Những văn bản ẩn giấu trên các mảnh vụn của bộ bản thảo “Kinh thánh Biển Chết” nay đã có thể đọc được, hé lộ nhiều điều thú vị chưa từng được biết tới.

Những nội dung mới tìm thấy này tới từ cuốn Deuteronomy và Leviticus trong Kinh Hebrew (hay Kinh Cựu Ước trong Thiên Chúa giáo) và Sách Jubilees – văn bản được viết gần như cùng lúc với Kinh Hebrew nhưng không bao giờ được đưa vào Kinh thánh. Khám phá trên còn giúp giải quyết những tranh cãi xoay quanh cuộn sách về Ngôi đền cổ linh thiên (sacred Temple Scroll) – thuộc loại dài nhất trong bộ bản thảo, các nhà khảo cổ cho biết.


Nhóm nghiên cứu của Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) đã trình bày những phát hiện này tại hội nghị quốc tế “70 năm Bản thảo Kinh thánh Biển Chết: mở đường trong hoang vu” (The Dead Sea Scrolls at Seventy: Clear a Path in the Wilderness).

Trong thập niên 1940 – 1950, các nhà khảo cổ học và những người Bedouin bản địa đã phát hiện ra bộ bản thảo Kinh thánh trong các hang động gần bờ Đông Qumran, cách rìa phía Bắc của Biển Chết không xa. Trong những lần khai quật sau đó, hàng vạn mảnh giấy vụn khác có niên đại khoảng 2000 năm cũng được phát hiện. Nhiều mảnh trong số chúng nhỏ và mỏng manh tới mức các nhà khảo cổ phải cất giữ vào chung một chiếc hộp để phục vụ nghiên cứu sau này. Và nay, thời khắc đó đã đến khi IAA đang thực hiện số hóa bộ bản thảo để tìm hiểu và chia sẻ với công chúng mà không làm tổn hại tới nguyên bản. Sự khám phá ra những văn bản ẩn giấu đến nhờ việc sử dụng tia hồng ngoại để phân tích các hiện vật – theo công bố của IAA hôm 1/5.

Các nhà khoa học Israel đang cố gắng chắp nối các mảnh vụn của Bản thảo Kinh thánh Biển Chết. Ảnh: Cơ quan Cổ vật Israel

Các nhà khoa học Israel đang cố gắng chắp nối các mảnh vụn của Bản thảo Kinh thánh Biển Chết. Ảnh: Cơ quan Cổ vật Israel (IAA)

Khi thực hiện quét kỹ thuật số, Oren Ableman – nhà nghiên cứu chuyên về bộ bản thảo tại IAA và sinh viên tiến sĩ tại Khoa Lịch sử Do Thái, Đại học Hebrew Jerusalem – nhận thấy có những điểm kỳ lạ trên nhiều mảnh vụn tìm thấy tại Hang số 11 gần Qumran. Nếu nhìn bằng mắt thường, những mẩu giấy này trông có vẻ trắng trơn, nhưng khi soi bằng tia hồng ngoại, Oren Ableman phát hiện thấy trên đó có ghi các ký tự và từ trong tiếng Hebrew. Sau đó, ông đã tiến hành giải mã những dòng chữ và chắp nối các mảnh vụn với bản thảo tại vị trí mà dường như chúng đã ở đó trước khi bị rách ra.

Một mẩu giấy từ cuốn Deuteronomy (bên phải) và những chữ được nhìn thấy sau khi sử dụng tia hồng ngoại. Ảnh: IAA

Một mảnh vụn từ cuốn Deuteronomy (bên phải) và những chữ được nhìn thấy sau khi sử dụng tia hồng ngoại. Ảnh: IAA

Dưới đây là một vài thông điệp thú vị từ những văn bản ẩn giấu trên các mẩu giấy:

- Một mảnh có lẽ tới từ Cuộn sách về Ngôi đền cổ linh thiêng, trên đó ghi chép cách thức tiến hành những nghi lễ tại nơi đây. Từ lâu, các học giả đã tranh cãi về việc có 2 hay 3 bản sao của Cuộn sách tìm thấy ở Hang số 11. Và những văn bản mới đươc phát hiện này chỉ ra là có 3 bản trên thực tế.

- Một mẩu khác tới từ Cuộn Thánh Vịnh, bao gồm phần đầu của Thánh Vịnh 147:1 và khổ cuối của bài thơ – vốn được ghi chép trong một mảnh khác lớn hơn và cả hai đều được tìm thấy trong cùng một hang động. Những nội dung này cho thấy Thánh Vịnh cổ có vẻ ngắn hơn một chút so với bản tiếng Hebrew vẫn hay được sử dụng hôm nay.

- Một mảnh khác được viết theo lối chữ Hebrew cổ và có thể thuộc về một văn bản khác chưa từng được biết đến.

Mảnh vụn từ cuốn Thánh Vịnh, có chứa nội dung tại Thánh Vịnh 147:1. Ảnh: IAA

Mảnh vụn từ cuốn Thánh Vịnh, có chứa nội dung tại Thánh Vịnh 147:1. Ảnh: IAA