Những người mê Sherlock Holmes hẳn còn nhớ trong lần đầu gặp bác sỹ John Watson, chỉ bằng một cái liếc mắt, Sherlock Holmes đã nhận ngay ra toàn bộ thông tin cơ bản về người bạn thân thiết trong tương lai của mình. Arthur Conan Doyle đã miêu tả khoảnh khắc gặp gỡ hết sức thú vị của hai nhân vật này trong tiểu thuyết đầu tiên “Cuộc điều tra màu đỏ” (A Study in Scarlet).
Họ gặp nhau ở một phòng thí nghiệm hóa học bề bộn những bình cổ cong, ống nghiệm và đèn hơi. Dù vui mừng về việc tìm ra một loại thuốc thử có thể làm kết tủa huyết sắc tố nhưng Sherlock Holmes cũng đã nhận ra ngay bác sỹ quân y Watson mới ở Afghanistan về qua một số đặc điểm: là bác sỹ quân y vì có phong cách quân nhân, nước da sẫm màu có thể là do ở vùng nhiệt đới, bị thương ở cánh tay vì cử động gượng gạo… Nhờ tổng hợp tất cả các yếu tố đó, Sherlock Holmes đã có thể rút ra kết luận trong vòng một giây.
Vậy nhờ đâu mà Conan Doyle lại có được những kiến thức về ngành y? Trước khi trở thành nhà văn, Conan Doyle là một bác sỹ nên ông có nhiều kiến thức trong lĩnh vực y học. Một trong những cố vấn của Conan Doyle chính là bác sỹ phẫu thuật Joseph Bell, giảng dạy tại trường Đại học Edinburgh – nơi Conan Doyle theo học ngành nhãn khoa. Chính Joseph Bell đã “cung cấp” thông tin về Afghanistan cũng như các đặc điểm của nhà thám tử lừng danh.
Độ chính xác trong chẩn đoán bệnh của Joseph Bell đã được chứng thực, và cũng nhờ nó mà ông đã được mời làm bác sỹ riêng cho nữ hoàng Victoria khi bà tới thăm Scotland. Thế mạnh lớn nhất của ông chính là óc quan sát. Khi làm trợ lý cho Joseph Bell, Conan Doyle đã từng chứng kiến cách người thầy của mình đoán “trúng phóc” nghề nghiệp cũ của một bệnh nhân cũng như nơi ông từng làm việc.
Tranh vẽ thám tử Sherlock Holmes và bác sỹ Watson trong phòng thí nghiệm nổi tiếng. Nguồn: Nature
Những tư tưởng tiên phong
Holmes, tất nhiên, không chỉ là một thầy thuốc chẩn đoán bệnh. Ông còn là nhà hóa học, tâm lý học, logic học, người khám phá… Tất cả những “nhà” ấy đều hiển hiện trong giai đoạn cuộc đời “trước khi có Holmes” của Conan Doyle. Trong thời đại của những biến đổi khoa học đầy sâu sắc, đâu đâu cũng cũng có những ý tưởng xuất hiện – như cách mạng và sự tồn tại của sóng điện từ, đã ngay lập tức trở thành chủ đề của cuộc tranh luận. Từ bỏ ảnh hưởng của nhà thờ bởi học thuyết Darwin và chủ nghĩa kinh nghiệm, Conan Doyle ngày càng tiến gần đến cuộc cách mạng khoa học này.
Và tại Edinburgh, ông đã chạm trán nhiều nhà tư tưởng tiên phong của đổi mới sáng tạo. Bác sỹ phẫu thuật và người tiên phong nghiên cứu thuốc khử trùng Joseph Lister đã cho ông thấy những kết quả nghiên cứu về thuyết vi trùng của Louis Pasteur. Ngay lập tức, Conan Doyle bị cuốn hút về những tiềm năng rộng mở của y học – một sự hấp dẫn sau đó được Holmes đẩy lên những tầm cao đầy chất hư cấu. Ví dụ, trong “Cuộc điều tra màu đỏ”, Holmes tuyên bố, “tôi đã tìm ra một chất phản ứng cho phép phát hiện ra huyết sắc tố”. Sự hư cấu của văn học đã “viết lại” lịch sử khoa học: Nhà vi khuẩn học và miễn dịch học người Đức Paul Uhlenhuth khám phá ra bài kiểm tra nhanh chất kết tủa máu người vào năm 1900 trong khi truyện được xuất bản năm 1887.
Conan Doyle còn gặp gỡ nhà phân tích độc học người Scoland Robert Christison, một chuyên gia từng chứng kiến rất nhiều vụ án li kỳ – và là một trong những nguồn cảm hứng về chuyên môn chất độc cho thám tử Holmes. Và cũng có thể sự quan tâm đến khoa học pháp y của nhà văn xuất phát từ một nhân vật nổi tiếng khác: Alphonse Bertillon – người tiên phong về nhân trắc học với việc sử dụng phép đo người để nhận diện tội phạm. Trong cuốn “Con chó săn của dòng họ Baskervilles” xuất bản năm 1902 (The Hound of the Baskervilles), chúng ta thấy Holmes được coi là “chuyên gia xuất sắc nhất châu Âu” về nhân trắc học, sau Bertillon. Conan Doyle tin tưởng, kiến thức y học đã giúp ông thúc đẩy “một chủ nghĩa hoài nghi lành mạnh” và sự thật là “nguồn sinh dưỡng tốt nhất cho mọi suy luận”. Do đó, Holmes là người theo chủ nghĩa hoài nghi số một.
Dù chủ ý hay không thì rút cuộc Holmes đã xuất hiện như một vị đại sứ khoa học của đại chúng. Trong “Cuộc phiêu lưu của ngón tay cái viên kỹ sư” (The Adventure of the Engineer’s Thumb) xuất bản năm 1892, Conan Doyle đã liên hệ với cách khử trùng bằng a xít carbolic của Lister khi miêu tả Watson xử lý một vết thương.
Trước khi Sigmund Freud trở thành một tên tuổi lớn và đặt nền tảng cho lĩnh vực phân tâm học, thì trong cuốn “Ngọn lửa bạc” (Silver Blaze) xuất bản năm 1892, Holmes đã suy luận về những điều thúc đẩy một người luyện ngựa đua làm hại con ngựa quý của mình.
Cách suy luận của Holmes
Holmes đã khám phá một cách chi tiết để nghiên cứu về những quyết định bị ảnh hưởng bởi định kiến hay những suy đoán bị “kẹt giữa” lý trí của cái đầu lạnh và cảm xúc của trái tim nóng. Trong “Truy tìm dấu bộ tứ” (The Sign of Four) sáng tác năm 1880, ông giải thích với Watson, điều quan trọng nhất là không được để suy đoán của mình bị thiên kiến bởi những phẩm chất cá nhân: “Mỗi khách hàng chỉ đơn thuần là yếu tố để tìm ra vấn đề. Cảm tính đi ngược lại với lý lẽ”, và cho biết thêm “người phụ nữ quyết rũ nhất mà tôi biết đã bị treo cổ vì đầu độc ba đứa trẻ để lấy tiền bảo hiểm”, “người đàn ông đáng ghét mà tôi biết lại là một nhà từ thiện đã chi 250.000 bảng cho người nghèo London”. Cảm xúc là nguyên nhân của nhiều quyết định sai lầm, nhiều nhà tâm lý học đã chỉ ra điều đó, ví dụ như Daniel Kahneman trong cuốn sách nổi tiếng của mình, “Thinking, Fast and Slow” (Farrar, Straus and Giroux, 2011).
Ngày nay, Holmes đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Ít nhất, vị thám tử này là nhân vật hư cấu đầu tiên được lập bảo tàng: năm 1990, bảo tàng Sherlock Holmes đã được xây dựng ngay tại phố Baker, London với những hiện vật là đồ dùng, trang phục của Holmes phỏng theo mô tả của nhà văn cũng như đạo cụ từ bộ phim truyền hình dài tập “Sherlock Holmes” sản xuất năm 1984. Bảo tàng do Hội những người yêu Sherlock Holmes tại Anh quản lý và điều hành.
Là nhà vô địch trong quan sát và hiện thân của lẽ phải, Holmes dường như vô cùng thích hợp với một thế giới còn bị ảnh hưởng của chủ nghĩa phủ định khoa học và tính đa cảm. “Bạn biết phương pháp của tôi rồi đấy. Hãy áp dụng chúng”, nhà thám tử từng khuyên Watson trong “Truy tìm dấu bộ tứ”. Còn với chúng ta, đã đến lúc làm theo lời khuyên của Holmes.