn lên. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng một người lớn có kỹ năng xã hội kém là người không biết nói dối một cách thuyết phục. Tuy nhiên, việc thường xuyên nói dối lại là dấu hiệu cho thấy trẻ không phát triển về mặt xã hội và nhận thức bằng chúng bạn. Những em hay nói dối thường tỏ ra hiếu chiến, nguy hiểm, có thể trở thành tội phạm hoặc có các hành vi mang tính gây rối.
“Mong chờ một em bé thật thà trong mọi tình huống là điều không thực tế, bởi nói dối là một phần trong cách chúng ta ứng xử với những người xung quanh. Nói dối là hành động luôn diễn ra ở thế giới người lớn và lũ trẻ đã có khái niệm về những gì đang diễn ra ở thế giới người lớn. Chúng chỉ đang học những quy luật này mà thôi” - Giáo sư Lewis kết luận.